"Anh em nhà VNPT" VinaPhone và MobiFone đang bắt đầu tận dụng tối đa ưu thế về mạng lưới, tích cực hợp tác với nhau để "đánh" Viettel, giành lại thị phần. Bóng dáng của độc chiêu "xa luân chiến" đã xuất hiện.
Cạnh tranh cũng bằng binh pháp
Nếu như những ngày đầu Viettel chập chững bước chân vào làng viễn thông, chẳng ai có thể ngờ được Viettel chỉ sau chưa đầy 10 năm đã trở thành đối thủ lớn nhất của VNPT. Và càng không thể ngờ được Viettel chỉ mất có 4 năm để "qua mặt" hai mạng di động của VNPT, vươn lên trở thành mạng có số thuê bao lớn nhất. Một triết lý đã được Viettel lấy làm kim chỉ nam trong suốt cuộc chạy đua 10 năm qua là: "Ở châu Phi, mỗi sáng thức dậy, con linh dương phải tìm cách chạy nhanh hơn con sư tử để tránh bị sư tử ăn thịt". Như vậy, Viettel đã ví mình như con linh dương để có động lực chạy nhanh hơn các đối thủ khác. Trong khi Viettel gắng sức chạy nhanh thì "cỗ xe siêu trường, siêu trọng" VNPT thức dậy từ từ và chuyển động chậm chạp. Sau những năm tháng "nếm mật nằm gai" thì Viettel đã bước lên bục thành công trong nước và vươn ra quốc tế. Đó là phần thưởng xứng đáng!
Giờ đây, người ta hay mổ xẻ đến câu chuyện chạy đua giữa VNPT và Viettel để tìm ra những bài học. Thậm chí, Viettel đã kịp xây dựng cho mình cuốn binh pháp mang tên "Binh pháp Viettel". Nhiều người bắt đầu ngộ ra rằng, cuộc chiến trong làng viễn thông chẳng khác gì các cuộc chiến hòn tên mũi đạn bởi nó cần một thứ, đó là binh pháp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Viettel cho rằng, những gì Viettel đã làm trong 10 năm qua không có chủ ý là thực hiện theo các cuốn binh pháp trong quân sự. Song những gì Viettel đã làm có thể giống những kế sách trong binh pháp đó.
VNPT bắt đầu "xa luân chiến"
Nguồn tin từ VNPT cho hay, hai mạng di động VinaPhone và MobiFone bắt đầu có sự "bắt tay" bằng việc cho roaming thuê bao trả trước ở khoảng hơn chục tỉnh thành. Trên thực tế, Viettel đã không khỏi quan ngại về việc VNPT cho VinaPhone và MobiFone hợp lực để "xa luân chiến" mà trước hết là hợp lực về mạng lưới. Tất nhiên, trong binh pháp có nhiều kế sách nhưng không phải ai cũng hiểu mà vận dụng nó đúng thời cơ để giành chiến thắng. Cho đến thời điểm này, mạng lưới của Viettel đã đủ mạnh để tự tin trước sự hợp lực nhằm tạo ra sức mạnh về mạng lưới của VNPT. Hay nói một cách khác là VNPT đã để Viettel có cơ hội vượt qua ngưỡng có thể bị chèn ép. Tất nhiên, việc VNPT hợp lực mạng lưới của VinaPhone và MobiFone sẽ giảm được chi phí, tăng hiệu quả đầu tư và tăng cường vùng phủ sóng cho hai mạng di động này để tăng sức cạnh tranh, đó là tín hiệu tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, động thái này là do tác động từ "bàn tay vô hình" của thị trường cạnh tranh thúc đẩy VNPT quyết định cho hai mạng di động của mình sử dụng chung hạ tầng của nhau. Nếu VNPT có nhạc trưởng tốt để chỉ đạo hai mạng của mình phát huy được sức mạnh "bó đũa" thì chắc chắn cả MobiFone và VinaPhone sẽ tăng thêm sức mạnh.
Những động thái trên thị trường di động gần đây cho thấy, anh em nhà VNPT đang hợp lực để đấu với Viettel, với việc ra mức cước chung cho VinaPhone và MobiFone, tận dụng thế mạnh nội mạng với thuê bao lớn để quyết “chơi sát ván” giành lợi thế về giá cước trước Viettel. Không dừng lại ở đó, những "cơn mưa" khuyến mãi tặng 100% thẻ nạp liên tiếp được VinaPhone và MobiFone tung ra dường như nhắm đến trực tiếp là Viettel.
Không hiểu là tình cờ hay có chủ ý, các "đòn" phản công bằng chương trình khuyến mãi tặng 100% thẻ nạp của Viettel thường áp sát chương trình của VinaPhone, mạng đang đứng vị trí thứ 3 hơn là "vỗ" trực diện với MobiFone.
Trên thực tế hiện nay, thị trường di động cơ bản vẫn là sân chơi của 3 mạng nhưng thực chất đó là cuộc đấu đầu trực tiếp giữa VNPT và Viettel. Giới phân tích cho rằng, trước sức ép cạnh tranh mà Viettel đang đè lên vai VNPT thì trước sau VNPT cũng buộc phải áp dụng kế sách "xa luân chiến" để dồn dập tấn công Viettel giành lại thị phần. Hiện chưa có bất cứ tuyên bố nào từ VNPT về những kế sách kiểu như vậy song từ những động thái của MobiFone và VinaPhone cũng có thể suy luận rằng đã manh nha có kế sách "xa luân chiến". Những chiếc đũa rời rạc đang xích lại gần nhau để trở thành bó đũa. Cho dù cục diện thị trường di động trong tương lai thế nào thì chắc chắn nó sẽ có nhiều kịch bản hay. Bài học về con linh dương vẫn còn đó, nhưng vấn đề ở chỗ là ai có thể vận dụng được nó mà thôi.
Theo ICTNews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét