Điện thoại hàng "dựng" núp bóng dưới dạng hàng khuyến mãi, hay tặng phụ kiện nhưng thực chất là bán kèm... là những chiêu "khuyến mãi ảo" có thể gặp phải dịp Tết.
Cuối năm luôn là thời điểm sức mua sắm tăng mạnh để người dân sắm sửa cho một cái Tết sung túc nhất. Chính vì vậy, tại thời điểm này đang có rất nhiều chương trình, chính sách khuyến mãi từ siêu thị để kích thích sức mua của người dân. Những chính sách này khá đa dạng, từ giảm giá sản phẩm, tặng quà cho đến nhiều hỗ trợ khác.
Trong số các mặt hàng công nghệ, điện thoại là một trong những món đồ mà nhiều người muốn sắm sửa nhất trong năm mới. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng có những khuyến mãi thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Kiểm tra thật kỹ
Nhiều người thường có tâm lý khá dễ dãi khi cho rằng đã chấp nhận mua hàng khuyến mãi rồi thì không nên đòi hỏi chất lượng quá cao. Tuy nhiên, đây là một sai lầm lớn khi mua hàng khuyến mãi. Nhiều khi chỉ vì ham rẻ với hàng khuyến mãi giảm giá mà chúng ta quên mất không kiểm tra cẩn thận nơi bán, nhất là với điện thoại, vật dụng khá quan trọng nhưng giá cả lại rất phong phú, từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng, tùy nhu cầu của người sử dụng.
Vì thế, "cẩn tắc vô áy náy", khi chọn mua một sản phẩm điện thoại, chúng ta cũng cần phải kiểm tra thật kỹ càng nơi bán hàng. Với sự trợ giúp của mạng Internet ngày nay, công việc này khá là đơn giản. Chỉ cần bạn "Google" với từ khóa là "địa chỉ mua hàng khuyến mãi" cùng một số từ khóa khác như "lừa đảo", "cảnh giác", "cẩn thận". Kết quả tìm kiếm sẽ xuất hiện trong chưa đến một giây, và chừng đó thôi là cũng đủ để bạn hiểu rõ về nơi mà mình định mua điện thoại khuyến mãi. Với những người không có kinh nghiệm mua điện thoại, tốt nhất là hãy tránh xa những địa chỉ bán hàng có liên quan tới những sự vụ như vậy để tránh "tiền mất tật mang" sau này.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cửa hàng to có, nhỏ có lại chấp nhận bán hàng khuyến mãi. Trong số các cửa hàng khuyến mãi điện thoại, có một tỷ lệ không nhỏ nhiều cửa hàng lợi dụng dịp mua hàng cuối năm để "tẩu tán" các "chú dế" cũ được "mông má" lại của mình với mức giá giảm khá nhiều. Trong tình trạng hàng khuyến mãi "vàng thau lẫn lộn", chúng ta nhất thiết phải kiểm tra hàng thật kỹ lưỡng trong khả năng có thể khi mua điện thoại khuyến mãi nói riêng hay các mặt hàng khác nói chung.
Đối với smartphone, các thao tác kiểm tra không thể thiếu được bao gồm vỏ máy, màn hình cảm ứng, Wi-Fi, các vết xước, phụ kiện kèm theo... Những thao tác kiểm tra này được thực hiện khá dễ dàng và không mất nhiều thời gian. Cũng không nên quên xem thật kỹ các điều kiện bảo hành, vì một số nơi khuyến mãi điện thoại lại đưa ra điều kiện bảo hành rất mập mờ, vô lý, dù rằng chấp nhận bảo hành điện thoại tới 12 tháng.
Đơn cử như không bảo hành màn hình, bo mạch máy, camera... Thế nên, trước khi quyết định ký vào tờ đơn nhận máy, hãy tự hỏi rằng liệu những điều kiện bảo hành như vậy có xứng đáng với số tiền mà mình bỏ ra hay không. Đã có trường hợp mua máy không kiểm tra kỹ bảo hành, đến khi điện thoại gặp sự cố thì nơi bán hàng từ chối bảo hành với lý do là không phù hợp với điều kiện bảo hành, khiến người dùng muốn cãi lại cũng khó có cửa thắng.
Khuyến mãi cũng như không khuyến mãi
Đã bao giờ bạn đặt ra dấu hỏi khi một chiếc điện thoại giá gần chục triệu lại có khuyến mãi lên đến vài triệu đồng? Có rất nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ, hấp dẫn nhưng một phần không nhỏ trong số đó thực chất chỉ là những chiêu trò câu khách của các siêu thị, cửa hàng, bằng cách đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng.
Lấy ví dụ như một sản phẩm điện thoại được bán ra với khuyến mãi SIM trị giá 1,2 triệu đồng nhưng thực ra chỉ là chiếc SIM vài chục nghìn, được cộng tài khoản hàng tháng 25.000 đồng trong suốt 4 năm. Hay như các phụ kiện khuyến mãi đi kèm như dock sạc, case bảo vệ, miếng dán với trị giá một triệu đồng. Thực ra, tổng giá trị của gói hàng tặng kèm đó chỉ chưa đến 300.000 đồng.
Nhân đây cũng cần phải nói lại rằng sự thật mà ít ai nhận ra đó là hàng khuyến mãi tặng kèm thực ra là được bán kèm. Chẳng hạn như chiếc tai nghe Beats Audio được tặng kèm với smartphone của HTC có giá khá cao, khoảng 4 triệu đồng, được tặng kèm khi bán máy tại Việt Nam. Khi mua máy mà không có chiếc tai nghe này đi theo cùng một số phụ kiện khác, giá của chiếc smartphone HTC đó có thể giảm từ 4 đến 4,5 triệu đồng.
Cũng một chiêu trò kinh điển khác đã được thực hiện với nhiều mặt hàng và áp dụng lại với điện thoại, đó là nhiều cửa hàng đã bí mật nâng giá của điện thoại đó lên cao hơn so với giá gốc. Sau đó, họ tiến hành quảng cáo là giảm giá cực "sốc". Trên thực tế, những món hàng này chỉ được giảm giá rất ít, thậm chí là không hề giảm so với giá gốc.
Bởi vậy mà ngay cả khi mua hàng khuyến mãi, tuyệt đối chúng ta cũng không nên nóng vội hoặc có suy nghĩ phải đăng ký mua ngay kẻo hết sản phẩm khuyến mãi này, do nhiều khi các nhà sản xuất chỉ tung ra chiêu bài đó nhằm kích thích người dùng mua hàng.
Tạm kết
"Năm hết, tết đến" là thời điểm các siêu thị, cửa hàng hầu hết áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng, tăng sức mua sắm. Nhưng để mua được một chiếc điện thoại khuyến mãi chất lượng với mức giá phù hợp nhất cũng không phải dễ.
Chính vì thế, lời khuyên tốt nhất cho bạn đọc khi muốn mua một chiếc điện thoại khuyến mãi cũng như các mặt hàng khác nói chung, đó là hãy cẩn thận nghiên cứu thật rõ ràng trước khi bỏ tiền ra rinh về một chú dế mới tinh cho mùa Tết năm nay.
Theo GenK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét