Điện thoại thông minh



Điện thoại thông minh, không chỉ là một thiết bị liên lạc, chúng thật sự là một chiếc máy vi tính. Bên cạnh giao diện chạm đa điểm và một con chip xử lý mạnh, smartphone được trang bị những cảm biến như camera, gia tốc kế, GPS và la bàn số. Smartphone giúp người dùng tính toán và giao tiếp mọi lúc mọi nơi.

Trong tương lai, điện thoại thông minh sẽ "tiến hóa" thành hệ thống máy tính cá nhân di động (PMC). Đến thời điểm đó, những con chip di động sẽ có tốc độ tương đương với siêu chip ngày nay. Số lượng, độ chính xác cũng như hiệu năng của những chiếc cảm biến trên smartphone sẽ ngày càng tăng cao, qua đó đem đến cho con người một thiết bị thật sự hiệu quả để cảm nhận thế giới xung quanh.

Về thiết kế, chiếc PMC trong tương lai có thể không còn nằm ở lòng bàn tay, mà sẽ "bò" lên cánh tay và thế chỗ chiếc đồng hồ của bạn. Ý tưởng này đã từng được Microsoft thử nghiệm, song do hạn chế về công nghệ nên chưa thể hoàn thiện. Việc hiển thị nội dung lúc này không còn nhất thiết phải thông qua giao diện người dùng nữa, vì thế sản phẩm có thể được thu nhỏ về kích thước và có kiểu dáng đa dạng hơn.

Người dùng sẽ tương tác chủ yếu thông qua một thiết bị ngoại vi, có thể là một chiếc kính hay tai nghe. PMC sẽ không chỉ là một chiếc smartphone, mà còn là một cổng kết nối, giúp bạn tương tác với tất cả các thiết bị điện tử xung quanh. Không dừng lại ở đó, PMC sẽ có chức năng cảm nhận những suy nghĩ ở dạng tiềm thức của người dùng và đưa ra những đề xuất thích hợp. Ví dụ, khi bạn nhìn qua chiếc kính giao tiếp, một nhà hàng trong tầm mắt sẽ xuất hiện những ánh sáng xanh, biểu thị đây là một nhà hàng ngon, đáng để dùng bữa. Rất hay phải không nào?

Mạng 3G và 4G



"Sóng của bạn được mấy vạch thế?" chắc hẳn là câu hỏi thường xuyên xuất hiện kể từ khi chúng ta bắt đầu sử dụng công nghệ 3G (gần đây là 4G) để duyệt web trên thiết bị di động. Tốc độ cũng như chất lượng mạng của công nghệ 3G/4G hiện nay nhìn chung là chấp nhận được, nhưng nó sẽ phải thay đổi trong tương lai.

Việc triển khai các cột thu phát sóng vẫn đang được tiến hành khá chậm chạp, được cân nhắc khá kỹ lưỡng do chi phí còn cao. Trong 20 - 30 năm tới, việc triển khai phải được thực hiện nhanh chóng hơn, và đi dần vào việc đại chúng hóa. Ví dụ, nhà mạng có thể khuyến mãi cho những hộ gia đình đồng ý đặt những trạm phát sóng mini tại nhà. Với cách thức triển khai như thế, kể cả những vùng hẻo lánh nhất cũng sẽ được phủ sóng.

Như vậy, chiếc smartphone (hay là PMC) của bạn trong tương lai có thể sẽ không còn cần phải hiển thị cột sóng, vì sóng di động khi ấy sẽ luôn "căng đầy".

Điện toán đám mây



Điện toán đám mây (gọi ngắn gọn là Cloud) là một trong số những công nghệ được mong chờ nhất hiện nay. Nhớ lại 6 tháng đầu năm, hàng loạt những tên tuổi lớn như Amazon, Google hay Apple rục rịch triển khai các dịch vụ nền đám mây. Tuy hô hào nhiều, nhưng thực tế có khá ít nhà cung cấp đã phác họa, cũng như giải thích một cách rõ ràng về những dịch vụ mà mình sẽ giới thiệu.

Hai ngoại lệ đáng chú ý nhất không ai khác hơn là Google và Apple. Google Docs, ở một chừng mực nào đó, có thể xem là ứng dụng nền đám mây đầu tiên nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng. iCloud của Apple cho thấy đây là một dịch vụ có nhiều tiềm năng đẩy nhanh vòng đời của Cloud sớm lên mức tăng trưởng.

Với Cloud của tương lai, mọi thông tin cá nhân cũng như ứng dụng sẽ luôn sẵn sàng để chúng ta sử dụng mọi lúc mọi nơi. Bạn muốn chỉnh sửa một văn bản khi đang ngồi trên tàu, hay thay đổi đề xuất bán hàng tại văn phòng của khách hàng, mọi thông tin cần có sẽ ở đó với bạn.

Theo dõi chuyển động mắt/ra lệnh bằng giọng nói



Trong 2 công nghệ trên thì theo dõi chuyển động mắt nghe có vẻ khá lạ lẫm. Hiện tại, công nghệ này mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu tính khả dụng của một sản phẩm/công nghệ nhất định. Ví dụ như cách thức người dùng đọc qua một trang web, quá trình chuyển động của mắt như thế nào? Ra lệnh bằng giọng nói thì phổ biến hơn, nó được áp dụng trên các thiết bị di động để thay thế việc nhập liệu bằng tay.

Trong tương lai, 2 công nghệ này sẽ được kết hợp với công nghệ tương tác thời gian thực (Augmented Reality - AR) để tạo ra một giao diện người dùng trực quan và tự nhiên cho thiết bị PMC. Sản phẩm này có thể được gọi là kính thông tin. Khi đeo kính, vật thể mà bạn nhìn, cũng như từ ngữ mà bạn nói sẽ được truyền đến PMC, sau đó được tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả trở lại cho bạn thông qua thị giác hoặc/và thính giác. Ví dụ, bạn nhìn vào một nhà hàng và hỏi "Món salad ở đây có ngon không?", và sau vài giây, máy sẽ trả lời rằng nhà hàng được đánh giá 5 sao về món salad. Cách thức trả lời (thị/thính giác) sẽ được xác định cho phù hợp với công việc mà bạn đang thực hiện tại thời điểm đó.

Tương tác thời gian thực (AR)



Công nghệ tương tác thời gian thực của ngày hôm nay cho phép hiển thị văn bản, ký tự hoặc hình ảnh 3 chiều lên trên một nội dung số (hình ảnh/video) để bổ sung thêm thông tin hoặc giúp nó trở nên thú vị hơn. Có khá nhiều ứng dụng trên iPhone có khả năng cung cấp thông tin về một địa điểm ngay khi bạn giơ camera của máy về hướng đó. Tissot hay Olympus có các trang web AR, giúp người dùng trải nghiệm thử sản phẩm trước khi mua, hay là Lego với phương pháp bán hàng sử dụng AR, cho phép trẻ em có thể nhìn thấy hình dạng hoàn chỉnh của món đồ chơi ngay cả khi các linh kiện còn nằm trong hộp.

Trong vòng vài thập niên nữa, mọi thông tin mong muốn sẽ được PMC xuất lên tròng kính AR ngay khi bạn nhìn vào một vật nào đó và yêu cầu cung cấp thông tin. Không những thế, PMC sẽ thông minh đến mức tự động giản lược thông tin, sao cho vừa vặn với diện tích của kính, nhưng vẫn đảm bảo nội dung cần thiết cho người đọc.

Mạng xã hội



Mạng xã hội của năm 2011, điển hình như Facebook và Twitter, yêu cầu người dùng phải "chăm sóc" kỹ lưỡng tài khoản của mình. Bạn phải thật sự siêng năng quản lý thế giới ảo trên Facebook hay Twitter, cập nhật tin tức của bạn bè hay người theo dõi (follower) để duy trì mối quan hệ với những thành viên khác trên cộng đồng. Trong tương lai, việc quản lý mạng xã hội sẽ trở nên năng động hơn, và nhất là được tự động hóa. Hệ thống sẽ tự hiểu khi nào cần thiết lập hoặc xóa bỏ một kết nối, nhằm tối đa hóa giá trị mà người dùng nhận được. Ví dụ, tất cả những cập nhật trên Facebook sẽ chỉ được hiển thị khi nó có liên quan đến bạn tại thời điểm đang xem xét, và được thực hiện thông qua một thao tác lọc bởi PMC. Mạng xã hội cũng có thể được tích hợp nhiều hơn lên những sản phẩm số khác, như lịch làm việc, danh bạ, và thiết bị GPS. Trên đường đi đến một cuộc họp với đối tác, bạn có thể cập nhật thông tin trên Facebook/Twitter để chuẩn bị những câu chuyện vui vẻ mở đầu trước khi chính thức bàn vào công việc

CAD, in 3D và sản phẩm tùy biến cá nhân


Những sản phẩm thiết kế có hỗ trợ bằng máy tính (CAD) vốn rất phổ biến trong giới kỹ sư, nhà thiết kế và sinh viên chuyên ngành thiết kế 3D. Tuy nhiên, phần mềm CAD thường rất cao cấp, không thân thiện với người dùng bình thường có nhu cầu muốn tự thiết kế sản phẩm cho cá nhân.

Tương lai có thể sẽ khác. Khi đó, CAD sẽ cho phép một khách hàng bình thường thiết kế ý tưởng cho sản phẩm của họ một cách dễ dàng. Người dùng sẽ sử dụng những ứng dụng đơn giản, rồi lắp ghép các tính năng đã được thiết lập sẵn cho một sản phẩm nhất định. Để tăng tính cá nhân, người dùng sẽ có quyền quyết định màu sắc, họa tiết, hình ảnh và thậm chí là kích cỡ cho riêng bản thân mình.

In 3D là một công nghệ mới rất ấn tượng, nó sử dụng những thiết kế 3D từ CAD và in ra từng lớp vật liệu, lớp sau chồng lên lớp trước, để tạo ra một sản phẩm vật lý thật sự. Công nghệ này có thể sản xuất ra bất kỳ hình dáng nào, ngay cả những thiết kế không thể in được bằng quy trình truyền thống. Điểm yếu của in 3D hiện nay là quy trình chậm, tốn kém, và sản phẩm chưa có đủ độ bền cần thiết để sử dụng trong đời sống thật. Tin vui là công nghệ trong lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh, và trong tương lai nó sẽ có thể in ra mọi thứ với tốc độ nhanh chóng và giá cả phải chăng.

Tùy biến sản phẩm cá nhân trực tuyến là một dịch vụ mới, nhưng đang thu hút được khá nhiều sự quan tâm của thị trường. Bạn có thể lên trang web đặc biệt của Nike để thiết kế một đôi giày thể thao cho riêng bạn. Hiện tại, người dùng phải chấp nhận một thực tế là dịch vụ này khá đắt và thường tốn thời gian dài sản xuất và giao hàng. Mức độ phổ biến của loại hình dịch vụ này sẽ còn tăng cao trong tương lai, khi được kết hợp với công nghệ CAD như đã nói ở trên, để tạo ra một quy trình sản xuất nhanh, linh hoạt và kinh tế.

Xe tự hành



Những chiếc xe hơi của ngày hôm nay được trang bị hàng loạt các dụng cụ hỗ trợ lái xe, ví dụ như GPS, thiết bị báo làn đường, thông tin giao thông và thiết bị phát hiện điểm mù (dành cho các dòng xe cao cấp của Audi, BMW...). Những mẫu xe này thậm chí có khả năng tự động thắng xe để tránh đâm vào chướng ngại vật hay người đi bộ xuất hiện trước mũi xe. Nhắc đến xe tự hành, hẳn cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là Google. Hãng đã đầu tư không ít vào dự án này trong nhiều năm qua, để phát triển công nghệ giúp xe hơi có thể tự lái trên đường mà không cần sự can thiệp của con người.

Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ có những chiếc xe tự hành, với vai trò của tài xế lúc đó không còn là bắt buộc nữa. Nghe thì có vẻ mạo hiểm, nhưng một khi công nghệ được hoàn thiện, xe tự hành sẽ an toàn hơn xe do con người lái. Nó sẽ liên tục đánh giá môi trường xung quanh thông qua các cảm biến gắn trên xe, và một điều chắc chắn rằng nó không bị sao nhãng bởi...tin nhắn điện thoại như những lái xe truyền thống!

Xe tự hành của 20 năm sau có khó điều khiển không nhỉ? Chắc là không rồi. PMC sẽ một lần nữa hoạt động như giao diện người dùng cho chiếc xe tự hành của bạn. Lịch trình di chuyển cũng như địa chỉ nơi đến đều đã được lưu trên PMC, do đó khi bạn lên xe, GPS của xe sẽ tự động thiết lập địa điểm và thời gian đến nơi. Tất cả những gì bạn cần phải làm là ra lệnh "Lên đường nào".