Theo Broadcom, điện thoại sắp tới có thể truyền nhanh các tập tin lớn đến PC, TV do chipset Wi-Fi thế hệ tiếp theo của họ có thể cung cấp tốc độ gần 400Mbps, đồng thời tiết kiệm năng lượng khoảng 6 lần so với trước.
Broadcom dự định đưa chuẩn Wi-Fi IEEE 802.11ac lên điện thoại thông minh (smartphone) vào đầu năm tới, sử dụng chipset được công bố hôm 24/7/2012, có khả năng cung cấp tốc độ thực khoảng 300Mbps.
Chuẩn 802.11ac là thế hệ tiếp theo của Wi-Fi, được thiết kế để cung cấp hiệu suất gấp 3-4 lần hiệu suất của các sản phẩm theo chuẩn 802.11n hiện tại. Chuẩn 802.11ac vẫn chưa được thông qua, và tổ chức Wi-Fi Alliance dự kiến sẽ bắt đầu chứng nhận các sản phẩm theo chuẩn này trong quý 1/2013. Tuy nhiên, Broadcom đã tung ra chip 802.11ac cho máy tính xách tay, thiết bị định tuyến với hy vọng những thay đổi (nếu có) sau khi chuẩn được thông qua sẽ rất nhỏ.
Các điện thoại với chip Broadcom 802.11ac sẽ có mặt trên thị trường vào đầu năm tới, theo ông Michael Hurlston, phó chủ tịch Broadcom kiêm tổng giám đốc bộ phận Home and Wireless Networking của công ty. Vì nó có thể truyền/nhận dữ liệu nhanh hơn và có thể tự thoát ra khỏi mạng khi hoàn tất, theo ông Hurlston, chip Broadcom 802.11ac sẽ tiết kiệm năng lượng hơn khoảng 6 lần so với “tiền bối” của nó.
Chipset BCM4335 sắp tới ngoài hỗ trợ sóng 802.11ac còn tương thích ngược với các chuẩn 802.11g và 802.11n trước đó, cộng với Bluetooth và FM radio, ông Hurlston cho biết. Nó là sản phẩm kế tiếp của chipset BCM4334 hiện nay của Broadcom (BCM4334 sử dụng chuẩn 802.11n). Các nhà sản xuất thiết bị cầm tay sẽ có thể sử dụng BCM4335 với chip băng tần cơ sở (baseband chip) của bất kỳ nhà cung cấp nào.
Công nghệ mới sử dụng một loạt kỹ thuật để đạt được tốc độ cao hơn. Nhờ việc sử dụng nhiều ăng-ten và nhiều luồng không dây, 802.11ac có thể cung cấp thông lượng hơn 1Gbps, ông Hurlston nói. Chipset cho smartphone sẽ chỉ sử dụng 1 luồng truyền và 1 luồng nhận, do đó giới hạn vật lý lý thuyết của nó là 433Mbps (hiệu suất thực vào khoảng 300Mbps).
Trong số những yếu tố làm tăng tốc độ khác của 802.11ac có việc sử dụng băng tần riêng 5GHz (có nhiều kênh có sẵn hơn so với băng tần 2,4GHz của Wi-Fi) và việc sử dụng các kênh rộng hơn 80MHz hoặc 160MHz. Chuẩn 802.11n cũng có thể sử dụng băng tần 5GHz, nhưng phạm vi phủ sóng không rộng so với chuẩn mới, ông Hurlston nói.
Broadcom hy vọng người tiêu dùng sẽ sử dụng tốc độ nhanh hơn của 802.11ac để truyền tập tin, video từ điện thoại của họ đến PC, TV và thiết bị chơi game. Dự kiến Wi-Fi cũng sẽ đóng một vai trò ngày càng tăng trong ĐTDĐ thông qua các điểm truy cập (hotspot) công cộng.
Theo PcWorld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét