ICTnews - Bộ TT&TT cho biết, việc cấp phép băng tần cho LTE nhanh nhất đến năm 2014 bởi đây là thời điểm chín muồi về công nghệ và giá thiết bị đủ rẻ để triển khai hiệu quả. Dự kiến việc lấy giấy phép băng tần này sẽ qua hình thức đấu giá.
Trong khuôn khổ hội thảo tại Vietnam Comm 2011, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho rằng, hiện có tới 7 mạng viễn thông xin cấp thử nghiệm LTE. Thế nhưng, trong số đó chỉ có 3 doanh nghiệp chính thức thử nghiệm dịch vụ này là VNPT, Viettel và FPT. Rõ ràng việc triển khai thử nghiệm LTE đang có vấn đề.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, LTE là xu hướng tất yếu. Lộ trình chuẩn bị cho triển khai LTE cần bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu chúng ta đợi đến lúc chín muồi mới triển khai thì có những thuận lợi, nhưng sẽ có khó khăn như phải cạnh tranh với những người đã đi trước. Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, việc triển khai LTE sẽ gặp phải khó khăn đầu tiên là vấn đề tài chính, sau đó là đến vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ khi cung cấp đến cho khách hàng. Phía Orange cho rằng, LTE đang phát triển tốt và họ có thể đạt 2,5 triệu thuê bao LTE trên toàn cầu vào cuối năm 2011. Vì vậy, các nhà mạng cần phải để ý đến việc phát triển LTE.
Việc lựa chọn băng tần nào cho LTE cũng còn nhiều tranh cãi và trở thành vấn đề nóng tại buổi hội thảo. Hiện các nhà mạng châu Âu thiên về việc lựa chọn 1800 MHz là băng tần chính cho dịch vụ LTE. Trong khi đó, NTT DoCoMo của Nhật lại chọn băng tần 2100 MHz và 500 MHz và Bắc Mỹ chọn băng tần 2600 MHz. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tìm được tiếng nói chung về lựa chọn băng tần cho LTE. Trong trường hợp các quốc gia lựa chọn quá nhiều băng tần khác nhau cho LTE sẽ dẫn tới các thiết bị đầu cuối sẽ đắt hơn bởi các thiết bị này phải hỗ trợ nhiều băng tần. Một khó khăn nữa được đặt ra là việc roaming quốc tế sẽ vô cùng phức tạp nếu LTE được triển khai trên nhiều băng tần.
Tại buổi hội thảo, ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số Vô Tuyến điện cho biết, việc lựa chọn băng tần cho LTE sẽ chủ yếu dựa trên nguyên tắc số đông. Bởi nếu chọn băng tần cho nhiều nhà khai thác sử dụng thì giá thiết bị sẽ rẻ và đầu tư sẽ thuận lợi. Thứ hai là chi phí để giải phóng băng tần này phải thấp nhất. Nếu trong trường hợp lựa chọn băng tần 1800 MHz đang dùng cho mạng GSM, Bộ TT&TT sẽ phải cân nhắc và quy hoạch lại băng tần này liệu có dùng cho GSM nữa hay cho công nghệ khác. Hiện Bộ TT&TT cũng đã quy hoạch băng tần cho 4G với các dải 2300 MHz – 2600 MHz. Tuy nhiên, băng tần này chưa được cấp phép vì nhu cầu thị trường cho những dịch vụ 4G chưa nhiều… Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề băng tần cho LTE.
Về thời điểm triển khai LTE, ông Lê Văn Tuấn cho rằng Việt Nam là nước nghèo nên việc triển khai LTE sẽ vào thời điểm chín muồi về công nghệ và giá thiết bị đủ rẻ và phong phú. "Tôi cho rằng nhanh nhất sẽ cấp phép triển khai vào năm 2014 hoặc năm 2015. Việc lấy giấy phép LTE dự kiến sẽ thông qua hình thức đấu giá", ông Lê Văn Tuấn nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét