iPhone, chẳng biết tự bao giờ, chiếc điện thoại ra mắt năm 2007 của Apple đã trở thành một từ được sử dụng để làm chuẩn mực cho không ít những mẫu điện thoại nói chung. Không phải tự nhiên mà trong nhiều bài phân tích hay đánh giá chi tiết các mẫu điện thoại trên không ít các trang tin công nghệ nổi tiếng trên thế giới, nhân vật chính, những chiếc điện thoại lại được so sánh với iPhone. Việc định hình lại thị trường, cộng với lợi thế là kẻ đi đầu, chưa kể những đột phá về công nghệ mà hiếm có hãng nào bắt kịp đã tạo cho iPhone sự “kính nể” tương đối từ những blogger công nghệ, ngay cả khi họ không phải là một tín đồ của Apple.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, dường như cái “chuẩn mực” mà tôi đưa ra ở trên (tại Việt Nam nói riêng, nhưng kỳ thực tình tạng này đã và đang xảy ra tại khắp nơi trên thế giới) dường như không chỉ áp dụng riêng cho làng công nghệ. Sở hữu dáng vẻ thời trang, trẻ trung, iPhone đã từ nhiều năm nay trở thành niềm mơ ước của không ít bạn trẻ tại Việt Nam. Và rồi một sự thật đáng buồn là, iPhone cũng vô tình mất đi cái “chất” thật của mình, một thiết bị dẫn đầu thị trường công nghệ, mà trở thành một món đồ chơi “phải sở hữu” của nhiều người trẻ tuổi. Tuy nhiên, mục đích của việc sở hữu này hoàn toàn không phải vì sự đam mê công nghệ thuần túy, hoặc nếu có thì cũng chỉ đôi chút.
Lý do sâu xa nhất cho việc cố gắng sở hữu iPhone của không ít thanh thiếu niên vẫn còn đang ngồi trên ghế trường cấp 2, cấp 3, chính là tính đua đòi, “bằng bạn bằng bè”. Đến đây tôi chắc chắn sẽ có không ít các bạn độc giả bỏ qua phần còn lại của bài viết, hướng đến mục bình luận và để lại comment: “Bài viết sặc mùi GATO (ghen ăn tức ở)”. Có lẽ cũng chẳng giấu gì các bạn, chính bản thân tôi cũng đang sử dụng một chiếc iPhone 4S phục vụ cho nhu cầu liên lạc, công việc và giải trí, vì thế cụm từ “GATO” các bạn dành tặng tôi sẽ hoàn toàn không có tác dụng trong trường hợp này.
Ảnh minh họa
Chúng ta hãy bắt đầu với một trường hợp của cậu em họ tôi. Hoàn cảnh gia đình cậu, nếu xét một cách thẳng thắn, thì cũng chỉ nằm ở mức bình thường, không quá khá giả. Thế nhưng trong những cuộc họp của đại gia đình, tôi luôn dể ý thấy cậu lúc nào cũng dán mắt vào chiếc iPhone. Câu hỏi đầu tiên tôi dành cho cậu em họ, đó là “Ai mua iPhone cho vậy?”, vì tôi biết cậu vẫn còn chưa rời chiếc ghế trung học phổ thông, bố mẹ vẫn đang nuôi ăn học, khó có thể kiếm cho mình một công việc ổn định để tích góp đủ hơn 13 triệu mua một chiếc iPhone được, kể cả là vừa học vừa làm. Cậu em tôi trả lời tỉnh bơ: “Mẹ em mua cho anh ạ”. “Vậy tại sao cậu lại chọn iPhone mà không phải những chiếc điện thoại khác có những tính năng tương tự?” “Anh hỏi như đùa, iPhone giờ nó thành biểu tượng của giới trẻ rồi, chẳng nhẽ lại đi ngược trào lưu để mua về những chiếc điện thoại… xấu òm?”
Câu trả lời ngây ngô của cậu em họ làm tôi nhận ra một sự thật. Những cô bé, cậu bé như cậu, giá trị của đồng tiền vẫn chưa biết hết, thì cũng chỉ coi chiếc điện thoại có giá trị bằng vài tháng lương công chức như một món đồ trang sức thông thường, “ai cũng cần phải có”. Mẩu chuyện nho nhỏ trên đây cũng mới chỉ là một trong số rất nhiều những trải nghiệm của tôi trước hội chứng “đua đòi iPhone” của không ít người.
Ảnh minh họa
Thế rồi trên Facebook, mạng xã hội quen thuộc của không ít người, chợt đâu đó xuất hiện một hai câu status về tiêu chuẩn chọn bạn trai của một vài “hot girl mạng”, trong đó dĩ nhiên không thể thiếu sự hiện diện của một vài món đồ đắt tiền, và iPhone lại là một trong số đó. Có thể bạn đã từng tham gia “ném gạch” những status tương tự, với suy nghĩ rằng “nó đã là gì mà đòi hỏi cao thế?”. Thế nhưng bạn có từng nghĩ rằng, những cô gái với những dòng status đầy táo bạo như vậy rốt cuộc cũng chỉ là những con người can đảm dám nói ra chính kiến của mình mà không sợ cộng đồng phản đối? Suy cho cùng, tư duy thích hưởng thụ, muốn có xe đẹp, điện thoại xịn, nhiều tiền tiêu đã tồn tại từ rất lâu trong một bộ phận giới trẻ, chứ chẳng phải sau khi iPhone ra mắt. Chiếc điện thoại của Apple rốt cuộc cũng chỉ là một trong số những “tiêu chuẩn” thay đổi qua thời gian mà thôi.
Ảnh minh họa
Quay trở lại vấn đề được đề cập ở title của bài viết, liệu không có iPhone thì chúng ta sẽ forever alone? Chắc chắn là không. Thực tế như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết, tôi đang dùng iPhone, thế nhưng tôi vẫn cứ đang… FA! Việc có bạn gái hay không, theo tôi hoàn toàn không phụ thuộc vào đồ hiệu gì bạn đang mặc trên người, bạn đi xe gì, hay bạn có sở hữu iPhone hay không. Còn bạn? Bạn nghĩ sao về thực trạng này? Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình thông qua phần comment ở cuối bài viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét