(Dân trí) - Chủ tịch tập đoàn Ericsson, ông Hans Vestberg, mới đây đã tới Việt Nam lần đầu tiên trong một chuyến thăm chớp nhoáng dài chưa đầy 24 giờ. Ông đã gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp viễn thông lớn và hơn 300 nhân viên của Ericsson Việt Nam.
Ông Hans Vestberg cũng đã dành một giờ để trao đổi với đại diện 6 cơ quan báo chí của Việt Nam, trong đó có Dân trí. Xin trích giới thiệu nội dung cuộc trao đổi.
Ông Hans Vestberg: Đây là thời điểm chuyển đổi từ các dịch vụ thoại sang các dịch vụ dữ liệu và trong vòng 10 năm tới, xu hướng này sẽ ngày càng mạnh mẽ. Đến cuối năm 2010, thế giới đã có 1 tỉ người truy cập băng rộng, trong đó có 500 triệu là truy cập băng rộng di động. Dự kiến năm 2015 – 2016 sẽ có khoảng 5 tỉ người truy cập băng rộng di động, tức là tăng gấp 5 lần hiện tại. Xa hơn nữa, Ericsson dự báo tới năm 2020 toàn thế giới sẽ có 50 tỉ thiết bị được kết nối qua Internet, tạo nên một "Xã hội kết nối" (Networked Society) thực sự. Những thiết bị này khi đó sẽ không chỉ bao gồm máy tính hay điện thoại mà còn các phương tiện giao thông, đồ gia dụng, thiết bị doanh nghiệp, máy móc công nghiệp...
Theo nghiên cứu do Ericsson kết hợp với Arthur D.Little thực hiện, thì cứ tăng 10% mức phổ cập băng rộng sẽ tương ứng với 1% tăng trưởng GDP bền vững, và cứ thêm 1.000 người kết nối băng rộng thì sẽ tạo ra thêm 80 việc làm trong xã hội. Dự kiến doanh thu toàn cầu của các nhà mạng di động và cố định năm 2011 là 1,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 3% GDP thế giới. Từ năm 2011 trở đi, mỗi năm lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp đôi.
Ông Hans Vestberg
- Các nhà mạng ở Việt Nam đang áp dụng mức cước 3G được coi là rất rẻ với các gói thuê bao không giới hạn hấp dẫn để cạnh tranh. Có ý kiến cho rằng nếu cứ tiếp tục giảm cước theo kiểu này thì ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) của Việt Nam sẽ tiệm cận mức cước di động thấp nhất thế giới và nhiều khả năng nhà mạng sẽ gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra khi liên tục phá giá cước di động. Ông nhận xét thế nào?
Ông Hans Vestberg: Trên thị trường luôn có những đối tượng có nhu cầu sử dụng khác nhau và vì vậy cần có những gói cước khác nhau tùy theo phân khúc thị trường. Có những khách hàng sẽ hài lòng với mức giá cố định để họ có thể kiểm soát được mức độ chi phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ là đối tượng phát huy tối đa giá trị của 3G, chẳng hạn các nhóm khách hàng trong ngành y tế hay vận tải sẽ sẵn sàng trả mức những mức chi phí khác.
- Hiện Việt Nam sau hai năm triển khai 3G cũng đã có một số lượng khách hàng nhất định sử dụng 3G và 3G ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nhà mạng vẫn lo ngại về vấn đề đầu tư cho 3G vẫn có thể là "cái bẫy" khi đầu tư lớn mà thu hồi vốn chậm. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Ông Hans Vestberg: Khi nhìn dài hạn trong vấn đề này, chúng ta sẽ thấy rằng đây mới là giai đoạn 3G bắt đầu phát triển khi xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị dùng 3G giá hợp lý. Sự phổ biến của thiết bị cùng mức chi phí hợp lý sẽ đẩy nhanh sự phổ cập của 3G. Sự hình thành công nghệ và thực sự công nghệ đi vào cuộc sống diễn ra là quá trình. Ví dụ như Ericsson đã phát minh ra GSM năm 1991 nhưng phải đến năm 2008 thì GSM mới phát triển mạnh nhất và bán được nhiều nhất. Một ví dụ về chính 3G: 3G xuất hiện đầu tiên vào năm 2001 nhưng phải đến năm 2009 doanh thu của Ericsson từ 3G mới vượt doanh thu từ 2G. Với 4G, giờ đây chúng ta bắt đầu đề cập nhưng 5 năm nữa sẽ tới thời điểm bùng nổ của 4G. Cần thời gian để 4G đạt được quy mô kinh tế bên vững vì hiện tại điện thoại 4G còn quá hiếm.
- Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho 4G, theo ông thời điểm nào 3G quá tải và cần chuyển sang 4G?
Ông Hans Vestberg: Tại Việt Nam, 3G đang ở giai đoạn bắt đầu. Trên thế giới, chúng tôi đã từng dự kiến tốc độ của băng rộng di động sẽ là khoảng 14,4 Mbps. Nhưng bây giờ, mạng 3G đã đạt được đến tốc độ 84Mbps và điều đó cho thấy 3G còn quá nhiều tiềm năng, thậm chí có thể đạt đến tốc độ 168 Mbps. Ở Việt Nam, đầu tư cho độ phủ sóng đã sẵn sàng và trong vòng 2 năm tới sẽ là giai đoạn sử dụng công suất của mạng 3G để phát triển băng rộng di động tại Việt Nam.
- Xã hội kết nối khi người dân có nhu cầu kết nối và có đủ điều kiện kết nối. Với tỉ lệ người dân ở vùng nông thôn cao như Việt Nam thì để tạo ra xã hội kết nối cần rất nhiều sự hỗ trợ ở nhiều mặt. Ericsson có phát kiến nào có thể giúp đẩy nhanh sự phổ cập của các công nghệ mạng hiện đại và thiết bị điện thoại tới thị trường nông thôn của Việt Nam?
Ông Hans Vestberg: Ericsson có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực này nhưng điển hình nhất là sự hợp tác với Liên Hiệp Quốc trong dự án “Millenium Village” (Làng Thiên Niên Kỷ). Dự án này tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc sống của người dân ở các làng Châu Phi khi 500.000 người dân nghèo được tiếp cận với Internet, từ đó thay đổi cơ bản các phương thức giao tiếp với nhau, trao đổi thông tin và tiến hành kinh doanh. Đó là cách thu hẹp khoảng cách số, khoảng cách giàu nghèo một cách bền vững. Tại Việt Nam, Ericsson đang tiến hành thử nghiệm cung cấp dịch vụ y tế từ xa. Đây là một bước hiện thực hóa khái niệm Xã hội kết nối mà Ericsson thường nói tới. Thông qua thử nghiệm này, Ericsson muốn thể hiện rõ lợi ích của viễn thông trong việc tạo thêm giá trị cho các ngành khác và đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội.
- Hiện nay xu hướng các nhà cung cấp thiết bị như Ericsson không còn đơn thuần chỉ cung cấp các thiết bị viễn thông mà còn gia tăng cung cấp các dịch vụ khác như vận hành mạng, liên kết với một bên thứ 3 để cung cấp các dịch vụ kết nối như trường hợp Ericsson hợp tác với một bệnh viện của Việt Nam. Điều này có tác động đến các nhà mạng hay không?
Ông Hans Vestberg: Trong xu hướng này, cơ hội của các nhà mạng là rất lớn. Chính công nghệ đã tạo nên sự mở rộng về khái niệm kinh doanh và người sản xuất không chỉ giới hạn trong quan niệm đơn thuần trước đây. Vì vậy nhà mạng sẽ có thêm những nguồn doanh thu mới. Ngoài ra việc mang lợi ích viễn thông vào các ngành khác ngoài việc tạo hiệu quả cao hơn, còn giúp giảm năng lượng tiêu thụ của chính các ngành đó và giảm lượng khí thải ra môi trường. Lấy ví dụ như lĩnh vực y tế, giờ đây việc chăm sóc khám chữa bệnh bớt đi những phụ thuộc về khoảng cách địa lý, về số lượng y bác sỹ chính là nhờ sự kết nối và nhờ đó chi phí giảm đi đáng kể, giảm khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính.
Mức độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần tính tới năm 2050, điều đó đồng nghĩa với việc sản lượng tiêu thụ và sản xuất sẽ tăng rất nhiều và lượng khí thải CO2 rất lớn. Ngành công nghệ thông tin viễn thông tạo ra 2% lượng khí thải CO2 nhưng có thể tác động vào các ngành khác để giảm lượng khí thải mà các ngành đó tạo ra. Mục tiêu đặt ra là giảm khoảng 15-20% tính tới năm 2020, tương đương với tiết kiệm 600 tỉ Euro. Ví dụ như ở Việt Nam, nếu chúng ta có thể gắn chip và quan sát được tuyến đường nào đi thuận tiện nhất thì thời gian tiết kiệm cùng với năng lượng tiết kiệm sẽ giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường và các chi phí khác.
- Muốn hiện thực hóa Xã hội kết nối, cần phải được kết nối vượt qua biên giới về địa lý. Nhưng hiện nay dịch vụ chuyển vùng dành cho thoại cũng vẫn còn khá đắt chứ chưa kể đến dịch vụ chuyển vùng dành cho dữ liệu? Vậy chúng ta có giải pháp nào không?
Ông Hans Vestberg: Nhu cầu này là có thật, và không phải chỉ có nhu cầu của các cá nhân mang laptop, điện thoại sang nước khác để dùng, mà sẽ xuất hiện những dịch vụ thương mại có nhu cầu xuyên quốc gia. Ví dụ các công ty vận chuyển chắc chắn sẽ cần di chuyển qua các nước khác nhau. Vấn đề này hiện nay chưa được giải quyết, nhưng khi chúng ta nhìn thấy cơ hội về giao tiếp giữa máy với máy, chẳng hạn các xe tải có thể tự nhận biết lượng hàng đang chở và giao tiếp với nhau để sắp xếp lộ trình. Đây sẽ là thông tin quan trọng với công ty vì họ cần biết chính xác từng chiếc xe tải đang ở đâu, lượng hàng còn lại trên xe là bao nhiêu... Họ sẽ tới gặp nhà mạng và nói, "chúng tôi cần dịch vụ này vì nó sẽ làm cho công ty của chúng tôi hiệu quả hơn". Các nhà mạng chắc chắn sẽ tìm ra cách, cũng như họ đã tìm ra cách giải quyết rất nhiều vấn đề khác từ trước tới nay. Hiện chúng ta chưa tìm ra cách thực sự cạnh tranh cho chuyển vùng dữ liệu, nhưng khi có nhiều ngành khác nhau cùng tìm cách nâng cao hiệu quả với công nghệ này, tất cả sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét