Tinhte-Cách đây vài ngày, Sony đã giới thiệu chiếc Xperia Sola, và tính năng nổi bật nhất của máy đó là công nghệ cảm ứng mà không cần chạm vào màn hình mang tên "Floating Touch". Một kĩ sư nghiên cứu của Sony đã đăng tải thông tin sơ lược về công nghệ này. Anh ta giải thích rằng trên các điện thoại cảm ứng hiện nay dùng công nghệ "điện dung tương hổ" (tức là có sự tương tác giữa hai vật tích điện, thường chỉ gọi là điện dung), có rất nhiều cảm biến để nhận biết hai sự kiện chạm riêng biệt. Màn hình của Sola thì khác, ngoài các cảm biến điện dung tương hổ thông thường, nó còn có một cảm biến "điện dung riêng" để có thể nhận biết tín hiệu ở một khoảng 20mm cách xa màn hình.
Mỗi khi bạn chạm vào màn hình thì đó được gọi là sự kiện chạm. Công nghệ cảm ứng điện dung dùng một lưới các điện cực phủ trên màn hình, trên đó có một điện thế. Khi ngón tay đến gần điện cực, điện dung của lưới thay đổi và có thể đo được. Bằng việc đo tất cả các điện cực, ta sẽ nhận biết được vị trí ngón tay. Có hai loại điện dung dùng cho màn hình cảm ứng: điện dung tương hổ (mutual capacitance) và điện dung riêng (self-capacitance). Công nghệ điện dung tương hổ giúp chúng ta có được màn hình cảm ứng đa điểm. Điện dung riêng sẽ tạo ra một tín hiệu mạnh hơn điện dung tương hổ, cho phép định vị chính xác ngón tay đang ở đâu ở một khoảng cách xa hơn. Tuy nhiên, với điện dung riêng thì ta không thể chạm nhiều điểm cùng lúc được vì một hiện tượng gọi là "bóng ma".
Điện dung tương hổ
Với công nghệ này, mỗi đường giao nhau của lưới điện cực tạo nên một tụ điện, và mỗi tụ như vậy đóng vai trò là một cảm biến (xem như các tụ điện nhỏ xíu này được mắc song song). Bởi khoảng cách giữa các nút giao nhau này rất nhỏ, điện trường của mỗi cảm biến cũng rất yếu, do đó tín hiệu phát ra từ chúng cũng rất yếu. Cũng chính vì điều này mà khi ngón tay ta rê phía trên màn hình chứ chưa chạm hẳn vào, thiết bị sẽ không nhận biết được vị trí của ngón tay.
Điện dung riêng và hiệu ứng ma
Nhìn vào hình minh họa bên trên, mỗi đường X và Y là một cảm biến điện dung, trong trường hợp của màn hình self capacitance. Điều này có nghĩa là các cảm biến có kích thước lớn hơn so với màn hình điện dung tương hổ. Chính kích thước lớn giúp cho tín hiệu từ phát ra mạnh hơn nên có thể nhận thấy ngón tay của người dùng từ khoảng cách 20mm phía trên màn hình. Khi một ngón tay chạm hoặc gần chạm, vị trí của nó giả sử là (X1, Y0). Nhưng khi hai ngón tay được dùng, có đến bốn vị trí có thể là ngón tay của người dùng (tức là ở các vị trí giao nhau của đường X1, X3, Y0, Y2). Vậy thì ta sẽ không biết được ngón tay thật ra đang ở đâu. Đây chính là hiện tượng bóng mà, và cũng là lí do mà màn hình Điện dung riêng không thể dùng cảm ứng đa điểm được.
Floating Touch
Việc kết hợp điện dung riêng và điện dung tương hổ chính là nguyên lí hoạt động của màn hình Floating Touch. Nếu bạn chạm hẳn ngón tay vào màn hình, thao tác cảm ứng đa điểm có thể dùng một cách bình thường, nhưng nếu chưa chạm vào thì Floating Touch chỉ có thể phát hiện một điểm duy nhất mà thôi. Sony cho biết màn hình này được hợp tác phát triển với công ty Cypress Technologies. Tận dụng các cảm biến điện dung, và hạ thấp ngưỡng chạm, Floating Touch có thể phân biệt giữa việc chạm hẳn vào màn hình và việc chỉ đưa ngón tay lên bên trên.
Hiện tại, công nghệ này chưa có nhiều ứng dụng. Sony đã kích hoạt khả năng lướt ngón tay trên trình duyệt để kích hoạt các sự kiện trong trang web như khi chúng ta rê chuột trên máy tính vậy. Ví dụ, bạn lướt ngón tay lên một nút nào đó, một menu sẽ xuất hiện, trong khi với công nghệ cảm ứng thông thường, ta chỉ có thể nhấn vào nút đó, còn menu thì có thể hiện ra, có thể không. Hiện Floating Touch chưa hoạt động với các ứng dụng Android khác và cần thêm sự hỗ trợ từ phía lập trình viên. May mắn là Android 4.0 có hỗ trợ các hàm lập trình cho sự kiện "lướt ngón tay", do đó, khi Sola được nâng cấp lên Ice Cream Sandwich thì chúng ta sẽ thấy nó hoạt động trên nhiều phần mềm hơn. Ví dụ, rê ngón tay lên một nút nào đó để hiện chú thích, hướng dẫn. Google đã hỗ trợ rồi, còn Floating Touch có tạo được trải nghiệm tốt cho người dùng hay không thì còn phải có sự hỗ trợ rất nhiều từ bên thứ ba.
Xem video về Floating Touch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét