Điểm nhấn của làng công nghệ tháng qua là Triển lãm CES 2013 diễn ra tại Mỹ. Sự kiện Nokia chính thức bỏ Symbian cũng gây sự chú ý, bên cạnh việc RIM ra mắt BlackBerry 10, đổi tên công ty thành BlackBerry...
PC lùi bước trước di động
CEO Qualcomm Paul Jacobs nói về thế giới di động trong bài phát biểu quan trọng tại CES 2013. Ảnh: AFP.
CES là Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, khởi đầu cho chuỗi sự kiện công nghệ quan trọng của năm, nên thường được giới quan sát xem như "phong vũ biểu" để dự đoán xu hướng công nghệ. Năm nay, CES 2013 mở màn bằng bài phát biểu của CEO Qualcomm Paul Jacobs, một công việc vốn do các thủ lĩnh của Microsoft đảm trách kể từ năm 1995.
Nhân vật chính của sân khấu năm nay, Paul Jacobs, tập trung nói về xu hướng kết nối qua di động mọi lúc mọi nơi. Theo CEO Qualcomm, di động đã trở thành nền tảng công nghệ lớn nhất của nhân loại, là môi trường kết nối cùng với mạng Internet gắn kết mọi người, mọi thứ trên toàn thế giới dưới mọi hình thức tương tác, giải trí, cộng tác, chia sẻ thông tin...
Microsoft đã tuyên bố không tham dự CES 2013, nhưng Steve Ballmer bất ngờ xuất hiện trên sân khấu để trao đổi với Paul Jacobs và cử tọa về di động. Ông giới thiệu Windows 8 chạy với chip di động của Qualcomm trong các máy tính bảng của Samsung và Dell, những chiếc điện thoại Windows Phone 8 như Nokia Lumia 920 và HTC Windows Phone 8X.
Thời thế đã đổi thay, PC không còn được ưu ái, ngay cả với người khổng lồ phần mềm. Theo số liệu thống kê của IDC, doanh số PC toàn cầu trong quý IV/2012 đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 89,9 triệu máy, cho dù Windows 8 đã được phát hành.
Ultrabook, niềm kỳ vọng của ngành công nghiệp PC, xuất hiện tại CES 2013 nhiều mẫu mới với thiết kế mỏng nhẹ hơn vẫn không mấy được quan tâm vì chưa có đột phá về giá, cân nặng, thời lượng pin, những yếu tố quan trọng khi người dùng cân nhắc chọn mua một thiết bị sẵn sàng làm việc cả ngày, kết nối liên tục. Ví dụ, mẫu ultrabook lai máy tính bảng Lenovo ThinkPad Helix 11,6 inch thuộc diện mỏng và nhẹ nhất hiện nay khi tách ra cân nặng 835g, nặng hơn hẳn so với một chiếc máy tính bảng thuần túy, còn nếu tính cả đế kết nối (dock) thì lên đến 1,81 kg. Trong chế độ sử dụng như máy tính bảng, ThinkPad Helix chỉ chạy được 5 giờ, một thời lượng khiêm tốn cho môi trường di động.
Nền tảng truyền thống Wintel xem ra khó theo kịp xu hướng di động. Hiếm hoi thông tin về doanh số bán PC Windows 8 chứng tỏ hệ điều hành mới hỗ trợ chạm, vuốt của Microsoft chưa hấp dẫn thị trường. Intel thì hứa hẹn bộ vi xử lý Core i thế hệ thứ 4, tên mã Haswell, không chỉ tăng hiệu suất mà còn giúp kéo dài thời lượng pin sử dụng của máy. Tuy vậy, Atom là bước đi quan trọng của Intel dành cho các thiết bị kết nối Internet di động, nhưng việc netbook sớm “lụi tàn” cho thấy nhận định kiến trúc x86 khó có bước đột phá về tiêu thụ điện năng thấp là có cơ sở.
Smartphone đua màn hình “khủng” Full HD, chip 4 nhân
CES 2013 báo hiệu bắt đầu cuộc đua smartphone màn hình “khủng” trên 5 inch hỗ trợ Full HD 1080p với loạt sản phẩm mới trình làng: Lenovo K900, Sony Xperia Z/ZL, Huawei Ascend D2, ZTE Grand S... LG cũng đã ra mắt Optimus G Pro 5 inch tại Nhật Bản, HTC thì có mẫu Butterfly 5 inch. Ascend Mate của Huawei còn “khủng” hơn với màn hình lên đến 6,1 inch, tuy độ phân giải chỉ ở mức HD 720p. Chưa dừng lại ở đó, vì có tin đồn Samsung sẽ nâng đời Galaxy Note lên 6,3 inch, xóa nhòa làn ranh mỏng manh giữa smartphone và máy tính bảng.
Kích cỡ 6,3 inch như smartphone Ascend Mate khó có thể nói là thích hợp cho việc cầm máy ngang tai để đàm thoại. Ảnh: Cnet.
Màn hình lớn cùng độ phân giải cao hơn dĩ nhiên đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng nhìn dưới góc độ là thiết bị điện toán, tuy nhiên, khó có thể xem là hợp lý khi cầm một chiếc smartphone kích cỡ trên 5 inch để thực hiện các cuộc gọi thông thường là chức năng chính của một chiếc điện thoại. Thành công của Samsung Galaxy Note II 5,5 inch với 5 triệu máy bán ra chỉ trong 2 tháng đầu một phần có công của chiếc bút S Pen, và cũng không có nghĩa là tạo ra được phân khúc “màu mỡ” cho các điện thoại trên 5 inch.
Nếu như năm ngoái chip 4 nhân mới chỉ xuất hiện trong vài mẫu “siêu” smartphone, thì nay nhiều hãng sản xuất smartphone Android cao cấp đã xem như đó là mặc định. Quy trình sản xuất 28 nm, hỗ trợ công nghệ 4G LTE và những chuẩn kết nối mới nhất, hiệu năng xử lý mạnh mẽ hơn trong những con chip theo kiến trúc ARM của Qualcomm, Nvidia, Samsung thực sự lý tưởng cho các thiết bị di động đời mới ngày càng được dùng nhiều cho các tác vụ đa truyền thông có âm thanh hình ảnh truyền qua mạng không dây chất lượng cao.
CES năm nay là dịp để Qualcomm giới thiệu chip Snapdragon mới với hai mẫu Snapdragon 800 và 600, trong đó mẫu 800 có xung nhịp lên đến 2,3 GHz, hiệu năng tăng 75% so với chip thế hệ cũ Snapdragon 4 Pro. Nvidia ra mắt Tegra 4 cùng tuyên bố là chip xử lý nhanh nhất hiện nay cho các thiết bị di động. Cũng kèm theo một nhân phụ như đàn anh Tegra 3, nhưng 4 nhân chính của Tegra 4 đều là ARM Cortex A15 mạnh hơn hẳn Cortex A9 tích hợp trong chip Tegra 3. Tegra 4 còn tích hợp đến 72 nhân đồ họa và tuy chưa tích hợp sẵn modem LTE như chip mới của Qualcomm, nhưng mức tiêu thụ điện năng đã được cải thiện tới 45% so với Tegra 3. Trong khi đó, Samsung lại “đốt nóng” cuộc chiến đa nhân cùng màn công bố bộ vi xử lý 8 nhân Exynos 5 Octa.
Những chuyển dịch trong làng công nghệ
Trước tình cảnh ảm đạm của ngành công nghiệp PC, Intel lên kế hoạch bỏ mảng sản xuất bo mạch chủ sau khi ra mắt thế hệ chip mới Haswell, thể hiện quyết tâm dốc lực cho xu hướng di động và những mẫu máy tính tất cả trong một (All-in-One). Lenovo K900 mới chỉ là bước khởi đầu nhưng hy vọng người khổng lồ chip sẽ bứt phá trong địa hạt smartphone và máy tính bảng.
Sau nhiều nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào mảng máy tính cá nhân bất thành, Dell đã bày tỏ ý định chuyển mô hình thành công ty tư nhân. Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, dù Dell vẫn là nhà sản xuất PC lớn thứ ba, nhưng năm qua công ty chỉ bán được 37,6 triệu máy trên toàn thế giới, giảm tới 12,3% so với năm 2011. Mang trên mình món nợ 9 tỷ USD, Dell thực sự là thương vụ khó nuốt cho bất cứ ai dám chi ra 20 tỷ USD.
Thế cờ di động đang chuyển từ Âu - Mỹ sang Á. Báo cáo thị trường di động quý IV/2012 của IDC cho thấy, ngoài Samsung giữ ngôi đầu bảng, các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, Huawei vươn lên ngoạn mục chiếm vị trí thứ ba, vượt qua những tên tuổi gạo cội Sony, Nokia, Motorola, RIM. Một nhà sản xuất khác của Trung Quốc là ZTE đứng thứ 5, ngay sau Sony với cách biệt chỉ 0,2% thị phần smartphone.
Nokia đã chính thức tuyên bố khai tử Symbian, hệ điều hành từng có công giúp nhà sản xuất Phần Lan thống trị suốt 14 năm qua trước khi bị Samsung truất ngôi. Đoạn tuyệt quá khứ, hướng tới tương lai cùng Windows Phone, Nokia đã có được khoản lợi nhuận 585 triệu USD trong quý IV/2013, sau nhiều quý lỗ liên tục.
BlackBerry 10 trình làng cùng hai mẫu điện thoại Z10 và Q10 chưa tạo được lòng tin của giới đầu tư.
Cuối cùng, BlackBerry 10 cũng xuất hiện và RIM chính thức đổi tên công ty thành BlackBerry để dễ nhận diện hơn. BlackBerry liệu có lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng hay không vẫn là câu hỏi lớn, không dễ gì có ngay câu trả lời. Tuy nhiên, giới đầu tư đã tỏ ra thất vọng, cổ phiếu của BlackBerry giảm sâu 7% so với giá mở cửa ngay sau khi sự kiện BlackBerry 10 kết thúc.
Theo Số Hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét