Công nghệ MEMS gần như hiện hữu khắp nơi tại CES 2012 mặc dù có thể chẳng ai biết MEMS là thứ gì nếu một ai đó giới thiệu. Nhưng thực tế MEMS là một thành phần quan trọng trong smartphone và máy tính bảng (tablet), và cũng góp mặt trong máy in, máy chiếu bỏ túi, máy ảnh số, tai nghe và hàng trăm sản phẩm khác xuất hiện ở CES.
MEMS là một chip máy tính kèm với vi xử lý và cảm biến được tích hợp trên mạch, có thể dò tìm chuyển động hay những thay đổi trong môi trường xung quanh. Một dạng MEMS khá phổ biến hiện nay là gia tốc kế, được dùng để nhận biết sự chuyển động trong smartphone và tablet. Cụ thể, MEMS sẽ thông báo đến thiết bị khi chuyển sang chế độ giữa phong cảnh và chân dung khi gia tốc kế được xoay.
Một số smartphone cũng được trang bị từ kế, được xem như la bàn nhỏ, giúp bạn xác định hướng đi phía trước trên bản đồ. Một số chuyên gia tiên đoán trong vòng 2 đến 3 năm tới, dạng MEMS khí áp kế sẽ được tích hợp trên smartphone. Các thiết bị có dụng cụ đo khí áp sẽ dò tìm những dao động nhỏ trong áp suất không khí, để từ đó tính được sự thay đổi tương đối về độ cao, như với một người đi lên thang máy bay chẳng hạn. Điều này giúp smartphone biết được bạn đang ở lầu mấy của tòa nhà.
Các dịch vụ như Google Maps đã đưa MEMS vào smartphone để giúp định vị cụ thể các cửa hàng hay phòng họp bên trong tòa nhà. Bên cạnh đó là sự nổi lên của tần số vô tuyến dựa trên công nghệ MEMS, giúp điều chỉnh hướng kết nối đến các trạm gốc để bảo đảm các thiết bị có thể truyền và nhận tín hiệu một cách trơn tru, hạn chế những cuộc gọi bị “rớt”.
Theo chuyên gia, MEMS không chỉ giới hạn ở trên smartphone mà còn có thể dùng cho ô tô, nhưng mức độ phổ biến trên các thiết bị di động khác hiện còn tương đối mới. Công ty nghiên cứu thị trường IHS cho biết, lợi nhuận từ các sản phẩm MEMS đã đạt cú hích 7,1 tỷ USD trong năm 2010, tăng 22% so với năm 2009. Một số chuyên gia công nghệ cho rằng không biết chừng MEMS có thể hiện diện nhiều hơn ở từng cá nhân cụ thể, ví dụ đến một lúc nào đó quần áo có thể thay đổi màu sắc hay trang sức có thể thay đổi hình dạng để phù hợp với vóc dáng của người dùng.
Theo NetworkWorld/PcWorld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét