Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Điều gì đã giết chết “gã khổng lồ” Kodak?


Eastman Kodak đang bên bờ vực phá sản không chỉ vì máy ảnh phim đang chết dần chết mòn.

Điều gì đã giết chết “gã khổng lồ” Kodak?
Với hàng hoạt khó khăn, hãng máy ảnh 131 năm tuổi của Mỹ Kodak có thể phải đối mặt với phá sản. Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Kodak sẽ nộp đơn phá sản theo chương 11 Luật Phá Sản Mỹ trong vài tuần tới trừ khi bán hết số bằng sáng chế giá trị mà hãng này đang sở hữu. Điều này khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh một người đang đốt dần những vật dụng trong nhà để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.

Kodak là ví dụ điển hình cho một ông lớn ở thế kỷ 20. Trụ sở chính của công ty nằm ở một thành phố yên bình - Rochester, New York. Công ty trở nên hưng thịnh nhờ kinh doanh phim máy ảnh, lĩnh vực trở nên lỗi thời sau cuộc cách mạng kĩ thuật số.


Trong bối cảnh thời cuộc thay đổi, Kodak vẫn đứng vững. Hơn thế, công ty thường xuyên tung ra những sản phẩm mới có tính đột phá. Tuy nhiên, hãng vẫn thất bại do không tìm được mô hình kinh doanh bền vững, gợi người ta nhớ tới trường hợp của gã khổng lồ khác – AOL.

AOL vẫn tồn tại dựa vào những gì còn sót lại của lĩnh vực kinh doanh mạng dial-up trong khi các nhà quản lý muốn biến công ty thành một doanh nghiệp có hoạt động chính là truyền thông – nội dung. Công ty đã xây dựng được một trang thu hút lượng page-view lớn là The Huffington Post. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn AOL có thể tạo ra lợi nhuận trước khi “con bò sữa” kế thừa từ mảng kinh doanh mạng dial-up chết

Một cách nào đó, Kodak lặp lại lịch sử khi hãng nỗ lực biến mình thành công ty hàng đầu ngành máy ảnh số, và gần đây nhất là trở thành nhà sản xuất máy in cao cấp.

Kodak không phải là “kẻ đến sau” trong ngành nhiếp ảnh kĩ thuật số. Thực tế, Kodak là người tạo ra nó. Năm 1975, các kỹ sư của hãng đã cùng nhau đưa ra sản phẩm mẫu đầu tiên và gọi công nghệ mới này là “nhiếp ảnh không cần phim”. Năm 1991, họ hợp tác với Nikon để tung ra thị trường máy ảnh số chuyên nghiệp, và đến năm 1996, họ cho ra đời máy ảnh kỹ thuật số tự động đầu tiên.



Song so với các đối thủ như Fuji hay Olympus, Kodak đã tiến rất chậm. Thay vì chú tâm vào lĩnh vực có thế mạnh là sản xuất và bán phim máy ảnh, CEO của hãng lúc đó là Dan Carp đã đồng ý để đầu tư 2/3 ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) vào các dự án kĩ thuật số.

Kết quả ban đầu đúng là thành công tuyệt vời. Vào tháng 4/2001, Kodak cho ra đời dòng máy ảnh kĩ thuật số EasyShare với những ưu việt như dễ dàng copy ảnh ra máy tính và thời lượng pin cao hơn các sản phẩm của đối thủ. Đến kỳ Giáng sinh, những chiếc máy ảnh của Kodak đều được bán hết tại các cửa hàng. Vào năm 2005, Kodak là hãng bán máy ảnh số chạy nhất ở Mỹ.

Nhưng trong khi máy ảnh số vẫn được khách hàng chào đón thì đã có một quả bom “nổ chậm” đang đe dọa Kodak. Trong đợt bán hàng giảm giá đầu tiên của Giáng sinh năm 2006, tờ Businessweek thông báo những dấu hiệu cho thấy số lượng tiêu thụ máy ảnh số sẽ giảm. Quả thực như vậy, máy ảnh dần dần trở nên phổ biến khiến việc kiếm tiền từ sản phảm này bắt đầu trở nên khó khăn hơn. Lúc đó, CEO hiện tại của Kodak, Antonio Perez nói rằng máy ảnh số là “ngành kinh doanh tệ hại”.

Tuy nhiên vốn đầu tư của Kodak vào công nghệ số không hề phí phạm. Chính điều này đã tạo nên tài sản “chất xám” đáng giá giúp cho công ty tiếp tục thịnh vượng trong vài năm sau đó. Nói cách khác, Kodak trở thành gã khổng lồ của những bằng sáng chế. Theo WSJ, công ty đã kiếm được 1,9 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2010 thông qua nhượng quyền sáng chế và kiện tụng bản quyền.

Số tiền đó được sử dụng để thúc đẩy công ty đi lên trong khi Kodak bắt đầu đầu tư vào một “đích” mới: Máy in. Trước khi đến Kodak vào năm 2003, ông Perez đã từng làm điều hành mảng kinh doanh máy in phun ở Hewlett-Packard (HP). Do đó ông nghĩ rằng Kodak đang có cơ hội để tiên phong trong lĩnh vực này.



Và như WSJ giải thích trong tháng 8: Kodak bắt đầu bán máy in từ 2007. Chiến lược của họ là trở thành người đứng đầu trong ngành này bằng việc bán những chiếc máy in đắt hơn và mực in rẻ hơn. Năng lực cạnh tranh cốt lõi của hãng là một sự đánh cuộc bởi công nghệ nano sử dụng trong chế tạo phim có thể giúp các nhà khoa học của Kodak sản xuất ra thứ mực in không làm tắc các khay chứa mực. Điều này giúp người sử dụng máy in không phải mất thêm chi phí thay thế khay mực mỗi lần đổi mực cho máy.

Theo IDC, thị phần máy in phun đa năng của Kodak trên toàn cầu tăng từ 1% năm 2008 lên 3% năm 2010. Chiến lược trợ giá máy in của Kodak có tác động tốt tới doanh số mực in. Nhờ vào mực in rẻ, Kodak có thể bán máy in của mình với giá cao hơn các sản phẩm của đối thủ.

Doanh số tiếp tục tăng, song đến qúy 4/2010 những chiếc máy in tân tiến của Kodak đã không đem lại lợi nhuận. Và công ty vướng phải một vụ kiện tụng với RIM và Apple về công nghệ máy ảnh trên smartphone khiến thu nhập từ hoạt động này tiếp tục giảm sút.



Hiện nay, Kodak đang cố gắng bán hết những bằng sáng chế trong lĩnh vực kỹ thuật số của công ty, những thứ có khi còn giá trị hơn vốn hóa thị trường của hãng. Theo một cách nào đó, đó chính là phép ẩn dụ phù hợp với lịch sử của công ty trong những năm gần đây: Sáng tạo tuyệt vời nhưng kinh doanh chẳng ra làm sao!

Nguồn The Alantic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean