Theo các chuyên gia công nghệ, giới trẻ chính là những nhà phát triển ứng dụng di động tiềm năng nhất bởi họ cũng chính là người sử dụng các ứng dụng này. Chính vì điều đó, giới trẻ rất được các hãng sản xuất điện thoại, công ty phát triển phần mềm quan tâm đặc biệt ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ứng dụng di động bùng nổ, viết phần mềm di động trở thành nghề có khả năng hái ra tiền, nhiều bạn trẻ đang theo đuổi giấc mơ làm giàu với nghề lập trình mới mẻ này.
>> Ứng dụng di động, mỏ vàng cần người khai thác
>> Ứng dụng di động, mỏ vàng cần người khai thác
Một nhóm thí sinh trình bày ý tưởng ứng dụng di động tại cuộc thi Sài Gòn Mobile DevCamp 2011 |
Nguyễn Long, chàng sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử, khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), vốn không được đào tạo bài bản về lập trình di động, lại còn học trái nghề nhưng vẫn có thể viết được phần mềm nhận dạng giọng nói Sayit mang về doanh thu hơn 600 triệu đồng (Sinh viên “triệu phú” nhờ viết phần mềm, Tuổi Trẻ 22-4). Câu chuyện của Long đang tiếp thêm hi vọng cho đông đảo bạn trẻ, nhất là sinh viên, những người đang ấp ủ vào nghề viết phần mềm di động.
Không thành tiền cũng thành tài
Nhóm bạn Võ Minh Tâm, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), kể: “Phong trào viết phần mềm bắt đầu rộ lên từ khi gia nhập câu lạc bộ Bkit Mobile hồi năm hai. Rất nhiều bạn bè cùng khóa cũng tham gia viết ứng dụng”. Đến năm 2011, Tâm và nhóm bạn của mình mới gặt hái thành công đầu tiên với giải ba cuộc thi phát triển ứng dụng di động Sài Gòn Mobile DevCamp 2011 do Công ty Orange France Telecom tổ chức. Đó là ý tưởng ứng dụng mang tên Save Us cho phép người dùng thấy các địa điểm ô nhiễm hoặc kẹt xe.
Trong khi đó Nguyễn Thanh Huy, sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin Trường ĐH RMIT, cũng bắt đầu theo đuổi đam mê lập trình di động từ năm hai với nhiều bạn bè. Huy cho biết “tài sản” tính đến nay đã được ba ứng dụng di động. Trong đó có một ứng dụng miễn phí, hai ứng dụng thu phí được Huy rao bán từ 1-2 USD, đã có khoảng 2.000 người mua các ứng dụng này. “Viết ứng dụng chủ yếu để thực hành những kiến thức đã học, nếu kiếm được tiền càng tốt. Sau khi thực tập xong tôi sẽ chọn theo nghề viết phần mềm di động” - Huy nói. Không được thành công như Huy nhưng Minh Tiến, sinh viên năm hai, vẫn nhiệt tình theo đuổi đam mê của mình. Tiến chia sẻ: “Tôi thích và bắt đầu viết từ năm nhất nhưng đến nay chưa có ứng dụng nào bán được, có lẽ do thiếu ý tưởng hay. Tuy nhiên tôi sẽ tiếp tục theo đuổi sở thích này”...
Anh Tăng Thiên Hải - hiện là giám đốc phát triển phần mềm Công ty Việt Hợp, đồng thời là quản lý cộng đồng các nhà phát triển phần mềm VN dành cho điện thoại BlackBerry - kể: “Cách đây hai năm khi bắt đầu nhận trách nhiệm phát triển cộng đồng tại VN, số lượng thành viên chỉ là con số 0. Thế nhưng đến nay con số đã tăng lên đến hơn 300 thành viên, sáng tạo ra khoảng 100 ứng dụng đưa lên kho ứng dụng của BlackBerry”.
“Các bạn trẻ, nhất là sinh viên, có cơ hội thực hành kiến thức và kỹ năng của mình. Làm chơi nhưng rất dễ thành công, không kiếm được tiền thì cũng nâng cao kỹ năng viết phần mềm, sau này dễ dàng xin việc hơn” - anh Hải nhận xét.
Thiếu nhân lực chuyên nghiệp
Theo các chuyên gia công nghệ, VN đang cần một lượng lớn nhân lực chuyên nghiệp để phục vụ sự bùng nổ phát triển ứng dụng di động trong nước. Tuy nhiên nghề lập trình ứng dụng di động còn khá mới tại VN, phần lớn lập trình viên hiện nay đều phải tự nghiên cứu, tự học để đến với nghề. Trong khi đó, khâu đào tạo lại chưa có bất kỳ một chương trình bài bản nào nên nguồn nhân lực hiện nay chủ yếu là “tay ngang”, chất lượng không đồng đều, thiếu chuyên nghiệp, gây cản trở khá lớn cho các doanh nghiệp muốn phát triển nhanh. Ông Hồ Minh Đức, phó tổng giám đốc Công ty Naiscorp - chủ sở hữu phần mềm ứng dụng đa phương tiện Socbay imedia, chia sẻ: “Các lập trình viên được tuyển dụng chỉ có kiến thức nền, chúng tôi phải đào tạo chuyên sâu mới làm được việc”.
Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) TP.HCM, đồng quan điểm: “Công nghệ luôn đi trước sự cập nhật chương trình đào tạo ở trường đại học. Các trường đại học hiện nay không những chưa cập nhật kịp việc đào tạo về các hệ điều hành trên điện thoại di động, mà còn thiếu các khóa đào tạo về công nghệ lập trình cho thiết bị di động”. Chính vì vậy để theo kịp sự phát triển của công nghệ, ông Dũng khuyến nghị cả lập trình viên lẫn doanh nghiệp phải chủ động tự thân vận động, tự học để theo kịp sự phát triển của công nghệ.
“Mặt khác để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng nhanh và tăng đột biến trong lĩnh vực mới này, rất cần các trung tâm đào tạo triển khai những khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu về công nghệ lập trình để phát triển các ứng dụng cho thiết bị di động” - ông Dũng nói.
Theo Nhịp Sống Số
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét