Ông Yuichi Itoh, giáo sư của đại học Osaka đồng thời là quản lý dự án phát triển Paranga cho hay: "Sách điện tử đã trở nên phổ biến, nhưng chúng vẫn thiếu những tính năng vật lý mà một cuốn sách thực sự cần phải có". Giáo sư Itoh đã từng có một khoảng thời gian dài làm việc với các sinh viên của đại học Osaka cũng như cựu sinh viên của Worcester Polytechnic Institute để phát triển các thiết bị phần cứng và phần mềm hỗ trợ cho người đọc sách điện tử.
Có thể nói Paranga được tạo nên từ sự kết hợp giữa công nghệ và những thứ xưa cũ. Thiết bị cũng có hai trang giống như một cuốn sách với trang lật nằm ở phía bên phải. Trang lật của Paranga được thiết kế rất dày bằng một lớp cao su nằm ở giữa. Ngoài cùng của trang lật này là một con lăn làm từ các trang giấy của một quyển sách, con lăn này sẽ được kết nối với một thiết bị cảm biến để nhận diện chuyển động giở trang của người dùng từ đó đưa ra những phản hồi hiển thị trên trang còn lại của Paranga.
Trang bên trái của Paranga là một màn hình LCD nhỏ có tác dụng hiển thị nội dung (chữ và hình ảnh) khi người dùng đọc sách. Để giở trang sách người dùng cần di chuyển một ngón tay cái dọc theo con lăn làm từ trang giấy đã đề cập ở trên, Paranga sẽ tự động chuyển sang các trang tương ứng trên màn hình LCD khiến cho người dùng có cảm giác như là họ đang giở trang của một quyển sách. Một cảm biến nằm dọc theo trang bên phải của thiết bị sẽ có tác dụng nhận biết được sự uốn cong của tấm cao su khi người dùng giở nhanh trang giấy và từ đó ra lệnh cho màn hình LCD có những hiển thị nhanh hơn ứng với thao tác của người dùng.
Giáo sư Itoh Paranga còn cho biết thêm rằng Paranga có khả năng lật trang với tốc độ rất nhanh giúp người dùng có thể dễ dàng kiểm tra qua nội dung của một cuốn sách điện tử hay giở nhanh đến một trang cụ thể nào đó.
Để tạo ra được hiệu ứng giở trang như thật, nhóm nghiên cứu đã phải mất rất nhiều thời gian để quan sát động tác người giở trang sách từ đó tìm ra một quy luật chung cho việc phát triển thiết bị. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện ý tưởng của mình với con lăn quay trang và cảm biến độ cong.
Sản phẩm Paranga không phục vụ cho người dùng chuyên đọc sách điện tử mà thay vào đó nó hướng đến đối tượng trẻ em và người già bởi thiết bị này có khả năng làm cho những thiết bị đọc sách điện tử giống thật hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng Paranga cũng dễ dàng và không có nhiều khó khăn, người già và trẻ em sẽ không mất nhiều thời gian để làm quen với Paranga.
Giáo sư Itoh và nhóm nghiên cứu đều đồng tình với việc cho rằng Paranga rất có tiềm năng để trở thành một món đồ chơi cho trẻ em, tuy nhiên nó vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn được thương mại hóa và đi vào cuộc sống. Một trong những trở ngại lớn nhất với Paranga đó là chi phí, các mô hình thử nghiệm mới nhất của Paranga vẫn có giá thành khá cao, vào khoảng 260 USD. Giáo sư Itoh có ý định biến Paranga thành một phụ kiện kết nối với máy tính bảng thông qua Bluetooth để giảm giá thành của nó xuống dưới 100 USD.
Các mô hình thử nghiệm ban đầu của Paranga đã được công bố ở Nhật Bản vào cuối năm 2010 trong cuộc thi International Collegiate Virtual Reality. Sau thời gian đó, Paranga vẫn tiếp tục được hoàn thiện và đã có màn ra mắt trong hội nghị SIGGRAPH 2011, một hội nghị về kỹ thuật tương tác và đồ họa máy tính diễn ra ở Hồng Kông vào tháng trước. Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn đang nỗ lực làm việc để cải thiện tính chính xác của cơ chế lật trang.
Tại hội nghị SIGGRAPH, nhóm nghiên cứu của Paranga đã cho ra mắt một tính năng mới của thiết bị cho phép các hình ảnh hiển thị trên thiết bị có thể thay đổi theo tốc độ lật của trang giấy.
"Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một trào lưu mới trong việc thưởng thức sách điện tử", giáo sư Itoh nói.
Thomas Coughlin, thành viên cao cấp của IEEE, người sáng lập của Coughlin Associates, một công ty tư vấn và lưu trữ dữ liệu có trụ sở tại Atascadero, California và đồng thời cũng là chủ tịch của hội nghị thường niên Storage Visions and Creative Storage đã có những nhận định của mình với Paranga. Ông cho biết mình đã từng sử dụng nhiều các thiết bị đọc sách điện tử như Nook, Kindle, và iPad nhưng ông vẫn thấy ở Paranga cơ hội rất lớn để phát triển và trở thành một xu thế chung trong việc đọc sách điện tử. Paranga có khả năng khiến cho các thiết bị đọc sách điện tử tương tác được nhiều hơn với người dùng.
Coughlin cũng bày tỏ quan điểm của mình về tương lai của những cuốn sách giấy, ông tin rằng chúng sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời trong một vài thập kỷ tới.
Theo Maskonline/ Foxnews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét