Ngày hôm qua (19-12), Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo công bố chính thức kết quả kiểm tra rà soát giá mặt hàng xăng dầu tại 4 doanh nghiệp đầu mối của cả nước. Điều này được dư luận trông ngóng từ rất lâu bởi suốt một thời gian dài, người ta chỉ thấy các doanh nghiệp đầu mối kêu lỗ nhằm biện minh cho việc "quyết không giảm giá xăng” của mình. | |
Có hay không việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối "chuyển lãi” cho các đại lý? Ảnh: HOÀNG LONG Doanh nghiệp xăng dầu không lỗ như họ kêu Tại buổi họp báo, ông Lê Hồng Hải – Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) công bố thông tin khá bất ngờ: Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính đối với 4 doanh nghiệp đầu mối lớn gồm: Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH 1 thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cho thấy thời điểm từ 1-1 đến 26-8-2011, các doanh nghiệp đầu mối nói trên hầu như không bị lỗ một đồng nào đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Thực tế phũ phàng như một "gáo nước lạnh” dội vào các "ông lớn”. Một thời gian dài, Petrolimex – doanh nghiệp nắm giữ 60% thị phần kinh doanh trên thị trường xăng dầu - luôn miệng kêu ca rằng, họ vẫn phải chịu cảnh kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, ông Tổng Giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo "rên xiết” rằng: Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011, Petrolimex đã lỗ tới 1.800 tỷ đồng, ước hết tháng 9 lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng... vậy mà giờ kiểm toán kết quả hoàn toàn ngược lại. Trái ngược với con số người đứng đầu Petrolimex báo cáo, số lãi cao nhất thuộc về chính doanh nghiệp này với tổng số lãi ước 130 tỷ đồng. Tương tự, Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng. Petimex báo lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng. Với những con số kể trên, Bộ Tài chính cho rằng, rõ ràng nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi. Tuy nhiên, sở dĩ nhiều doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ là do định mức hao hụt xăng dầu quá lớn, chênh lệch tỷ giá cao và đặc biệt, chi phí thù lao đại lý vượt mức so với quy định. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ nhưng thực chất họ vẫn có lãi Ảnh: Hoàng Long Cần khống chế chi phí kinh doanh Có lẽ, thông tin về chi phí thù lao đại lý mà Bộ Tài chính đưa ra gây ra nhiều bức xúc nhất tại buổi họp báo. Kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở. Cụ thể tại Petrolimex, theo số liệu báo cáo của đơn vị, tổng chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp là trên 3.000 tỷ đồng, riêng mức chi thù lao đại lý đã là trên 583 tỷ đồng. Tình trạng chi thù lao, hoa hồng cho đại lý "vung tay” cũng diễn ra tương tự tại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (PVOil), Công ty CP Dầu khí Mê Kông (công ty con của PVOil) và Công ty TNHH một thành viên TMDK Đồng Tháp (PETIMEX). Nhiều thời điểm số tiền mà các "ông lớn” trích thù lao cho đại lý, tổng đại lý cao vượt xa mức chi phí cho phép (600 đồng/lít). Thậm chí, có thời điểm, có "đại gia” vung tay chi phí hoa hồng cho đại lý lên tới gần 1.000 đồng. Về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận: "Do không có một quy định về thù lao đại lý và chi phí kinh doanh nên thù lao đại lý đã biến động từ chỗ thấp lên chỗ cao, có thời điểm chỉ 100 đồng/lít, nhưng có lúc tại lên tới gần 1.000 đồng/lít. Việc làm này của các doanh nghiệp ở thời điểm thị trường đang chịu áp lực từ giá xăng dầu thế giới, Chính phủ, Đảng, Nhà nước đang cố gắng để tăng cường biện pháp kiềm chế lạm phát, là doanh nghiệp chưa biết chia sẻ khó khăn cùng người dân và Nhà nước”. Theo Thứ trưởng Mai, việc nâng thù lao đại lý như trên tuy không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nhưng sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ, không phản ánh thực trạng tài chính của doanh nghiệp kinh doanh dầu đầu mối. Do đó, nhằm tránh sự tùy tiện nâng mức thù lao đại lý để cạnh tranh thiếu bình đẳng, tăng chi phí kinh doanh, gây sức ép tăng giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng xây dựng và ban hành định mức hao hụt xăng dầu và định mức thù lao đại lý phù hợp với từng loại hình kinh doanh xăng dầu. Bởi theo bà Mai, trong điều kiện Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp đầu mối và các tổng đại lý cũng như các đại lý phải có chính sách tiết giảm chi phí để cùng Nhà nước đảm bảo vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Phương Thảo
| |
Tin tức công nghệ, khoa học kỹ thuật mới nhất tại Việt Nam & các nước trên thế giới. Cập nhật những bài viết về kinh nghiệm, thủ thuật, sản phẩm mới, tin công ...
Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011
Doanh nghiệp xăng dầu không lỗ như họ “rên xiết”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét