Cơ cấu thiết kế có khớp động khiến điện thoại trượt, gập kém bền hơn điện thoại dạng thanh. Song điều này không đồng nghĩa là điện thoại dạng thanh đơn giản khó bị hỏng hóc. Điển hình là sự cố liên quan đến bàn phím của điện thoại nói chung.
Thời gian qua, e-CHÍP nhận được không ít thắc mắc của bạn đọc có liên quan đến vấn đề bàn phím của điện thoại. Các lỗi thường gặp nhất là kém nhạy, có một hoặc vài nút bị liệt, thậm chí là toàn bộ phím đều không sử dụng được. Và hầu hết bạn đọc đều yêu cầu được giải đáp và cách khắc phục sự cố này.
Thật ra việc sửa lỗi bàn phím khá đơn giản. Nhưng, cũng như trị bệnh, phải biết bệnh. Muốn khắc phục sự cố bàn phím, ít nhất, bạn cần xác định rõ các hỏng hóc là gì.
Lỗi phần mềm
Bạn nên biết rằng cũng như hầu hết các lỗi xảy ra trong quá trình sử dụng điện thoại, lỗi bàn phím cũng có thể phát sinh từ phần mềm, chứ không chỉ là lỗi phần cứng. Lỗi phần mềm cũng là lỗi dễ giải quyết nhất, chỉ cần format hoặc chạy lại phần mềm cho điện thoại là có thể khắc phục được. Lỗi phần mềm này thường phát sinh ở những dòng điện thoại có hệ điều hành, cấu trúc dữ liệu phức tạp, cũng có thể là do virus tấn công, gây lỗi ở các thư viện quản lý bàn phím của điện thoại. Do đó, với bất kỳ lỗi bàn phím nào, trước tiên, bạn nên sao lưu dữ liệu và thử format, chạy lại phần mềm cho máy xem lỗi trên có được khắc phục hay không. Nếu lỗi trên vẫn tồn tại, bạn mới tiến hành chẩn lỗi theo hướng phần cứng và tìm cách khắc phục thích hợp.
Cấu tạo bàn phím khá đơn giản. |
Lỗi phần cứng: liệt phím
Cũng như bàn phím máy tính, bàn phím điện thoại bao gồm ba chi tiết: phím bấm (là các nút bạn sử dụng để nhập liệu); chip điều khiển phím trên bo mạch và phần mềm điều khiển mà e-CHÍP vừa trình bày giải pháp khắc phục ở trên. Và hầu hết các lỗi bàn phím đều bắt nguồn từ chi tiết phím bấm.
Cấu tạo của phím bấm gồm 2 chi tiết nhỏ là mạch và một tấm thép đàn hồi có tác dụng nối mạch (có thể xem là một contacter đơn giản, sử dụng ngoại lực).
Bình thường, tấm thép nhô lên, không nối mạnh đoạn mạch bên dưới. Khi bạn tác động một lực vừa đủ, tấm thép sẽ biến dạng, bám sát vào mạch, nối mạnh, tạo thành tín hiệu điều khiển truyền đến chip điều khiển bàn phím. Và lỗi bàn phím thường thấy nhất xuất hiện tại đây: tấm thép không thể nối mạch cho đoạn mạch bên dưới.
Giữa tấm thép và đoạn mạch là một khoảng không. Điện thoại trong quá trình sử dụng sẽ sinh nhiệt. Hai điều kiện này khiến phần đoạn mạch và cả bề mặt tấm thép bị phủ một lớp oxi hóa, trở thành lớp cách điện khá tốt. Mặt khác, dù có điện thế và cường độ rất thấp nhưng vẫn sẽ có hiện tượng phóng điện khi tấm thép được nhấn, áp gần sát đoạn mạch bên dưới. Hiện tượng phóng điện này cũng tạo thành lớp muội than rất mỏng trên bề mặt, cũng có tác dụng cách điện như lớp oxi hóa. Lúc này, khi nhấn phím, đoạn mạch không được nối, chip điều khiển không nhận được tín hiệu nên điện thoại không hiểu thao tác của bạn. Chỉ khi dùng lực nhấn lớn, thì tấm thép mới nối mạch được, gây tình trạng mà bạn đọc thường mô tả là kém nhạy, liệt phím.
Vệ sinh socket bàn phím. |
Tình trạng này có thể xảy ra với một phím, hoặc thậm là vài phím. Cách khắc phục rất đơn giản, nhưng yêu cầu bạn phải cẩn thận trong thao tác. Bạn cần tháo vỏ bảo vệ để lộ phần mạch phím. Dùng miếng kim loại mỏng bóc tách lớp plastic cố định tấm thép trên mạch bàn phím. Bạn có thể dễ thấy về mặt tấm thép, hoặc bề mặt mạch đồng hoen sẫm. Cẩn thận dùng các chất tẩy bay hơi nhanh như xăng, cồn để vệ sinh sạch lớp oxi hóa và muội than này. Bạn cũng có thể dùng cục gôm/cục tẩy (loại cứng, màu xanh hoặc đỏ) để chà sạch lớp cách điện này. Sau khi vệ sinh xong, bạn có thể dùng băng keo trong loại tốt để cố định lại tấm thép như ban đầu. Hầu hết lỗi kém nhạy của bàn phím đều được khắc phục bằng cách này.
Cả dãy phím không dùng được
Một trường hợp khác của liệt phím, kém nhạy là hiện tượng cả một dãy phím liền kề không thể sử dụng. Đối với lỗi này, bản mạch bàn phím đã có vấn đề, thường là bị đứt, không thể cung cấp tín hiệu cho cả một dãy phím. Tuy nhiên, lỗi này thường chỉ phát sinh ở dòng điện thoại có mạch bàn phím rời, kết nối với bo điện thoại thông qua socket. Theo đó, bạn có thể thử khắc phục bằng cách vệ sinh phần socket kết nối giữa bo bàn phím và bo mạch chính của điện thoại. Vệ sinh và thử nhiều lần xem lỗi trên có được khắc phục không.
Nếu đã chắc chắn rằng phần socket đã được vệ sinh rất kỹ, kết nối tốt mà lỗi trên vẫn tồn tại, rất có thể chip điều khiển bàn phím của bạn đã có vần đề, là lỗi phần cứng phức tạp, rất khó khắc phục bằng công cụ thô sơ cũng như yêu cầu trình độ phần cứng rất cao để sữa chữa. Lỗi này còn có một biểu hiện khác là làm mất tác dụng hoàn toàn tất cả các nút của điện thoại, không thể điều khiển điện thoại được.
Tách các thép đàn hồi khỏi mạch bàn phím để vệ sinh. |
Lỗi cấn phím
Ngoài hiện tượng liệt phím, không nhạy, cấn phím cũng là lỗi mà không ít bạn đọc gặp phải. Trái ngược với sự cố trên, lỗi cấn phím khiến bàn phím luôn được kích hoạt, khiến điện thoại lúc nào cũng nhận được tín hiệu phím ấn đó dù bạn không nhấn. Đôi khi lỗi này biểu hiện dưới dạng khi bạn nhấn một phím bất kỳ và thả tay ra, một ký tự, một tính năng nhất định nào đó sẽ luôn được kích hoạt. Với lỗi này, thao tác vệ sinh bàn phím đối với hiện tượng liệt phím cũng có tác dụng, có thể áp dụng được.
Như đã diễn giải ở trên, tấm thép đàn hồi có tác dụng nối mạch, tạo ra tín hiệu điều khiển bàn phím. Sau thời gian sử dụng dài, rất có thể tấm thép này mất độ đàn hồi, tạo ra hiện tượng nhão phím (chỉ cần đụng nhẹ là phím đã được kích hoạt) hoặc cấn phím. Để khắc phục tình trạng này, cách duy nhất là thay tấm thép mới. Rất may là hầu như tất cả tấm thép đàn hồi này đều được chuẩn hóa, có kích thước tương đồng nhau, hoặc chí ít là có thể tìm thấy ở bàn phím của chiếc điện thoại cùng thương hiệu. Để thay tấm thép, bạn cũng tiến hành bóc tách phần plastic cố định, sau đó vệ sinh và đặt tấm thép mới vào, cố định lại bằng băng keo trong. Lỗi phím sẽ được khắc phục triệt để.
Chúc các bạn thành công!
Theo Echip
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét