Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Android bị cho là nền tảng 'dành cho kẻ cắp'


Nhà phát triển game nổi tiếng Dead Trigger vừa tuyên bố bỏ thu phí game này vì "tỷ lệ ăn cắp bản quyền quá cao". Triết lý nguồn mở thường được hiểu là miễn phí, nên dường như tạo ra tâm lý thích dùng chùa ở người dùng Android.

Theo Madfinder Games, mặc dù giá ứng dụng thấp nhưng người dùng Android vẫn thường cài đặt các phiên bản bẻ khoá khiến nhà phát triển nghi ngờ tính hiệu quả của việc kinh doanh trên nền tảng di động này của Google.
Phiên bản Android của Dead Trigger là một game bắn súng góc nhìn người thứ nhất nổi tiếng. Dead Trigger trước đây được bán trên cửa hàng trực tuyến Google Play với giá 0,99USD, nhưng nay được tuyên bố hoàn toàn miễn phí. Trong khi đó, phiên bản Dead Trigger chạy với iOS vẫn giữ giá 0,99 USD. Các nhà phát triển của Madfinder Games giải thích việc này trên trang Facebook của mình rằng họ không thể chịu nổi tỷ lệ ăn cắp bản quyền phần mềm quá cao trên nền tảng Android.

"Chúng tôi muốn game đến với càng nhiều người càng tốt, nên mới định giá dưới 1 USD. Tuy nhiên, ngay cả với giá thấp như vậy, mức độ trộm cắp vẫn khủng khiếp đến mức chúng tôi đành quyết định để cho Dead Trigger miễn phí hoàn toàn", Madfinder Games viết trên Facebook.

Tuyên bố của Madfinder Games đã khuấy động dư luận, mặc dù vấn đề thực ra được đề cập từ lâu và không có gì mới đối với các nhà phát triển đang cố gắng bán các sản phẩm Android. Trên mạng hiện cũng đầy rẫy những phần mềm không bản quyền cho Android cũng như hướng dẫn cách cài đặt chúng.

Có một bài viết đặc biệt về vấn đề này được nhà phát triển người Mỹ Matt Gemmell đăng trên blog của mình. Matt Gemmell tuyên bố rằng Android "được tạo nên theo cách rất khó kiếm tiền từ nó". Nguyên nhân chính ở chỗ, đây là một hệ điều hành mở và có tâm lý "phá hoại" chung quanh một hệ điều hành mở như vậy.

"Sinh ra dành cho ăn cắp"

Người dùng dễ dàng qua mặt Google Play khi cài đặt các bản ứng dụng và trò chơi lậu thay vì mua chúng. Để làm như thế, người dùng thậm chí không cần có quyền quản trị cũng như không không cần mở khoá thiết bị như đối với hệ điều hành iOS. 

"Tải phần mềm ăn cắp như thế nào ư? Rất đơn giản. Hãy tìm phần mềm cần thiết trên Internet, copy nó về thiết bị của mình (thông thường, không cần phải có quyền truy cập đầy đủ đến hệ thống file, không cần 'bẻ khoá') và chạy nó. Đây là hệ thống "đơn giản là được tạo nên cho việc ăn cắp". Tình trạng "trộm cắp như rươi" bản quyền phần mềm trên một hệ thống như vậy "không phải là tin mới mà là tất yếu", nhà phát triển Gemmell viết.

Theo Gemmell, lỗi lớn là trong Android không có các cơ chế nội tại có khả năng hạn chế khởi động phần mềm ăn cắp. Ngược lại, khả năng nghiên cứu mã nguồn của hệ thống lại dẫn đến việc trên Internet "chất đầy" hướng dẫn làm thế nào để dùng phần mềm không cần bản quyền. "Hành xử tệ hại có nhiều cách hơn nhiều so với hành xử tử tế", nhà phát triển này nhấn mạnh. Hành xử tử tế trong trường hợp này là mua phần mềm.

Mô hình kinh doanh không tin cậy

Tình trạng ăn cắp nở rộ trên nền tảng Android có sự góp phần không nhỏ của chính các nhà phát triển, khi họ thiết lập giá bán thấp với phần mềm của mình, Gemmell khẳng định. Trong các nhà phát triển ứng dụng cho Android (và cả cho iOS) đang có một "cuộc đua tới đáy" - cố bán sản phẩm của mình sao cho rẻ nhất. Lập luận của họ là người dùng sẽ mua ứng dụng nếu giá bán không đáng kể.

"Định giá bán ứng dụng dưới 1 USD cũng giống như bắt người khác 'hút thuốc lá bị động'. Các bạn đang giết mọi người chung quanh vì cái lợi trước mắt - Gemmell tuyên bố với các nhà phát triển - Trong trường hợp này, người ta không mua ứng dụng của các bạn không vì giá cao. Họ không mua chỉ vì thói quen".

Hiện tượng ăn cắp bản quyền ứng dụng trên Android là hậu quả của "mô hình kinh doanh được xây dựng theo cách hoàn toàn không tin cậy", tác giả khẳng định. Ngoài ra, trên Android dễ dàng cài đặt các ứng dụng không bản quyền. Một nguyên nhân nữa để người dùng thiết bị tải phần mềm ăn cắp "theo thói quen" là "tâm lý nguồn mở" mà Android dựa lên.

Với việc khuyến khích sự miễn phí, tìm các mô hình kinh doanh khác dựa trên ứng dụng - như bán quảng cáo, thu thập thông tin người dùng, thu phí các dịch vụ gia tăng - các nhà phát triển Android "đang tích cực phá hoại tính thương mại" trên nền tảng của mình. Triết lý của phần mềm nguồn mở, mà với người dùng phổ thông thì thường gắn với sự miễn phí, đang dẫn đến việc các chủ nhân thiết bị Android không hiểu vì sao họ phải trả tiền cho các nhà phát triển các ứng dụng.

Trong chuyện này, việc có các công ty đang kinh doanh tốt trong mảng phần mềm nguồn mở không thay đổi thực tế đối với đa số các nhà phát triển, Gemmell khẳng định. Chỉ có hai đối tượng có thể thành công trên các nền tảng di động mở là nhà phát triển hệ điều hành hoặc là nhà phát triển các thiết bị di động, theo Gemmell.

"Chúng tôi không có người 'cha giàu' như Mozilla. Chúng tôi không có một hệ điều hành để có thể bán dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật. Chúng tôi chỉ đơn giản muốn viết phần mềm sau đó bán đủ các bản copy để lấy tiền viết phần mềm mới" - nhà phát triển viết.

Hãy đóng mã nguồn

"Mọi người cần có tiền. Họ cần có nguồn thu nhập. Nếu các vị muốn cho nền tảng của mình có tính thương mại, làm nguồn sống cho các nhà phát triển bên thứ ba, các vị phải đóng mã nguồn lại. Hoàn toàn như trong đời thực: đóng cửa nhà mình bằng khoá, quý vị có thể yên tâm rằng tiền của quý vị vẫn còn là của quý vị", Gemmell nhắn nhủ với Google.

Ông lấy iOS làm ví dụ. Nền tảng di động của Apple là sản phẩm nguồn đóng nhưng không hề cản trở việc bán các thiết bị chạy iOS. Trong quý 3/2012 (năm tài chính của Apple), đã có 26 triệu iPhone và 17 triệu iPad được bán ra, mang lại cho Apple khoảng 35 tỷ USD. Trong đó, chính iOS đang mang lại nhiều tiền hơn cả cho những người viết ứng dụng để bán trên các cửa hàng trực tuyến. Hiện, các nhà phát triển đã nhận được 5,5 tỷ USD từ thu nhập chung của Apple. "Đóng cửa hệ điều hành chỉ củng cố thương hiệu, đảm bảo mối liên kết giữa các yếu tố xu hướng, tích hợp và tiện dụng, chuẩn hoá thiết kế sản phẩm đầu cuối", Gemmell tin tưởng.

Với phiên bản hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean ra mắt hôm 9/7/2012, mặc dù mã nguồn hệ thống vẫn mở, Google rõ ràng đang bất an trước hiện tượng ăn cắp bản quyền phần mềm trên nền tảng Android. Bắt đầu từ Jelly Bean, Google đang ứng dụng cơ chế mã hoá bắng khóa đa năng các ứng dụng tính phí mua qua Google Play, có thể giúp hạn chế sự phổ biến của các phiên bản không bản quyền.

"Chúng tôi biết rằng các bạn đã đầu tư nhiều công sức vào các ứng dụng của mình. Chúng tôi muốn bảo vệ sự đầu tư của các bạn", Google nói như vậy khi đề cập đến cơ chế mã hóa nói trong buổi giới thiệu phiên bản hệ điều hành mới tại Hội nghị Google I/O ngày 27/7/2012.
Theo PcWorld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean