Cục Tần số vô tuyến điện và Ericsson thử nghiệm 4G tại Việt Nam. |
ICTnews - Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) vừa công bố chuẩn 4G có tốc độ truyền dẫn gấp tới 500 lần so với chuẩn 3G và được ví như kết nối cáp quang cho ĐTDĐ. Báo BĐVN đã phỏng vấn ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện về vấn đề này.
Mới đây, ITU đã đưa ra chuẩn cho 4G, vậy cụ thể những công nghệ nào được quy định là chuẩn 4G thưa ông?
Tại phiên họp toàn thể của Hội đồng thông tin vô tuyến (Radiocommunication Assembly - ITU-R) ngày 18/1/2012 tại Geneva, khuyến nghị ITU-R M.2012 về chuẩn giao diện IMT-Advanced đã nhất trí phê chuẩn. Chuẩn giao diện vô tuyến IMT-Advanced, hay còn được nhắc đến như là chuẩn 4G, gồm 2 loại giao diện vô tuyến là LTE-Advanced và WirelessMAN-Advanced. Trong đó, chuẩn giao diện vô tuyến LTE-Advanced do 3GPP phát triển (phiên bản LTE Release 10 và tiếp sau) còn chuẩn WirelessMAN-Advanced do IEEE phát triển (chuẩn WirelessMAN-Advanced kết hợp với chuẩn IEEE 802.16).
Việc Khuyến nghị ITU-R M. 2012 được thông qua sẽ là một mốc quan trọng để thúc đẩy việc đưa ra thương mại các công nghệ theo chuẩn 4G và thị trường viễn thông thế giới trong một vài năm tới sẽ có nhiều đột phá.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện |
WiMAX có nằm trong chuẩn 4G hay không?
WiMAX nằm trong chuẩn 4G nhưng nó được gọi tên là WirelessMAN (WiMAX Release 2.0) là một trong hai nhánh của chuẩn 4G. Trong khi đó, LTE vẫn được giữ nguyên tên.
Tốc độ của chuẩn 4G so với tốc độ của chuẩn 3G khác như thế nào?
Theo định nghĩa trước đây thì chuẩn 3G có tốc độ là 2Mbit/s. Nhưng định nghĩa chuẩn 4G cao hơn gấp 500 lần chuẩn 3G. IMT-Advanced sẽ cung cấp các dịch vụ băng thông rộng với chất lượng cao hơn, tốc độ lớn hơn so với những công nghệ hiện có. Tốc độ dữ liệu đường xuống cao nhất là 100Mbit/s trong trường hợp di chuyển nhanh và 1Gbit/s các kết nối trong khi di chuyển chậm. IMT-Advanced được so sánh như kết nối cáp quang đến máy di động, tốc độ về mặt lý thuyết nhanh gấp ít nhất 500 lần so với kết nối 3G.
Theo lời của ông Francois Rancy, GĐ Cục Vô tuyến ITU-R. Hiện tại, một số nhà mạng đã nâng cấp sử dụng công nghệ HSDPA có tốc độ dữ liệu đường xuống cao nhất đạt 42Mbit/s (ví dụ Truemove-H, Pelephone Israel, Deutchsche Telekom), ngoài ra nếu sử dụng HSPA+ và anten MIMO cũng như dull-cell HSDPA thì có thể cung cấp tốc độ dữ liệu đường xuống lên tới 84 Mbit/s. Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn còn một khoảng cách so với định nghĩa của IMT-Advanced/4G.
IMT-Advanced vượt trội không chỉ về tốc độ mà còn về hiệu quả sử dụng phổ tần. IMT-Advanced có thể truyền dữ liệu lớn hơn trên băng thông hẹp hơn. Điều này giúp các nhà mạng đối mặt với sự gia tăng nhanh của lưu lượng dữ liệu trong tương lai gần.
Trên thế giới các nhà mạng bắt đầu có kế hoạch triển khai mạng sử dụng công nghệ IMT-Advanced trong vài năm tới. Đặc biệt, một số mạng, trong đó có một vài nhà khai thác đang sử dụng WiMAX, đã tuyên bố sẽ nâng cấp lên dùng LTE-Advanced. Cụ thể, Clearwire (Mỹ) sẽ triển khai LTE Advanced theo chuẩn TDD-LTE để thay thế mạng WiMAX của mình. Tháng 10/2011, Spint Nextel tuyên bố sẽ triển khai LTE Advanced tại băng tần 800MHz vào nửa đầu năm 2013. Bên cạnh đó, AT&T sẽ triển khai LTE Advanced trong năm 2013.
Theo ông việc ITU phê chuẩn về chuẩn 4G sẽ tác động như thế nào đối với Việt Nam?
Tôi cho rằng, LTE-Advanced và WirelessMAN-Advanced được phê chuẩn bởi các cơ quan quốc tế cao nhất về viễn thông thì những nhà sản xuất thiết bị sẽ xây dựng tiêu chuẩn chi tiết theo đúng chuẩn được phê chuẩn. Các thiết bị được sản xuất ra sẽ được tương thích trong cả tương lai. Thứ hai, các nhà mạng có thể yên tâm triển khai 4G mà không sợ bị thay đổi và không bền vững. Nhà khai thác không lo lắng chuyện đã đầu tư rồi có bị thay đổi công nghệ hay không. Nếu như trước đây, nhiều người vẫn băn khoăn đi theo chuẩn này có bền vững hay không thì việc đưa ra tiêu chuẩn trê là sự khẳng định công nghệ của tương lai phát triển theo đúng chuẩn mà ITU đưa ra.
Việc phê chuẩn về 4G cũng giúp Việt Nam quy hoạch băng tần cho 4G ở trên băng tần 2,5 GHz. Bộ TT&TT cũng đang đề xuất với Thủ tướng về các hình thức cấp phép cho băng tần này. Song thời điểm triển khai và hình thức cấp phép như thế nào không chỉ liên quan đến chuẩn 4G mà còn liên quan đến tình hình của thị trường. Chắc chắn việc ITU thông qua chuẩn 4G sẽ tạo định hướng cho quy hoạch thế hệ thông tin kế tiếp là 4G.
Tuy nhiên, sự thành công của các cộng nghệ mới khi được thương mại cần có thời gian để khẳng định. Công nghệ WiMax di động là một ví dụ. Trong một vài năm trước, WiMax nổi lên như một công nghệ đầy tiềm năng, nhưng việc triển khai thương mại đã cho thấy ngoài thị trường Mỹ thì tại các thị trường khác công nghệ này không thành công như mong đợi. Tại Việt Nam, năm 2008, Bộ TT&TT đã cấp 7 giấy phép thử nghiệm WiMAX di động, nhưng đến nay các nhà mạng đã dừng thử nghiệm mạng và chưa có nhà mạng nào có kế hoạch triển khai dịch vụ chính thức.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét