Được miễn phí hoặc giảm giá một sản phẩm là điều tuyệt vời. Điều đó càng tuyệt hơn nếu được dùng miễn phí một sản phẩm như Windows 8. Nhưng...
Vào cuối năm 2012, ngay khi Microsoft ra mắt HĐH Windows 8, các hãng bảo mật đã lên tiếng cảnh báo về các loại mã độc được giấu trong các bộ công cụ kích hoạt giúp người dùng có thể dùng lậu HĐH này. Không những thế, các loại mã độc này còn được tìm thấy trong các phần mềm diệt virus giả dành cho Windows 8 hay các email lừa đảo cung cấp miễn phí HĐH này.
Tuần này, hãng bảo mật TrendMicro tiếp tục cảnh báo về việc tìm thấy một loạt trang web cung cấp miễn phí công cụ kích hoạt Windows 8 với những cái tên như “Windows 8 Activator”, “Windows 8 Activator Loader Extreme Edition năm 2013”,... Bên trong của công cụ này là một mã độc được TrendMicro đặt tên là HKTL_KEYGEN.
Sau khi cài đặt, HKTL_KEYGEN sẽ yêu cầu người dùng điền các chi tiết cá nhân vào một mẫu và gửi một tin nhắn SMS đến một số điện thoại nào đó để tiến hành các bước tiếp theo. “Chiến thuật” này cũng tương tự như cách đã được tin tặc sử dụng cho các bộ công cụ kích hoạt Windows 8 đã được phát hiện từ năm 2012.
Theo điều tra của TrendMicro, các trang web này có địa chỉ IP ở Latvia hoặc Romania, trong đó có một số trang đăng ký tên miền .ru (Nga). Dãy địa chỉ IP này cũng được ghi nhận sử dụng cho các trang web rao bán các phiên bản giả của các ứng dụng di động phổ biến như Instagram và Angry Birds.
Phát hiện này một lần nữa cho thấy tâm lý sử dụng “chùa” các sản phẩm thương mại của người dùng luôn tiềm ẩn mối nguy cho chính họ. Và cái giá phải trả đôi khi khó có thể lường trước được.
Theo Báo Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét