Cuộc thoát ly vĩ đại của Châu Á khỏi sự phụ thuộc vào nhu cầu phương Tây đầu thập niên này đã được kiểm chứng qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Từ chiếc cầu tầu đang lắc nhẹ trên APL Almadine - một chiếc tàu container dài 290m neo đậu tại cảng Singapore, người ta có thể cảm thấy một nhịp đập châu Á mới trong dòng thương mại toàn cầu đang chảy dưới chân mình.
Những cánh tay của ba chiếc giàn cần cẩu nâng và chuyển những container dài 6 – 12m. Giàn cần cẩu làm việc thật gấp gáp với tốc độ khoảng 30 container/ giờ, bởi sau 16 giờ neo tại Singapore, Almadine sẽ lên đường đến cảng Hạ Môn của Trung Quốc với những kiện hàng thức ăn chăn nuôi, hóa chất và sắt phế liệu. Chuyến đi sẽ phải thật nhanh gọn, bởi số lượng của chúng đang tăng lên không ngừng.
Những cuộc hải trình sang bên kia Thái Bình Dương, tới California đang giảm dần bởi thương mại nội khối Châu Á ngày càng tăng nhanh. Sự thay đổi này đã buộc các nhà vận chuyển phải đẩy nhanh tốc độ hoạt động khi mà khoảng cách địa lý được rút ngắn.
Tâm điểm của việc quản lý cũng xoay chiều sang châu Á. Eng Aik Meng, chủ tịch APL, bộ phận vận chuyển của Neptune Orient Lines, một trong những hãng vận chuyển lớn nhất thế giới cho biết: “Trước đây, chúng tôi vẫn thường lo lắng về mùa Giáng Sinh tại Mỹ. Nhưng giờ đây, chúng tôi cũng phải để ý tới ngày lễ Ramadan, lễ hội Ánh Sáng ở Ấn Độ, và tết cổ truyền Trung Quốc”.
Ông Eng không phải là người duy nhất để ý tới điều đó. Có sự đột biến rất rõ ràng trong thương mại nội khối Châu Á. Theo HSBC và IMF, thương mại nội khối châu Á (bao gồm nhập và xuất khẩu) tăng trưởng với tốc độ trung bình 13,4% từ 2000 đến 2009, và hiện đạt giá trị khoảng 1 nghìn tỷ USD. Credit Suisses cho biết, gần 50% xuất khẩu của châu Á (trừ Nhật Bản) hiện nay là sang các nước châu Á khác (trừ Nhật Bản), nhiều hơn nhu cầu xuất khẩu hiện tại của châu Á sang Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản cộng lại.
Cuộc tranh cãi về sự thoát ly vĩ đại của Châu Á trong những năm đầu thập kỉ này – rằng Châu Á không còn phụ thuộc vào nhu cầu của phương Tây nữa, đã được kiểm chứng qua cuộc Đại Suy Thoái. Ông Johanna Chua, giám đốc kinh tế của Citigroup Châu Á nhận định, “Châu Á nhẹ nhàng tách khỏi Hoa Kỳ trong cuộc suy thoái kinh tế thế giới gần đây”.
Điều đáng chú ý hơn là, giao dịch thương mại lớn bên trong Châu Á đang biến nền kinh tế của khu vực trở nên sâu sắc và đa dạng hơn, đồng thời đặt ra câu hỏi về vị trí số 1 của đồng USD với vai trò là đồng tiền dự trữ và công cụ thương mại. Sự hội nhập kinh tế của Châu Á, trong thời gian ngắn, giống như những gì mà Liên minh Châu Âu làm được trong hai thập kỉ vừa qua.
Giữa tháng 11 này sẽ diễn ra cuộc họp diễn tại Yokohama, Nhật Bản, với sự tham gia của 21 thành viên thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cùng các quốc gia lớn không nằm trong khu vực như Mỹ, Canada, Mexico và Nga. Mặc dù vậy, trọng tâm chính vẫn là vấn đề nội bộ của các nền kinh tế châu Á.
Nhân vật chính của cuộc họp là Trung Quốc, được ví như một mặt trời đầy uy lực đang kéo các hành tinh nhỏ hơn của châu Á vào quĩ đạo kinh tế. Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Citigroup Kit Wei Zheng, 73% lượng xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc trong năm 2008 được tiêu thụ tại chính Trung Quốc. 71% lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng để phục vụ nhu cầu nội địa Trung Quốc. Khoảng 1/10 xuất khẩu của Indonesia và Việt Nam là sang Trung Quốc, biến đất nước này trở thành đối tác thương mại hàng đầu của họ.
Phần lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia và Việt Nam là than đá, thiếc, các mặt hàng thực phẩm như cà phê và tôm. Ngay cả Singapore hay Hàn Quốc, những nền kinh tế phát triển hơn, cũng lắp ráp linh kiện điện tử tại Trung Quốc rồi xuất sang Hoa Kỳ và Châu Âu. Nhưng mô hình này đang dần thay đổi. Gần 1/5 xuất khẩu hàng điện tử của Hàn Quốc trong năm 2008 sang Trung Quốc đi thẳng tới các cửa hàng của nước này. Cũng trong năm đó, 1/3 lượng xuất khẩu của Singapore sang Trung Quốc cũng được tiêu thụ bởi chính người Trung Quốc.
Sự thống nhất hợp tác kinh tế Châu Á không phải là điều mới mẻ. Con đường tơ lụa đã từng nối Trung Quốc với Ba Tư qua những sạc mạc Nam Á ở vùng Rajasthan, nơi mà những kẻ cho vay cùng hoàng gia Ấn Độ chờ đợi các đoàn lữ hành và kiếm lời bằng cách kinh doanh đá quí, gia vị. Nhiều thế kỉ sau, vào năm 1916, Rabindranath Tagore – nhà thơ đoạt giải Nobel của Ấn Độ lang thang từ Calcutta tới Tokyo để tìm kiếm “một châu Á thống nhất”. Tầm nhìn của nhà thơ rất mơ hồ, nhưng đến cuối thế kỉ, châu Á đã kết nối khăng khít với nhau thông qua chuỗi cung ứng sản xuất trải dài 4800km, từ Seoul đến Singapore.
Giờ đây lịch sử đang được lặp lại, nhưng với vài thay đổi. Trong đó có việc liên quan đến cuộc tranh luận toàn cầu xung quanh sự suy yếu của đồng USD. Một phần là bởi đồng Nhân dân tệ được cho rằng đang bị định giá thấp, làm cho nó trở thành một đồng tiền đầy sức hấp dẫn. Trung Quốc cũng đang tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trong hàng loạt các thỏa thuận trao đổi thương mại với các đối tác châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia. Trong một thỏa thuận môi giới gần đây của HSBC giữa một nhà sản xuất thiếc Trung Quốc với một trong những nhà cung cấp tại Singapore, đồng Nhân dân tệ được sử dụng thay vì USD như vẫn thường thấy.
Với Trung Quốc, động cơ để thực hiện các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ tại Châu Á bao gồm hai phần. Trước hết, họ mở rộng phạm vi hoạt động về mặt địa lý và tăng cường tính thanh khoản của đồng Nhân dân tệ. Thứ hai, không kém phần quan trọng với một đất nước đang ngập trong hàng nghìn tỷ USD, họ không muốn Trung Quốc gặp thêm nhiều rủi ro với những đồng USD suy yếu.
Mặc dù giá trị của những hợp đồng Nhân dân tệ là rất khiêm tốn so với thương mại hàng ngày của Trung Quốc được giao dịch bằng USD, các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đang bước đầu thiết lập khu vực sử dụng Nhân dân tệ tại châu Á. Kế hoạch này cuối cùng có thể khiến cuộc tranh luận nóng về đồng USD trở nên không quá quan trọng tại châu Á. Steve Okun, chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Singapore cho biết, không có công ty Mỹ nào ở châu Á phàn nàn về đồng USD yếu kém. Vấn đề lớn hơn là việc thâm nhập thị trường và đáp ứng những qui định liên quan.
Mỹ đang tụt lại sau Châu Á, phần lớn bởi sự do dự của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực. Những con số đã nói lên tất cả: Trung Quốc đã kí kết hiệp định tự do thương mại song phương với 15 nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm một hiệp ước sâu rộng với 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có hiệu lực từ đầu năm 2010. Trong khi đó, Hoa Kỳ mới chỉ kí kết với hai nước, là Úc và Singapore.
Một phần nữa là do sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với các hiệp định tự do thương mại. HSBC dự đoán rằng trao đổi thương mại giữa các nước châu Á sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 12,2% cho đến 2020. Dự kiến tăng nhanh hơn 70% so với tốc độ giữa Mỹ và Châu Á cùng kì.
Một thế kỷ trước, thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Á không có quá nhiều bất đồng. Cơn khát của người Mỹ với nguyên liệu thô là đích đến của những con tàu lênh đênh trên Thái Bình Dương. Những con tàu chở đầy gang Trung Quốc và gỗ gụ Philippines, giúp xây dựng đường sắt, đường bộ, bến cảng gắn kết các khu vực kinh tế nội địa Mỹ với nhau.
Nhưng có còn thời của những con tàu từng thống trị ngọn sóng Thái Bình Dương? Như American President Lines APL – công ty 162 tuổi nổi tiếng trong ngành vận tải nhưng đã bị Neptune Orient Lines thuộc sở hữu chính phủ Singapore mua lại vào năm 1997 nói, rất khó để không cảm thấy sự mỉa mai khi nhìn qua những vùng biển quanh Singapore từ cầu tàu của những con tàu vận chuyển thuộc APL.
Theo CNN
Tin tức công nghệ, khoa học kỹ thuật mới nhất tại Việt Nam & các nước trên thế giới. Cập nhật những bài viết về kinh nghiệm, thủ thuật, sản phẩm mới, tin công ...
Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010
Hướng đi mới của thương mại toàn cầu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét