Ông Ryotaro Nakayama, đại diện Cyber Agent (Nhật Bản) cho rằng Việt Nam cũng có thể sẽ có công ty VNG thứ 2 trong lĩnh vực di động. |
Đây là chủ đề được thảo luận tại Vietnam Mobile Day 2012, diễn ra hôm 19/5/2012 tại Hà Nội, thu hút hơn 100 lập trình viên trẻ tham gia trực tiếp cùng hàng nghìn thảo luận trên Facebook.
Theo nhiều diễn giả, do số người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam hiện đã hơn 45 triệu, lượng thuê bao 3G hơn 12,8 triệu và đang tăng nhanh, nên nhu cầu kết nối mạng xã hội, giải trí, mua sắm trực tuyến qua thiết bị di động cá nhân ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách khối thương mại điện tử của VC Corp cho biết, xu hướng này đang diễn ra khá rõ với các dịch vụ nội dung của VC Corp: lượng truy cập các trang tin tức, dịch vụ mua hàng theo nhóm, nghe nhạc, thanh toán trực tuyến bằng điện thoại di động ngày càng nhiều.
Xu hướng chuyển sang các thiết bị di động đã rõ ràng, nhưng các dịch vụ nội dung và ứng dụng di động lại dịch chuyển chậm hơn rất nhiều. Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, nhìn chung, các ứng dụng của Việt Nam chưa hấp dẫn, khó dùng (phải sử dụng nhiều thao tác), đồ họa cẩu thả…
Không chỉ với người dùng cá nhân, các ứng dụng di động cho cho doanh nghiệp cũng đang rất thiếu. Ông Nguyễn Tất Đắc, Trung tâm Điện toán di động, FPT Software nói: "Còn rất nhiều, rất nhiều ứng dụng mà doanh nghiệp cần đến nhưng hiện chưa có nhà cung cấp nào". Ông cho biết, FPT Software bước đầu cung cấp một số giải pháp cho doanh nghiệp như Di động hóa hệ thống thông tin của doanh nghiệp, Hệ thống quản lý thiết bị di động. Nhưng đó chỉ là những giải pháp đơn lẻ, chưa có một giải pháp tổng thể.
Những khoảng trống này chính là cơ hội lớn cho các nhà lập trình, giống như một "mỏ vàng lộ thiên".
Trao đổi với các nhà lập trình trẻ về việc làm thế nào khai thác tốt "mỏ vàng" này, ông Nguyễn Anh Tuấn lưu ý một số điểm: Phải có khảo sát thị hiếu người dùng (đừng chỉ tin vào sách vở); Liên tục cập nhật thị hiếu người dùng (do thị hiếu luôn thay đổi); Liên tục vượt qua các thử thách; Chỉ nên chú trọng vào một thứ (chẳng hạn chỉ tập trung vào một hệ điều hành); Tập trung vào mục tiêu của bạn và nhu cầu của người dùng; Đừng cải biến sản phẩm của người khác mà hãy tự tạo ra sản phẩm của chính mình; Sản phẩm phải đơn giản và dễ sử dụng.
Ngoài ra, theo ông Bùi Ngọc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm cấp phép, Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam (VIETRRO), các lập trình viên cũng nên quan tâm đến vấn đề bản quyền nội dung số nếu không muốn sau này gặp rắc rối, thậm chí "tiêu tan sự nghiệp" như trường hợp Megaupload.
Theo PCW
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét