Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ - Những con số kinh hoàng

Một trong những nguyên nhân của sự bất ổn cấu trúc của nền kinh tế chính là đầu tư kém hiệu quả, tỷ lệ đầu tư rất cao nhưng tăng trưởng lại không tỷ lệ thuận.

Chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp khoảng 37%-38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Nợ liên hoàn

Hiện nay, cả nước có trên 1.200 DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng thì nợ của khu vực DNNN đến 2009 không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.


Nhiều DNNN đang lâm nạn nợ nần, nảy sinh chuỗi nợ liên hoàn. Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây, những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang ở mức giật mình: gần 8.000 tỉ đồng nợ ở tập đoàn Điện lực; khoảng 1.500 tỉ đồng của tổng công ty Xăng dầu, hay hơn 600 tỉ đồng với tổng công ty Hàng hải. Và đằng sau những con số lỗ lớn của nhiều tập đoàn, tổng công ty là câu chuyện về nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn lẫn nhau. Theo số liệu của ngân hàng Thế giới, hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Tính đến hết tháng 8- 2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76.000 tỉ đồng và đang có xu hướng tăng. Trong đó, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37.000 tỉ đồng.



Một trong những nguyên nhân của sự bất ổn cấu trúc của nền kinh tế chính là đầu tư kém hiệu quả, tỷ lệ đầu tư rất cao nhưng tăng trưởng lại không tỷ lệ thuận. Thực tế, nguồn vốn chủ đạo để đầu tư của khu vực công được lấy từ ngân sách Nhà nước, tín dụng nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó đầu tư từ ngân sách và các DNNN chiếm trên 75%. Số liệu từ Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, giai đoạn 2005-2009, lĩnh vực công nghiệp- xây dựng được ưu tiên trên 50% vốn, song đóng góp vào GDP lại chỉ dưới 40%. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2001-2010 chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và bằng khoảng 24,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính theo tỉ lệ trên GDP, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này lên đến 9,8%. Bên cạnh hiệu quả đầu tư không cao thì việc đầu tư vượt quá khả năng của nền kinh tế đã dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài; cơ cấu đầu tư thiếu cân đối nên chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp; việc theo dõi, giám sát còn yếu nên hiệu quả đầu tư chưa cao.


Tái cơ cấu như thế nào?


Từ những hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của nhiều DNNN, đặt ra vấn đề cần phải tái cơ cấu lại. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” ngày 18-10, cũng cho rằng: Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế.

Những nguyên nhân chủ yếu, xuất phát từ đặc thù của DNNN, không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Cơ cấu DNNN hoạt động kinh doanh chưa hợp lý, có khoảng cách khá xa giữa chính sách và triển khai thực hiện. Kết quả của quá trình cơ cấu lại DNNN đến nay mới chỉ dừng ở mức độ giảm số lượng DNNN nên chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực Nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN cũng chưa tốt.

Tuy nhiên tái cơ cấu như thế nào cho hiệu quả đang là bài toán hóc búa. Khó khăn nhất là nó đụng đến lợi ích của những nhóm hùng mạnh. Vì thế, cần xác định mục tiêu số 1 của việc bán DNNN là thu tiền về cho ngân sách hay là bán để sau này nó hoạt động hiệu quả hơn? Theo các chuyên gia kinh tế, không nên đặt nặng vấn đề là thu lớn cho ngân sách mà cần nhìn về tương lai. Ông Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế chính trị thế giới lưu ý: “Tái cấu trúc không chỉ là “tráo đầu đũa, lau cho sạch sẽ” mà là tư nhân hóa toàn bộ, tư nhân hóa từng phần hay trao quyền tự chủ cho DNNN. Chính phủ cần phải lên danh sách các loại DNNN theo các cấp độ thị trường: xem bán cái gì trước, cái gì sau. Tuy nhiên có những phần cần lưu ý như đường sắt, hệ thống truyền tải điện, tư nhân không thể tham gia trực tiếp mà phải có bàn tay của Nhà nước”.

Tại hội thảo “Tái cấu trúc DNNN”, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng vấn đề của DNNN là phải giải quyết vấn đề quyền người đại diện. Chúng ta đã có tư tưởng thuê CEO (Giám đốc điều hành), giám sát CEO thế thì sao không dám làm mạnh. Một CEO giỏi lương triệu đô mà làm ra lợi nhuận cả nghìn tỷ còn hơn một vị Tổng giám đốc người của Nhà nước lương vài chục triệu mà gây thua lỗ, nợ nần.

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh, cần tách biệt vai trò Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu với tư cách quản lý, điều tiết. Các biện pháp của Chính phủ phải giúp DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất chứ không phải tăng lợi nhuận ngắn hạn. Các DNNN cần phải chịu các áp lực cạnh tranh giống các thành phần kinh tế khác.

Việc tái cơ cấu DNNN, trong đó bao gồm đẩy mạnh tiến trình sắp xếp DNNN, trong vài năm gần đây diễn ra rất chậm. Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu DNNN cần tiến hành đồng bộ, trong đó có cả tái cơ cấu thị trường tài chính, thị trường vốn. Bên cạnh đó, mục tiêu cổ phần hóa là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, thay đổi căn bản quản trị doanh nghiệp; trong đó có việc tìm nhà đầu tư chiến lược có năng lực thật sự, có vị thế không chỉ trong nước mà cả quốc tế để nâng cao chất lượng hoạt động sau cổ phần hóa.

Là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế, kéo theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc tái cấu trúc đầu tư công được nhận định là yếu tố gây ra hiệu ứng mạnh, là công cụ điều chỉnh định hướng kinh tế và dẫn dắt các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ cần quyết liệt cắt giảm đầu tư công như bán đứt, thậm chí bán lỗ những dự án dở dang, không nhất thiết phải nắm trong khi tư nhân làm được, lấy nguồn lực này để sử dụng hiệu quả hơn. Dư luận cũng cho rằng chúng ta không nên “đẻ” thêm các dự án mà vài năm tới chúng ta lại phải ngồi bàn và tìm nguyên nhân vì sao không thể trả được nợ. Nhiều chuyên gia cũng đề xuất nên đầu tư toàn xã hội xuống dưới 35% GDP so với mức trên 40% năm 2011, trong đó giảm mạnh đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, cần rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện, cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không còn phù hợp với điều kiện và tiêu chí mới.

Những vụ việc đầu tư tràn lan của các DNNN ngày càng để lại hệ quả xấu cho nền kinh tế. Trong khi nhiều chuyên gia cho biết đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nếu thông tin được minh bạch hơn thì con số này sẽ còn cao hơn nhiều.

Tại hội thảo “Tái cấu trúc DNNN” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính ) tổ chức ngày 15-11, nhiều đại biểu có chung nhận định nhiều DNNN đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Một cuộc điều tra 200 doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất mới đây do Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) thực hiện khẳng định rằng “Top 200” của Việt Nam đang đầu cơ đất đai và chứng khoán mà thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thay vào đó, các công ty này đua nhau tìm kiếm lợi nhuận tức thời trong khu vực bất động sản và tài chính. Một số Tập đoàn kinh tế như Petro Việt Nam, Vinashin đang thành lập hay đoạt quyền kiểm soát ở một số ngân hàng, EVN đầu tư sang cả viễn thông, quân đội kinh doanh xăng dầu, ngân hàng.


Theo ANTĐ

Girls Generation - Korean