Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Huawei – nỗi “sợ hãi” của viễn thông Mỹ

Napoleon từng ví Trung Quốc như một con rồng ngủ và cảnh báo rằng Châu Âu đừng kinh động nó, vì một khi thức giấc, nó sẽ "rung chuyển cả thế giới". Và nếu phải kể tên một công ty đã đóng dấu nhãn hiệu con rồng thức tỉnh về công nghệ ở Trung Quốc, hẳn đó là Huawei.
Phần 1: Thức giấc

Giống như hầu hết các câu chuyện thành công của Trung Quốc, Huawei có một khởi đầu cực kỳ khiêm tốn. Thành lập năm 1987 tại Thâm Quyến, lúc đầu Huawei chỉ đơn thuần là đại lý bán lẻ cho một nhà phân phối ở Hồng Kông, nhưng chỉ với 3 năm, Huawei đã cho ra đời nhãn hiệu đầu tiên của mình Huawei - BPX. Sau một thời gian ngắn, Huawei đã bắt đầu phát triển và trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại giá rẻ và chiếm thị phần lớn nhất ở vùng nông thôn khổng lồ của Trung Quốc cũng như trở thành đối tác đầu tiên của những công ty nước ngoài như Acatel và Cisco.

Không chỉ thành công ở trong nước, Huawei còn vươn sang các thị trường khác như Châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Trong chiến lược của công ty, phương Tây sẽ là đích đến cuối cùng và theo lời của Phó chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner - Geoff Johnson - các nhà cung cấp Châu Âu đã bắt đầu cảm thấy sự đe dọa từ Huawei. Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính của công ty này.

Theo báo cáo thường niên năm 2010, Huawei có 110.000 nhân viên trên toàn thế giới, tháng vừa rồi Huawei thâu tóm CRN và con số này đã tăng lên 140.000. Từ năm 2006 đến 2010, lợi nhuận trung bình hàng năm tăng khoảng 57%, doanh thu đạt hơn 40 tỷ USD và mức tăng trưởng trung bình là 33% mỗi năm.

Tuy nhiên, sức mạnh của thương hiệu Huawei đối với thị trường phương Tây chưa phải là mạnh, nhất là đối với những doanh nghiệp viễn thông lớn cho dù Huawei đã trở thành một trong ba nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và giải pháp với ba mảng thị trường trọng điểm bao gồm điện thoại cố định, IP cố định và truyền thông di động. Thậm chí, trong năm tiếp theo Huawei dự kiến sẽ vượt cả Ericsson để trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Tại Úc, Huawei đã có quan hệ làm ăn với những ông lớn trong ngành viễn thông như Telstra, Optus và Vodafone và trực tiếp tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng di động lớn bao gồm cả việc xây dựng mạng 4G LTE cho cả ba nhà mạng này. Huawei là nhà cung cho mạng di động lớn nhất của Úc WiMax, thuộc sở hữu của Perth.

Tháng 8 năm ngoái, Huawei thực hiện các chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường Úc, đây là một phần trong chiến lược phát triển toàn cầu bao gồm cả thị trường Mỹ và Châu Âu. Trong năm 2011, Huawei thu được 10 triệu đô từ thị trường này nhưng chỉ trong một vài năm tới, con số kỳ vọng là 100 triệu USD.

Vượt qua nghi ngờ

Tuy nhiên, phó chủ tịch Gartner cho rằng Huawei cần ít nhất 3 năm nữa để “tẩy sạch” thương hiệu của mình, chuyển từ một công ty chuyên cung cấp các thiết bị sao chép thành một nhà cung cấp thiết bị viễn thông đáng tin cậy cho các doanh nghiệp viễn thông lớn cho dù giờ đây có tới 20% nhân viên của Huawei chỉ tập trung vào nhiệm vụ này.

“ Huawei là một doanh nghiệp vẫn bị gạt sang bên lề trong thị phần các doanh nghiệp viễn thông toàn cầu. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước”. – Johnson nói.

Năm trước, Huawei đã công bố nhà phân phối chính thức của mình tại Úc là Simms International. Giám đốc điều hành Simms – Danny Moore cho biết cho dù Huawei đã có những bước tiến sâu thâm nhập vào thị trường tại Úc nhưng trước mắt họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khẳng định thương hiệu của mình. “Mọi người vẫn chưa đánh giá đúng sự lớn mạnh của Huawei”, Danny nói.

Nhưng Huawei hoàn toàn có quyền lạc quan. Ngày càng có nhiều đối tác muốn làm ăn với Huawei, ngay cả một số đối tác trung thành của Cisco cũng đã bàn bạc chuyện hợp tác với Huawei. Một trong các nguyên nhân không thể phủ nhận được là Huawei giúp các đối tác của mình có thể tiết kiệm các khoản chi và thu về một món lời rất đáng kể.

“Chúng tôi đã bắt đầu có sự lớn mạnh trong thị trường khối doanh nghiệp”, Milton tự hào nói. Một trong những bước tiến lớn nhất của Huawei trong năm vừa qua là Huawei đã hoàn toàn sở hữu thương hiệu Symantec - một thương hiệu mạnh chuyên cung cấp các giải pháp lưu trữ vào bảo mật hàng đầu thế giới cho khối doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ở thị trường Mỹ và Châu Âu. Đây có thể xem là một nước cờ chiến lược giúp Huawei tấn công vào thị trường này cho dù để có được nó, Huawei đã phải trả tới 530 triệu USD.

Có thể thấy, Huawei nắm trong tay có trong tay một nguồn cung lao động dồi dào với giá nhân công rẻ và hơn nữa, như mọi công ty Trung Quốc khác, hiệu suất lao động của nguồn nhân lực luôn luôn là một tôn chỉ mang tính chất sống còn. “Một trong những ưu điểm tuyệt vời của Huawei là họ cực kỳ nhạy bén trong khả năng tự điều chỉnh. Họ không chỉ tận dụng ưu thế về giá cả mà còn rất thành công trong việc nâng cao hiệu suất công việc” – Johnson – Đại diện của Gartner Inc, nói.

Huawei đang tìm kiếm phát triển giải pháp điện toán đám mây để phục vụ tham vọng của mình cho thị trường doanh nghiệp. Năm 2010, Huawei đã mua Cenwave – một công ty chuyên cung cấp các giải pháp điện toán đám mây tại Trung Quốc làm nền tảng cho sự phát triển và hội nhập nhanh chóng vào lĩnh vực cung cấp các giải pháp truyền thông hợp nhất (Unified Comunication - UC). Gần đây, Huawei cũng đã ký kết một thỏa thuận với Deutsche Telekom để cộng tác trong các dự án phát triển trung tâm dữ liệu điện toán đám mây cũng như các giải pháp liên quan đến vấn đề phát triển thành phố thông minh trong tương lai như lưới điện thông minh, y học từ xa, và mạng lưới giao thông. Trên thực tế, giải pháp UC của Huawei cũng đã được quan tâm phát triển trong các dự án chung hợp tác với Microsoft hay IBM hứa hẹn một lối đi thênh thang vào thị trường doanh nghiệp.

Thị trường của Huawei cũng được mở rộng sang cả lĩnh vực cung cấp dịch vụ hội nghị từ xa (telePresence), lĩnh vực mà công ty này có thể giúp đối tác của mình tiết kiệm tới 50% chi phí nếu so sánh với đối thủ Cisco.

Năm 2008, Huawei đã từng là một người tiên phong trong cuộc chạy đua mua lại công ty thiết bị viễn thông 3com của Mỹ, nhưng phía Mỹ đã từ chối các đề nghị của Huawei. Đầu năm ngoái, Huawei lại tiếp tục thất bại khi cố gắng bỏ ra hơn 2 triệu USD để mua hãng máy tính 3Leaf của Mỹ. Hay trong một dự án khác, các thành viên của Đảng Cộng hòa đã từng phản đối gay gắt sự dự thầu của Huawei trong dự án cung cấp thiết bị cho mạng di động Sprint Nextel Corp, một trong ba nhà mạng di động lớn nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, trái ngược với sự ghẻ lạnh mà chính phủ Mỹ dành cho Huawei, Cisco đã từng có thời là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất cho chính phủTrung Quốc. Phía Huawei thì cho rằng những người phản đối sự có mặt của Huawei tại Mỹ chẳng qua muốn đưa ra một tấm chắn nhằm bảo vệ ngành công nghiệp viễn thông của nước này. Và với những ưu thế cạnh tranh quá lớn như vậy, rất có thể Huawei cũng sẽ bị đối xử tương tự khi gia nhập thị trường Úc.

Bất chấp những bất lợi ở Mỹ, năm vừa qua Huawei vẫn đang dần vươn lên chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường viễn thông thế giới, đặc biệt là ở thị trường Úc. Huawei cũng thừa nhận lúc đầu phía Úc đã có những động thái nghi ngờ và để phá vỡ nghi ngờ đó, Huawei đã mời rất nhiều chính khách Úc thăm các cơ sở của mình, trong đó có cả Bộ trưởng bộ Thông tin truyền thông Stephen Conroy.

Phần 2: “Nhắm bắn” cả Apple!

Lĩnh vực mới nhất của Huawei nhằm tiến đến ngôi vương là smartphone và máy tính bảng. Nếu thành công, Huawei sẽ trở thành nhà cung cấp viễn thông hoàn chỉnh nhất từ việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, giải pháp điện toán đám mây, giải pháp UC, truyền hình trực tuyến cho đến cung cấp các thiết bị đầu cuối, thu phát sóng đến tận tay người dùng.

Mark Treadwell – giám đốc Marketing của Huawei – thừa nhận, Huawei cần phải đi tiếp một chặng đường rất dài để có thể khẳng định thương hiệu giống như Apple đã từng làm nhưng điều đó sẽ sớm được giải quyết. Ông cũng cho biết thêm, theo một nghiên cứu gần đây, mức độ nhận diện thương hiệu của Huawei đã đạt 30% tương đương với Apple của thời điểm giữa những năm 90. Nhưng ông nhấn mạnh thêm, Huawei mới chỉ ra nhập lĩnh vực này hơn 1 năm. Và nếu Apple duy trì sản phẩm của mình ở một mức giá chất ngất thì Huawei đang chào bán chiếc smartphone của mình với giá 200 USD, thậm chí, hãng này xúc tiến phát triển loại smartphone có giá dưới 100 USD.

“Huawei đã góp phần quan trọng giúp giảm giá thành những chiếc smartphone và chúng tôi đã chiếm được một thị phần đáng kể” Treadwell tự hào nói. “Thị phần đáng kể” hiện nay là 2,5% nhưng Huawei dự định sẽ trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2016.

Để chứng minh điều này, Huawei liên tục tung ra các siêu phẩm của mình như chiếc smartphone mảnh mai nhất thế giới Ascend P1 S, chỉ dày 6.68mm. Huawei cũng chú tâm vào phát triển chip dòng sản phẩm này, hồi tháng trước, Huawei đã công bố chiếc điện thoại quad-core (lõi chip nhân 4) tại Mobile World Congress diễn ra ở Barcelona. Đồng thời, Treadwell cho biết, song song với việc cộng tác với người khổng lồ Android – Google, hãng này cũng sẽ không ngừng nghỉ để phát triển một hệ điều hành riêng cho mình trong tương lai.

Những đỉnh cao

Trong hững năm qua, Huawei đã không ngừng thay đổi để phát triển từ một công ty sản xuất các thiết bị rẻ tiền vươn lên thành một trong những tập đoàn công nghệ hùng hậu nhất.Nó cũng trở thành “doanh nghiệp đáng mơ ước được làm việc” thứ 2 của các sinh viên đại học Trung Quốc.

Khoảng 44% nhân viên Huawei làm việc trong phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), đây là một tỷ lệ đặc biệt cao nhất là đối với một doanh nghiệp khổng lồ như Huawei.

Vào cuối năm 2010, Huawei đã hoàn thành 49.000 sáng chế ứng dụng trong đó có 31.869 sáng chế được hoàn thành ởTrung Quốc. Huawei có 8.892 phát minh được cấp bằng sáng chế quốc tế, 8.279 bằng sáng chế do các tổ chức nước ngoài cấp, trong số 17.765 bằng sáng chế được các cơ quan có thẩm quyền cấp, có 3.060 bằng sáng chế ở nước ngoài. Hơn nữa, Huawei có số lượng lớn nhất của các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ LTE 4G và công nghệ truyền thông di động.

Để hỗ trợ công cuộc phát triển ở Úc, Huawei đã hợp tác với các trường Đại học danh tiếng của Úc trong đó bao gồm cả Đại học Melbourne, nơi có những sinh viên và giáo sư xuất sắc nhất trong ngành công nghệ viễn thông băng thông rộng. Đồng thời, vào năm 2010, Huawei kí một biên bản ghi nhớ với RMIT Melbourne trong việc hợp tác đào đào tạo 500 sinh viên cho các các công nghệ mới và đang nổi bao gồm Gigabit Passive - mạng quang học (GPON), LTE và thế hệ các ứng dụng băng thông rộng khác nhau khác.

Cơ sở vật chất

Huawei là một trong hai cơ sở công nghiệp công nghệ lớn nhất ở Thâm Quyến bên cạnh FOXCONN của Đài Loan, mỗi sáng sáng người ta lại thấy những hàng dài những chiếc xe ôtô đời mới sang trọng làm tắc nghẽn con đường dẫn đến Huawei, trong khi đó, phía bên đường dẫn sang FOXCONN, người ta không thể tìm thấy dù chỉ là bóng dáng của một chiếc xe cũ kỹ. Trong nhà máy, một trong những khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là nghĩa vụ của công dân đối với chính phủ Trung Quốc.

Quyền sở hữu được phân phối cho khoảng 60% người lao động và nhân viên vào làm việc tại Huawei sau hai năm sẽ được mua cổ phần nhưng họ sẽ phải bán lại cho công ty nếu thôi việc. Thông thường, phần cổ tức được nhận còn nhiều hơn cả tiền lương.

Huawei cũng đã dùng rất nhiều thời gian và tiền bạc để cải tạo lại cấu trúc công ty mình, suốt nhiều năm trời công ty đã dùng các dịch vụ tham vấn quản lý từ những doanh nghiệp tư vấn danh tiếng nhất như hãng The Hay Group hay Công ty tư vấn IBM.

“Huawei không có một cơ chế quản lý tối ưu nhưng không thể phủ nhận được nó là cỗ máy chạy trơn tru nhất trong nền công nghiệp công nghệ Trung Quốc. Huawei giống như một người đầu bếp Trung Quốc, họ có kinh nghiệm trong việc tạo ra các sản phẩm tối ưu trong vòng xoay ngắn hạn và với giá thành rẻ nhất.” – đại diện của Gartner đúc kết.

Lương Hương
Theo ICTNews/CRN Australia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean