Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Đặc điểm của Đấu thầu là gì?


Đấu thầu xây dựng là 1 hình thức phổ biến trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình, bảo lãnh dự thầu theo đó cũng là một loại hình bảo lãnh an toàn, phổ biến tại Việt Nam. 

Để hiểu rõ bản chất của công tác đấu thầu, dưới đây GiangBLOG xin giới thiệu một số khái niệm cơ bản liên quan tới hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.


Bản chất của hoạt động "đấu thầu mua sắm” là việc bỏ tiền để đạt được được mục tiêu nhất định trong một thời gian xác định. Theo đó, hoạt động đấu thầu mua sắm bằng tiền của Nhà nước được gọi là "Mua sắm công” hay ”Mua sắm chính phủ”.

 Các quy định để thực hiện các hành vi mua sắm thông qua đấu thầu được chi phối, điều tiết bởi người sở hữu nguồn tiền sử dụng cho việc mua sắm. Tuỳ thuộc vào nguồn tiền được sử dụng mà việc mua sắm có những đặc điểm khác nhau. Với việc sử dụng tiền của Nhà nước, hoạt động đấu thầu mua sắm có những đặc điểm riêng, khác với các nguồn tiền không phải của Nhà nước.
MỘT SỐ THUẬT NGỮ CƠ BẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU 
1.     Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý.
2.     Sử dụng vốn nhà nước bao gồm việc chi tiêu bằng vốn nhà nước theo các hình thức mua, thuê và thuê-mua.
3.     Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của BMT để thực hiện gói thầu thuộc các dự án quy định tại Điều 1 của Luật Đấu thầu trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Thực chất của công tác đấu thầu của Việt Nam là hoạt động chi tiêu, sử dụng vốn nhà nước và vì vậy tuy gọi là Luật Đấu thầu song cần hiểu theo nghĩa ước lệ với bản chất là hoạt động mua sắm công hay mua sắm chính phủ. Hoạt động này bao gồm 7 hình thức lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu, trong đó thuật ngữ đấu thầu nếu hiểu theo nghĩa gốc là cuộc đấu thầu có sự tham gia của các nhà thầu để dành được hợp đồng thông qua cạnh tranh.
4.     Trình tự thực hiện đấu thầu gồm các bước chuẩn bị đấu thầu, tổ chức đấu thầu, đánh giá HSDT, thẩm định và phê duyệt KQĐT, thông báo KQĐT, thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng.
5.     Đấu thầu trong nước là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của BMT với sự tham gia của các nhà thầu trong nước.
6.     Đấu thầu quốc tế là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của BMT với sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài và nhà thầu trong nước.
7.     Dự án là tập hợp các đề xuất để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc nhằm đạt được mục tiêu hay yêu cầu nào đó trong một thời gian nhất định dựa trên nguồn vốn xác định.
8.     Người có thẩm quyền là người được quyền quyết định dự án theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án có sự tham gia vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên, trừ các dự án sử dụng 100% vốn nhà nước, thì người có thẩm quyền là Hội đồng quản trị hoặc đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia góp vốn.
9.     Chủ đầu tư là người sở hữu vốn hoặc được giao trách nhiệm thay mặt chủ sở hữu, người vay vốn trực tiếp quản lý và thực hiện dự án.
10.  BMT là chủ đầu tư hoặc tổ chức chuyên môn có đủ năng lực và kinh nghiệm được chủ đầu tư sử dụng để tổ chức đấu thầu theo các quy định của pháp luật về đấu thầu.
11.  Nhà thầu là tổ chức, cá nhân có đủ tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Luật Đấu thầu để tham gia vào quá trình lựa chọn nhà thầu của BMT. 
12.  Nhà thầu chính, nhà tổng thầu là nhà thầu chịu trách nhiệm về việc tham gia đấu thầu, đứng tên dự thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn (sau đây gọi là nhà thầu tham gia đấu thầu). Nhà thầu tham gia đấu thầu một cách độc lập gọi là nhà thầu độc lập. Nhà thầu cùng với một hoặc nhiều nhà thầu khác tham gia đấu thầu trong một đơn dự thầu thì gọi là nhà thầu liên danh.
13.  Nhà thầu tư vấn là nhà thầu tham gia đấu thầu cung cấp các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn.
14.  Nhà thầu cung cấp là nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu cung cấp hàng hóa.
15.  Nhà thầu xây dựng là nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu xây lắp.
16.  Nhà thầu EPC là nhà thầu tham gia đấu thầu để thực hiện gói thầu EPC bao gồm các lĩnh vực như Thiết kế (E- Engineering), Cung cấp vật tư, thiết bị (P- Procurement) và Xây dựng (C- Construction).
17.  Nhà thầu phụ là nhà thầu thực hiện một phần công việc của gói thầu trên cơ sở thoả thuận hoặc hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Nhà thầu phụ không phải là nhà thầu chịu trách nhiệm về việc tham gia đấu thầu.
18.  Gói thầu là một phần của dự án, trong một số trường hợp đặc biệt gói thầu là toàn bộ dự án; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau  thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần đối với mua sắm thường xuyên.
19.  HSMST là toàn bộ tài liệu bao gồm các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm đối với nhà thầu làm căn cứ pháp lý để BMT lựa chọn danh sách nhà thầu mời tham gia đấu thầu.
20.  HSDST là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của HSMST.
21.  HSMT là toàn bộ tài liệu sử dụng cho đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị HSDT và để BMT đánh giá HSDT nhằm lựa chọn nhà thầu trúng thầu; là căn cứ cho việc thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
22.  HSDT là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của HSMT và được nộp cho BMT theo quy định nêu trong HSMT.
23.  Giá gói thầu là giá trị gói thầu được xác định trong KHĐT trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán được duyệt và các quy định hiện hành.
24.  Giá dự thầu là giá do nhà thầu nêu trong đơn dự thầu thuộc HSDT. Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá thì giá dự thầu là giá sau giảm giá.
25.  Giá đề nghị trúng thầu là giá do BMT đề nghị trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu được lựa chọn trúng thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của HSMT.
26.  Giá trúng thầu là giá được phê duyệt trong kết quả lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
27.  Chi phí trên cùng một mặt bằng bao gồm giá dự thầu do nhà thầu đề xuất để thực hiện gói thầu sau khi đã sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch, cộng với các chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến tiến độ, chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa hoặc công trình thuộc gói thầu trong suốt thời gian sử dụng. Chi phí trên cùng một mặt bằng dùng để so sánh, xếp hạng HSDT và được gọi là giá đánh giá.
28.  Hợp đồng là văn bản ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nhưng phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
29.  Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của HSMT.
30.  Bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc nhà thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu trúng thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của HSMT.
31.  Dịch vụ tư vấn bao gồm:
a.  Dịch vụ tư vấn chuẩn bị dự án gồm lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;
b.  Dịch vụ tư vấn thực hiện dự án gồm có khảo sát, lập thiết kế, tổng dự toán và dự toán, lập HSMT, đánh giá HSDT, giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị;
c.  Dịch vụ tư vấn điều hành quản lý dự án, thu xếp tài chính, đào tạo, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ tư vấn khác.
32.  Hàng hoá gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng và các dịch vụ không phải là dịch vụ tư vấn.
33.  Xây lắp gồm những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình, hạng mục công trình, cải tạo, sửa chữa lớn.
34.  Kiến nghị trong đấu thầu là việc nhà thầu tham gia đấu thầu đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan đến quá trình đấu thầu khi thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng.
35.  Vi phạm pháp luật về đấu thầu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.
36.  Thẩm định đấu thầu là việc kiểm tra, đánh giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định về KHĐT, HSMT và kết quả lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đấu thầu. Việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không phải là việc đánh giá lại HSDT, HSĐX .


Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean