Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

5 sản phẩm chủ lực của Microsoft trong năm 2012

Windows 8, Xbox live TV, Windows Phone, tìm kiếm theo mạng xã hội, và cả kiện tụng sẽ là những "vũ khí" chính của Microsoft trong năm 2012 tới.
Sau 2 năm, hệ điều hành Windows 7 dành cho PC đã đạt mốc kỷ lục doanh số với 500 triệu bản và trở thành hệ điều hành được sử dụng phổ biến nhất trên toàn cầu. Ngoài ra, trong năm 2011, Microsoft cũng đã trình làng một số sản phẩm lớn của họ, trong đó có Office 365 và trình duyệt Internet Explorer 9.

Còn đây là 5 điều trông đợi từ Microsoft trong năm 2012.

Trình làng Windows 8 cho máy tính bảng

Windows 8 dường như là ván bài lớn nhất của Microsoft cho tương lai, với giao diện thay đổi triệt để và táo bạo theo phong cách Metro, mượn từ nền tảng Windows Phone 7. Hình ảnh nền quen thuộc với ứng dụng và các biểu tượng file vẫn được giữ lại cho những người sử dụng PC truyền thống. Nhưng Microsoft đang đẩy mạnh hơn giao diện thân thiện với màn hình cảm ứng để có thể lôi kéo người tiêu dùng mua máy tính bảng chạy hệ điều hành này.

Thị trường và các đối tác đang là nguồn lực hỗ trợ để có thể hậu thuẫn cho các sản phẩm Windows cất cánh trong lần ra mắt đầu tiên này. Như vậy, Microsoft sẽ chính thức bước chân vào thị trường máy tính bảng, nhưng chắc chắn sẽ không dễ dàng gì cho họ bởi đã chậm chân hơn Apple đến gần 2 năm. Và Amazon cũng vừa cho ra mắt Kindle Fire, sản phẩm đầu tiên gây được dấu ấn nhất định trên thị trường trong thế cạnh tranh với iPad.

Microsoft chắc chắn sẽ phải làm thế nào đó để thuyết phục các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng mà người dùng đặc biệt muốn dùng, nếu không, họ sẽ vô cùng khó khăn để có thể giành lại thị trường từ iPad, khi mà sản phẩm này vẫn đang ở thế thượng phong, và nhất là sức hấp dẫn của các máy tính bảng chạy Windows đang giảm sút, vì người dùng đã bắt đầu mệt mỏi với việc phải chờ đợi quá lâu, như nhận định của công ty phân tích thị trường Forrester.

Xbox tiến xa hơn

Microsoft đặc biệt thành công khi tiến được một bước dài từ một hãng công nghệ cho văn phòng và rồi mở rộng sang cả các thiết bị tại gia với sản phẩm máy chơi game Xbox nổi tiếng của mình. Bất chấp sự cạnh tranh từ các đối thủ, Xbox vẫn là sản phẩm chơi game số 1, dẫn đầu thị trường Mỹ về doanh số trong năm 2011.

Và mới đầu tháng 12 vừa qua, Microsoft đã mang đến những trải nghiệm truyền hình trực tiếp với Xbox bằng bản cập nhật các dịch vụ Xbox Live. Với việc giới thiệu giao diện Metro cho Xbox, các khách hàng của kênh truyền hình cáp Fios (Verizon) có thể lựa chọn đến 26 kênh truyền hình trực tiếp khác nhau qua Xbox.

Nhưng đây cũng chỉ là những bước khởi động cho Microsoft. Hãng công nghệ này đang nhằm đến mục tiêu khiến người dùng bật Xbox bất cứ khi nào họ duyệt kênh trên truyền hình, chứ không chỉ đơn thuần là khi họ chơi game. Năm 2012, người dùng sẽ có cơ hội xem nhiều nội dung truyền hình trực tuyến hơn nữa trên Xbox Live. Đây cũng sẽ là nền tảng để Microsoft xây dựng phiên bản mới của sản phẩm game Xbox dự kiến sẽ trình làng vào năm 2013.

Vị trí thứ 3 cho Windows Phone

Vị trí thứ 3 sẽ là kỳ vọng của Microsoft trong cuộc chiến về nền tảng di động. Từ cuối năm 2011, Microsoft và các đối tác đã tích cực giới thiệu các dòng smartphone sử dụng hệ điều hành Windows Phone 7. Bản cập nhật Mango ít nhiều cũng đã gây được ấn tượng và thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người dùng.

Tuy nhiên, thị phần dành cho Windows Phone vẫn còn quá nhỏ. Theo thống kê của Gartner, chỉ có khoảng 1,5% lượng smartphone trên toàn cầu chạy trên nền tảng này của Microsoft. Và tất nhiên, các đối thủ của Windows Phone sẽ không dừng lại. iOS vẫn nắm vững ngôi vị của họ với iPhone 4S đầy hấp dẫn ngay từ hồi ra mắt ở tháng 11. Trong khi đó, thị phần của Android cũng ngày càng mở rộng với rất nhiều hãng sản xuất thiết bị khác nhau.

Không nghi ngờ rằng thị phần của Windows Phone sẽ phát triển, nhất là sau khi Microsoft hợp tác với Nokia. Tuy nhiên, Windows Phone có giành được vị trí thứ 3 hay không vẫn là một vấn đề, khi mà RIM Blackberry chắc chắn sẽ không bỏ cuộc quá sớm.

Tiếp tục kiện tụng bản quyền

Nền tảng di động của Microsoft đang thất thế trước Android, nhưng việc đòi bản quyền sáng chế từ các nhà sản xuất điện thoại Android - trong đó có cả HTC, Wistron và Compal - lại mang về cho Microsoft khoản thu đáng kể. Khi các nhà sản xuất thiết bị Android không trả tiền, Microsoft sẽ đưa họ ra tòa. Hai trong số những vụ kiện lớn nhất của Microsoft sẽ được giải quyết trong năm 2012 là vụ kiện với Barnes & Noble, công ty đang sở hữu thiết bị đọc sách điện tử Nook chạy nền tảng Android; và vụ kiện bản quyền với Motorola, dù hiện nay Google đang vẫn trong tiến trình thu về phân mảng Motorola Mobility.

Những vụ kiện tụng này có vẻ như đã đem lại ít nhiều thành công trong năm 2011. Microsoft đã bắt đầu thu được phí từ các công ty đang sản xuất thiết bị chạy hệ điều hành Google Chrome, trong đó có cả Acer và ViewSonic.

Và tất nhiên, Microsoft vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép lên các nhà sản xuất đang sử dụng nền tảng công nghệ của đối thủ. Chắc chắn là không ít các nhà sản xuất sẽ muốn trả tiền hơn là phải đối mặt với Microsoft ở tòa án.

Tăng tìm kiếm qua mạng xã hội

Giống như việc phát triển nền tảng di động, một trong những chiến lược của Microsoft năm tới sẽ là đẩy mạnh hơn nữa công cụ tìm kiếm của họ trên Internet.

Vụ hợp tác có khả năng mang lại thành quả trong năm 2012 không phải là thỏa thuận về xử lý kết quả tìm kiếm với Yahoo, mà chính là vụ bắt tay với Facebook. Đối với mạng xã hội, Facebook vẫn là ông chủ thực sự. Từ hồi tháng 5, Microsoft đã bắt đầu đưa các gợi ý từ bạn bè của người dùng trên Facebook vào công cụ tìm kiếm Bing, giúp đưa ra các kết quả nâng cao dựa trên các đánh giá của người bấm nút Like trên Facebook. Chẳng hạn, khi ai đó đang tìm kiếm một nhà hàng Thái, thì địa điểm từng được bạn bè của họ Like trên Facebook sẽ nổi lên trong thứ tự ưu tiên của kết quả tìm kiếm.

Thời gian gần đây, Google đã vài lần thay đổi công cụ tìm kiếm của họ, và tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trên thị trường tìm kiếm. Ngoài ra, Google cũng đang tạo dựng mạng xã hội Google+ nhằm làm nổi các kết quả tìm kiếm với câu trả lời mở rộng cho các yêu cầu tìm kiếm trên Web.

Sử dụng nút “Like” trên Facebook chỉ là bước đầu tiên. Microsoft chắc chắn đã lên kế hoạch tích hợp với mạng xã hội nhiều hơn nữa vào Bing trong năm 2012. Dù không thể ngay lập tức đe dọa vị trí của Google, nhưng cách này có thể sẽ mang đến những bước phát triển mới đối với việc kinh doanh công cụ tìm kiếm của Microsoft trong thời gian tới.
Theo PCworld/Cnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean