Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Những lưu ý khi mua ứng dụng trả phí

Không phải mọi ứng dụng trả phí đều đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Chính vì vậy, để tránh tình trạng lãng phí khi mua ứng dụng trả phí, mời bạn hãy cùng Mía Lùi tìm hiểu vấn đề "mua ứng dụng trả phí cần lưu ý những điều gì?"

Ứng dụng miễn phí, tại sao không? 

Với 600.000 ứng dụng có mặt trên Play Store và 700.000 ứng dụng trên App Store cùng vài trăm nghìn ứng dụng ở các store khác, số lượng ứng dụng miễn phí là rất nhiều. Thống kê chưa đầy đủ của công ty phân tích số liệu Distimo hồi năm 2011 cho thấy số lượng ứng dụng miễn phí trên App Store và Play Store chiếm khoảng một nửa. Điều đó có nghĩa là người dùng có rất nhiều lựa chọn tương đồng với ứng dụng miễn phí trước khi quyết định chọn mua ứng dụng trả phí.

Chẳng hạn, tìm kiếm ứng dụng backup dữ liệu trên PlayStore, kết quả trả về mà bạn thấy đầu tiên chính là ứng dụng nổi tiếng Titanium Backup. Tuy nhiên, nếu chỉ là một người sử dụng bình thường, chắc chắn Titanium Backup không phải là sự lựa chọn dành cho bạn, không chỉ bởi mức giá 6,11 USD mà còn bởi nó yêu cầu root máy. Ngoài ra, ứng dụng này còn có rất nhiều tính năng mà người dùng phổ thông có lẽ không bao giờ tận dụng hết, như đóng băng ứng dụng, đồng bộ hóa với Dropbox/Google Drive, chuyển ứng dụng thường thành ứng dụng hệ thống… Trong khi nếu chỉ cần một ứng dụng có khả năng backup đơn thuần, App Backup & Restore miễn phí có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.

Vì vậy, bài học rút ra ở đây là luôn luôn tìm kiếm các ứng dụng có khả năng tương đồng và đáp ứng nhu cầu sử dụng thực sự của bạn.

Ứng dụng trả phí có ích lợi gì? 

Mua một sản phẩm trực tuyến nói chung khác rất nhiều so với việc mua một sản phẩm ở cửa hàng. Chủ cửa hàng có thể phủi trách nhiệm một khi bạn đã bước ra khỏi cửa, nhưng với một sản phẩm được bày bán trên mạng, mà cụ thể ở đây là ứng dụng trả phí, sự ràng buộc và trách nhiệm là lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, hầu hết các nhà phát triển đều hết sức chú ý đến phản hồi của khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm một khi đã đưa lên store.

Điều đó được thể hiện bằng những bản cập nhật, những lỗi sẽ được sửa trong thời gian sớm nhất có thể một khi bạn phản hồi, những thứ tuyệt nhiên không có nếu bạn dùng app chùa.Ngoài ra, ứng dụng trả phí cũng sẽ cung cấp nhiều tính năng mới thú vị hơn so với bản miễn phí.

Sự khác biệt rõ ràng nhất có thể nhìn thấy là khi bạn thử tải một game miễn phí và bản trả phí của chính game đó. Bản trả phí của những Angry Bird, Cut the Rope hay Where’s My Water luôn có số lượng màn chơi nhiều hơn so với bản miễn phí.

Ngoài ra, hầu hết các store hiện nay đều có chính sách tải lại ứng dụng trả phí thông qua email thực hiện giao dịch, điều đó đồng nghĩa với việc bạn không cần thiết phải quá lo lắng đến việc một ngày đẹp trời chiếc smartphone thân yêu dở chứng bị hỏng. Ngoài ra, mua ứng dụng trả phí cũng giúp nhà phát triển có thêm doanh thu để từ đó cải tiến sản phẩm hoặc đưa ra những sản phẩm mới chất lượng hơn. Không những vậy, bạn cũng sẽ có quyền cập nhật (update) bản mới cho các ứng dụng trả phí thay vì loay hoay với một ứng dụng lậu trên phiên bản cũ nhiều lỗi.

Mua ứng dụng trả phí, bằng cách nào? 

Ngày nay, nhiều người sử dụng phổ thông vẫn còn tin vào những lời quảng cáo có cánh trên mạng như bỏ 250.000 đ để mua tổng số ứng dụng có giá trị lên tới 100 USD. Thậm chí, những dịch vụ này còn được đảm bảo… 1 đổi 1, nghĩa là nếu tài khoản của bạn bị xóa, họ sẵn sàng cung cấp cái mới theo dạng… bảo hành. Thực chất đây đều là những tài khoản sử dụng CC chùa (mã thẻ tín dụng ăn cắp) để mua ứng dụng trả phí, và vào một ngày đẹp trời chúng bị Apple xóa sổ là điều không tránh khỏi.

Trước kia, việc sử dụng CC chùa mới chỉ dừng lại ở mức mua tài khoản Premium ở các trang lưu trữ nội dung vi phạm bản quyền như Rapidshare hay Megaupload. Ngày nay, khi thanh toán mua hàng trên mạng bằng thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến, các hình thức sử dụng CC chùa cũng ngày một trở nên tinh vi và đa dạng hơn. Vấn nạn đang được nói đến ở đây không thuộc khuôn khổ bài viết này, nhưng chúng ta hãy nhớ lại vụ rửa tiền kinh điển bằng CC chùa của Thuat Nguyen hồi năm 2010 để nhớ lại quãng thời gian đen tối khi đó, thời điểm mà Việt Nam đã rơi vào danh sách “chăm sóc đặc biệt” của Apple với rất nhiều đòn trừng phạt mạnh tay nhằm vào các IP đến từ nước ta. Viễn cảnh đó sẽ lặp lại nếu người dùng tiếp tục tiếp tay cho kẻ phạm tội tiêu thụ hàng hóa mua bằng CC chùa.
Nên cân nhắc tải ứng dụng miễn phí nếu không yêu cầu quá cao về ứng dụng.
Bên cạnh đó, việc các cửa hàng điện thoại chuyên iOS mọc lên như nấm với dịch vụ cài đặt ứng dụng số lượng lớn cùng mức giá khá dễ chịu (dao động từ 100.000 đ đến 200.000 đ) cũng khiến người dùng dễ xiêu lòng. Khi chấp nhận mua ứng dụng theo con đường “tiểu ngạch” này, người dùng đồng thời cũng sẽ chấp nhận phiêu lưu trên chính số tiền mà họ bỏ ra. Bởi bạn sẽ không thực sự làm chủ ứng dụng của chính mình do chính sách của Apple, một tài khoản liên kết với 10 điện thoại và một điện thoại chỉ hoạt động trên 5 máy tính được xác thực iTunes. Điều đó có nghĩa là khi đó người dùng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào máy tính và tài khoản của chủ cửa hàng nơi họ cài đặt ứng dụng iOS.

Chính vì thế, khi bạn muốn mua một ứng dụng trả phí, hãy tốn chút công sức làm thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ và tự tạo cho mình một tài khoản riêng để quản lý, dù đó là App Store, Play Store hay Marketplace và App World.

Mua ứng dụng trả phí, khi nào?

Người Việt Nam không có thói quen mua hàng giảm giá (sale off ) vì quan niệm “của rẻ là của ôi”, điều đó hoàn toàn không đúng trong trường hợp món hàng bạn mua là thứ sản phẩm vô hình.

Thông thường, các đợt giảm giá ứng dụng thường rơi vào ngày lễ đặc biệt của phương Tây, ngày kỷ niệm của ứng dụng đó, nhưng phổ biến nhất vẫn là các đợt giảm giá siêu khủng số lượng lớn vào thứ Sáu ngày 13 (the Black Friday). Ngoài ra, ứng dụng tìm kiếm các ứng dụng giảm giá App Free (iOS) và AppSales (Android) cũng là một trợ thủ đắc lực trong việc tìm kiếm ứng dụng giảm giá.

Mua ứng dụng trả phí, nên hay không? 

Trước khi mua một ứng dụng trả phí, bạn nên tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về ứng dụng đó. Những điểm số đánh giá và bình luận của người dùng đi trước là những lời cảnh báo hết sức quý báu dành cho bạn. Ngoài ra, hãy thật cẩn thận xem xét đến khả năng tương thích với thiết bị mà bạn đang sử dụng (như dòng máy hỗ trợ, firmware tối thiểu). Nếu vẫn chưa chắc chắn về những trải nghiệm mà người dùng đi trước gặp phải, hãy thử tìm hiểu đánh giá của các chuyên gia về ứng dụng đó.

Một điểm khá thú vị trên Play Store là hệ thống đánh giá Editor’s Choice của Google. Những ứng dụng được gán mác Editor’s Choice gần như chắc chắn 90% là những ứng dụng tốt nhất mà bạn có thể tìm được. Tuy nhiên, với số lượng điện thoại Android lên tới hàng trăm loại như hiện nay, bạn vẫn nên tìm hiểu khả năng tương thích với chiếc smartphone của mình (thường phân loại theo chip). Ngoài ra, các ứng dụng trả phí đứng Top cũng có sự đảm bảo nhất định về mặt chất lượng nhờ được sử dụng và đánh giá bởi rất nhiều người dùng đi trước.

Trên đây là những lưu ý hết sức cơ bản trước khi bắt đầu chọn mua một ứng dụng trả phí. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa thực sự cảm thấy tin tưởng vào chất lượng của một ứng dụng trả phí, sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về chính bạn.
Theo Tạp chí Echip

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean