Nếu bạn muốn bảo vệ những dữ liệu quan trọng trên chiếc máy tính bảng của mình, hãy nghĩ tới việc mã hóa chúng. Công việc này không đến nỗi phức tạp.
Máy tính bảng là thiết bị di động nên có thể bị đánh cắp hay để quên đâu đó. Khi đó, dữ liệu lưu trữ trên máy sẽ không còn an toàn. Chúng có thể bị sao chép và phát tán trên mạng mà không có sự cho phép của bạn. Để bảo vệ dữ liệu an toàn khi lưu trên máy tính bảng, giải pháp là mã hóa chúng.
Mã hóa máy tính bảng iPad
Apple từng tuyên bố tất cả thiết bị của hãng đều được mã hóa phần cứng, người dùng không thể vô hiệu hóa chúng. Tuy nhiên, điểm yếu của mã hóa phần cứng là nếu thiết bị đã jailbreak, bỏ qua mã bảo mật, dữ liệu của bạn sẽ không còn được bảo vệ. Từ iOS 4.0, Apple trang bị tính năng Data Protection cho các thiết bị của hãng giúp việc mã hóa dữ liệu hiệu quả hơn. Tuy nhiên hầu hết các ứng dụng không mặc nhiên kích hoạt tính năng Data Protection này. Để mã hóa dữ liệu trên thiết bị iPad, bạn vào thẻ General, kích hoạt tính năng Passcode. Mặc định Simple Passcode cung cấp 4 con số kết hợp để mở khóa (unlock) thiết bị và kích hoạt chức năng mã hóa phần cứng.
Nếu muốn xóa dữ liệu khi ai đó cố tình đăng nhập nhiều lần để tìm cách mở khóa, bạn vào Remote Wipe, cũng nằm trong thẻ General, dưới mục Passcode Lock. Remote Wipe sẽ kích hoạt tính năng Data Preotection, và sẽ xóa tất cả dữ liệu trên thiết bị nếu nhập sai passcode 10 lần.
Mã hóa máy tính bảng Android
Tùy thuộc vào máy tính bảng và phiên bản Android sử dụng mà bạn có các công cụ, phương thức mã hóa dữ liệu khác nhau. Với máy tính bảng chạy Android 4.0, để mã hóa dữ liệu, bạn vào trình đơn Settings, mục Security và thiết lập mã hóa (Encrypt tablet). Quá trình mã hóa có thể lên đến hàng giờ tùy thuộc cấu hình thiết bị, dung lượng dữ liệu, do đó bạn cần kiên nhẫn chờ đợi.
Apple hiện dùng thuật toán mã hóa AES 256 bit, Android 3.0 Honeycomb dùng giải thuật mã hóa AES 128-bit. Google không cho biết cụ thể thuật toán mã hóa trên các phiên bản Android sau này, cũng như không nói rõ hệ điều hành Andoird có hỗ trợ mã hóa phần cứng hay không.
Nếu bạn quan tâm việc mã hóa dữ liệu, hãy tham khảo cụ thể một sản phẩm nào đó. Chẳng hạn Asus Eee Pad Transformer Prime, có trang bị tính năng mã hóa phần cứng, bảo vệ phân vùng khởi động…
Lời khuyên: nếu dữ liệu không quan trọng, và sử dụng máy tính bảng chủ yếu để giải trí thì bạn không nên thiết lập các tính năng mã hóa. Mã hóa dữ liệu sẽ khiến việc sử dụng thiết bị trở nên phức tạp hơn, và đôi khi xảy ra lỗi không mong muốn.
Theo PcWorld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét