Vietnamnet– Sự phát triển bùng nổ của ngành CNTT- truyền thông Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, và được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Mức tăng trưởng bùng nổ
Trong bảng xếp hạng Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất 2010 mới được công bố (http://vietnamtop1000.vn/), hai doanh nghiệp viễn thông là MobiFone và Viettel đã bất ngờ giành vị trí cao nhất, vượt qua các “đại gia” truyền thống trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản và dầu khí.
Việc xếp hạng được tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp trong 03 năm liên tiếp, nên để có được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này, doanh nghiệp phải có mức đóng thuế thu nhập cao liên tục từ năm 2007 đến 2009.
Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã được khẳng định với mức tăng trưởng của 3 mạng di động lớn là MobiFone, VinaPhone và Viettel.
Nếu năm 2005, doanh thu MobiFone mới chỉ đạt 7000 tỉ, thì năm 2007, doanh nghiệp này đã đạt mức doanh thu 14.500 tỉ, tăng 40% so với 2006. Đến năm 2009, doanh thu của MobiFone đã đạt hơn 31.000 tỉ, tăng 82% so với năm 2008.
Tương tự, Viettel cũng có mức tăng trưởng hàng năm “siêu khủng”, liên tục ở mức 3 con số. Nếu năm 2005, doanh nghiệp này mới chỉ có doanh thu 3.100 tỉ, thì năm 2006 đã đạt khoảng 7000 tỉ đồng (tăng 125%), năm 2007 đạt 16.300 tỉ (tăng 132%), năm 2008 đạt 33.000 tỉ đồng (tăng 102%), năm 2009 đạt 60.200 tỉ đồng (tăng 94% dù nền kinh tế thế giới vẫn còn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái).
Lợi thế kinh doanh nhờ dịch vụ thông tin, liên lạc
Để có được mức tăng trưởng bùng nổ này, không thể không nói tới vai trò quản lý và điều tiết của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), và trước đó là Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Chính nhờ việc mở cửa thị trường, cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông đã giúp thị trường viễn thông Việt Nam có sự cạnh tranh thực sự, không còn tình trạng độc quyền như trước, qua đó giúp giá cước được giảm mạnh, kích thích nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh nhờ giá cước cạnh tranh, tiếp cận được tới đại đa số người dân với tổng số thuê bao di động đạt 111,4 triệu thuê bao di động vào cuối năm 2009, vượt qua dân số Việt Nam.
Các dịch vụ viễn thông tiếp cận được tới đa số người dân và doanh nghiệp đã gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ kinh doanh khác nhờ khai thác được hiệu quả của việc nắm bắt thông tin kịp thời. Dù cước phí liên tục giảm, chi phí cho hóa đơn điện thoại, Internet ngày càng cao lên, nhưng các chủ thuê bao luôn sẵn sàng trả tiền bởi nhờ các dịch vụ này, mỗi người tận dụng thêm được cơ hội tăng doanh thu cho cá nhân, doanh nghiệp.
Chẳng hạn, ngay từ những năm 2000-2002, báo chí đã đề cập tới sự tiện lợi của điện thoại di động (ĐTDĐ) đã giúp một nhân viên văn phòng có thể kiếm thêm một vài triệu đồng ngoài lương tháng, dù hóa đơn điện thoại tăng thêm một vài trăm ngàn. Còn hiện tại, việc bỏ quên ĐTDĐ ở nhà một ngày đối với một nhân viên kinh doanh có thể là một “thảm họa”, làm tuột mất hàng chục cơ hội làm ăn.
Với mỗi doanh nghiệp tại Việt Nam, việc khai thác thông tin liên lạc và các dịch vụ viễn thông, Internet cũng đã trở thành yếu tố sống còn. Có thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh hơn, tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội kinh doanh. Viễn thông, Internet cũng giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận ra thị trường nước ngoài dễ dàng hơn nhờ hệ thống website, cũng như việc cung cấp các sản phẩm cho đối tác quốc tế qua môi trường Internet như dịch vụ gia công phần mềm, thiết kế đồ họa vi tính, chăm sóc khách hàng từ xa…
Tăng trưởng viễn thông tác động trực tiếp đến GDP
Vào tháng 04/2009, tại cuộc tọa đàm về triển vọng 3G tại Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng đã đưa ra dẫn chứng về mối liên hệ giữa phát triển viễn thông và tăng trưởng nền kinh tế. Theo đó, các nghiên cứu trên thế giới về viễn thông đã chứng tỏ được rằng ở mỗi quốc gia, mỗi khi dân số sử dụng kết nối Internet băng rộng tăng trưởng thêm 10%, thì sẽ mang lại mức tăng trưởng GDP 0,6%.
Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ thông tin, GS.TSKH Đỗ Trung Tá cũng dẫn chứng trong một cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra vào đầu năm nay rằng “3G là hệ thống băng rộng nên các dịch vụ được phát triển mạnh, ảnh hưởng gián tiếp tới phát triển kinh tế. Nếu tăng 10% sử dụng 3G thì GDP cũng tăng 11%.”
Những con số nói trên về tác động gián tiếp giữa phát triển viễn thông, CNTT và tăng trưởng kinh tế đều đã được minh chứng trong thực tế tại các quốc gia khác như Singapore, Hong Kong hay Trung Quốc. Khi khai thác hiệu quả các thế mạnh về thông tin liên lạc và truyền thông, các thành phần của nền kinh tế sẽ trở nên năng động hơn rất nhiều, có khả năng phản ứng nhạy bén, kịp thời với mọi biến động, nhờ đó kịp thời nắm bắt những cơ hội kinh doanh, đồng thời giảm bớt những rủi ro có thể gặp phải do thiếu thông tin, công nghệ.
Hướng đi mới cho nền kinh tế Việt Nam
Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông và CNTT của Việt Nam trong vài năm trở lại đây cũng cho thấy lĩnh vực này là một hướng đi mới, đầy triển vọng tạo nên sự đột phá để đưa nền kinh tế của Việt Nam vươn ra thế giới. Điển hình như việc Viettel đã mạnh dạn đầu tư dịch vụ viễn thông ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, sang Lào, Campuchia, Haiti và mới đây nhất là Mozambique. Tại các thị trường quốc tế này, dịch vụ viễn thông của Viettel đều đã gặt hái được thành công rất đáng kể.
Đã đến lúc chúng ta cần gạt sang một bên những mục tiêu có phần “xa vời” như doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt 1 tỷ USD/năm, khi con số này hiện đã chỉ còn bằng một nửa doanh thu năm của một mạng di động trong nước. Sự phát triển của các dịch vụ viễn thông, ứng dụng CNTT và Internet vào hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển mạnh hơn rất nhiều cho nền kinh tế.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hong Kong, Đài Loan… đều không phải là cường quốc về gia công phần mềm, nhưng việc ứng dụng CNTT, viễn thông, Internet vẫn luôn chiếm một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Đó là những minh chứng cụ thể cho một triển vọng mới, một hướng đi mới để đưa nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét