Đĩa quang là một loại thiết bị lưu trữ được đánh giá là bền chắc nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu bảo quản và sử dụng sai cách, thì nguy cơ hư hỏng dữ liệu đối với loại phương tiện lưu trữ này còn cao hơn các loại khác.
Nội dung bài viết giúp các bạn trả lời các câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng và bảo quản đĩa quang.
Cầm đĩa như thế nào cho đúng?
Có hai cách cầm một chiếc đĩa quang, và tùy vị trí hiện tại của đĩa mà bạn sử dụng cách nào cho phù hợp. Cách thứ nhất là mở rộng lòng bàn tay và dùng các ngón tay giữ cạnh của đĩa. Cách thứ hai là bạn cho một ngón tay vào lỗ giữa của chiếc đĩa. Dĩ nhiên là bạn có thể phối hợp cùng lúc để giữ chắc chiếc đĩa quang trên tay.
Tuy nhiên lời khuyên của các chuyên gia bảo quản dữ liệu là bạn không nên giữ chiếc đĩa trên tay quá lâu. Hãy lấy nó ra khỏi hộp đựng khi cần thiết và đặt nó vào khay đĩa ngay lập tức. Tương tự, khi lấy đĩa ra khỏi khay, bạn hãy cho nó vào hộp đựng, thay vì cầm trên tay hay để trên bàn.
Lưu ý rằng mỗi vị trí trong hộp đựng chỉ giữ được một chiếc đĩa quang. Vì thế, nếu cần chứa hai chiếc đĩa trong một hộp, bạn hãy dùng loại hộp kép, chứ đừng để hai chiếc đĩa chồng lên nhau trong một vị trí.
Hai mặt của đĩa quang, mặt nào cần bảo quản hơn?
Cả hai mặt đĩa quang đều cần được bảo quản kỹ càng. Các vết thức ăn, hay vân tay khi bạn chạm vào mặt đọc dữ liệu của đĩa để có thể làm nó bị ố bẩn, hay làm nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, bề mặt gương của đĩa khi bị trầy xước, bẩn hay nấm mốc có thể dùng cách đánh bóng để khôi phục, thì bề mặt nhãn đĩa lại không thể sửa chữa được nếu nó bị bong sơn hay trầy xước.
Do đó bạn chỉ được phép ghi nhãn đĩa bằng loại bút chuyên dụng, cũng như giữ gìn sạch sẽ mặt nhãn đĩa. Ngoài ra, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao, để nắng chiếu trực tiếp, hay để đĩa trên bề mặt nhám cũng sẽ làm lớp nhãn đĩa bị bong tróc.
Làm gì để hạn chế việc sử dụng chiếc đĩa gốc?
Một số chương trình tạo đĩa quang ảo trên máy tính sẽ giúp bạn thực hiện việc này. Với những chiếc đĩa quan trọng và sử dụng nhiều, bạn hãy tạo các ảnh đĩa, đặt nó trên đĩa cứng, rồi dùng nó với tiện ích đĩa quang ảo. Như vậy, bạn có thể bảo quản chiếc đĩa gốc ở nơi khô ráo, an toàn.
Làm sao để lau sạch bề mặt đĩa quang?
Nếu bề mặt đĩa quang lâu ngày bị bám bụi hay nấm mốc, việc cần thiết bạn phải làm là lau sạch nó trước khi đưa vào đầu đọc. Với giá thành tương đối rẻ, các bộ chùi đĩa bao gồm một thanh lau kèm với chai dung dịch (giá tham khảo: 30.000đ) sẽ giúp bạn thực hiện việc này. Để lau đĩa bằng bộ công cụ này, bạn nhỏ vài giọt dung dịch lên thanh lau, rồi lau nhẹ nhàng theo hướng từ trong ra ngoài. Tuyệt đối bạn không được lau đĩa quang theo hướng xoay tròn của đĩa, nếu như bạn không muốn làm nó hư hỏng thêm.
Một công cụ khác bán thủ công là CD/ DVD Cleaner của hãng ConnectLand sẽ hỗ trợ người dùng lau đĩa quang một cách dễ dàng hơn. Bật nắp hộp, nhỏ vài giọt dung dịch vào miếng nỉ, đặt chiếc đĩa quang cần lau vào hộp, sao cho mặt sáng bóng của đĩa úp vào đầu đọc là đúng.
Sau đó, bạn đóng nắp hộp lau đĩa lại và xoay chiếc tay quay trên đó nhiều vòng. Bằng cách xoay chiếc đĩa bên trong hộp cùng với việc xoay miếng nỉ lau mềm chuyên dụng, việc làm sạch bề mặt đĩa này sẽ rất hiệu quả và không gây ra thêm bất kỳ lỗi hay tì vết nào khác cho chiếc đĩa quang của bạn, so với cách lau thông thường.
Tôi đã tiến hành lau đĩa theo nhiều cách, nhưng các vết trầy xước vẫn còn?
Với các vết trầy xước quá sâu trên bề mặt đĩa thì việc lau đĩa sẽ không thể giải quyết được. Cách đầu tiên là bạn mang chúng ra các cửa hiệu bán đĩa CD/DVD để người bán sử dụng máy đánh bóng xóa các vết trầy này. Tuy nhiên, nếu lạm dụng cách này, bề mặt đĩa ngày càng bị mòn, và đĩa sẽ không còn sử dụng được nữa.
Có một cách khác an toàn hơn cho việc vá bề mặt đĩa là bạn dùng loại keo mang tên Disc Repair. Bôi một lớp kem mỏng vào khu vực trầy xước, rồi dùng khăn khô lau nhẹ vùng đĩa đó là xong.
Nhưng để cho an toàn, trước khi đưa vào sử dụng, bạn hãy cho đĩa vào máy lau và làm sạch nó thêm một lần nữa.
Tôi đã làm mọi cách, thế nhưng vẫn không đọc được dữ liệu quan trọng trên đĩa quang gần hỏng của mình?
Một nguyên nhân khác làm cho chiếc đĩa không thể đọc được trên máy tính của bạn, đó là chiếc đầu đọc đĩa quang của bạn có vấn đề. Nếu nó vừa được thay mới, thì vấn đề kén đĩa được đặt ra đầu tiên. Trường hợp đây là một đầu đọc đĩa cũ đang sử dụng, thì việc vệ sinh đầu đọc sẽ đáng được quan tâm hơn.
Để kiểm tra lại, trước hết bạn cần mang chiếc đĩa đã làm sạch sang đọc tại một máy tính khác. Nếu có thể đọc được thì vấn đề chắc chắn đã nằm tại đầu đọc đĩa quang trên máy bạn rồi.
Để lau đầu đọc, bạn có thể dùng bình xịt khí nén thổi mạnh vào đầu đọc, sau khi đã mở khay đựng đĩa ra. Luồng khí mạnh sẽ đầy các lớp bụi bám trên đó.
Ngoài ra, còn có một công cụ lau đĩa chuyên nghiệp hơn, là bộ đĩa lau đi kèm chai dung dịch.
Loại đĩa lau này có hình dáng hoàn toàn giống với các loại đĩa quang thông thường nhưng ở mặt để đọc dữ liệu có một chiếc chổi nhỏ. Bạn hãy cho một ít dung dịch trong chai đính kèm vào đó.
Sau đó, bạn đặt đĩa lau vào khay đĩa, đóng nó lại và chờ cho nó chạy trong một khoảng thời gian. Xong, bạn lấy đĩa ra và chờ một vài phút để dung dịch lau chùi khô hoàn toàn là có thể kiểm tra việc đọc chiếc đĩa quang quan trọng của bạn một cách dễ dàng.
Theo Echip
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét