Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Tập đoàn Kenmark và món nợ 50 triệu USD với BIDV, SHB, HBB

Một tập đoàn đến từ Đài Loan, đăng ký đầu tư 500 triệu USD vào Hải Dương, nhưng mới đầu tư giai đoạn một đã cao chạy, xa bay, để lại khoản nợ 50 triệu USD cho một số ngân hàng nội. Chính quyền tỉnh chưa biết phải xử lý sự việc ra sao.


Chủ đầu tư đến từ Đài Loan về nước, để lại đống nợ 50 triệu USD và khu nhà xưởng tại Hải Dương.

Từ hoành tráng đến... be bét

Năm 2005, UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Tập đoàn Kenmark (Đài Loan) đầu tư 500 triệu USD vào KCN Việt Hoà (TP Hải Dương). Theo Sở KH-ĐT Hải Dương, tại thời điểm đó, đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào tỉnh này.

Theo giấy phép đầu tư, Kenmark sẽ xây dựng các khu sản xuất công nghiệp, kinh doanh - dịch vụ, khu đô thị, nghỉ ngơi - giải trí cho người lao động trên mặt bằng 130 ha. Theo đó, dự án sẽ được triển khai thành hai giai đoạn, trước mắt đầu tư giai đoạn một trên diện tích 46 ha, với tổng vốn hơn 90 triệu USD.

Một số doanh nghiệp ký hợp đồng xây dựng nhà xưởng cho Kenmark cho biết, lợi thế của dự án Kenmark là đã được định hướng trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương, phù hợp với quy hoạch chung của TP Hải Dương giai đoạn 2002-2020. Chính vì thế, chủ đầu tư đã dễ vay vốn từ các ngân hàng trong nước.

Theo nhiều nguồn tin, Kenmark đã vay khoảng 50 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đô, SHB chi nhánh Quảng Ninh, Habubank chi nhánh Bắc Ninh, trong đó, BIDV chi nhánh Thành Đô cho vay nhiều nhất.

Tháng 5-2010, hai nhà máy của Kenmark đột ngột ngừng sản xuất. Trước khi bỏ về nước, chủ đầu tư thanh toán tiền lương tháng 5 cho công nhân, sau đó, thông báo cho UBND tỉnh Hải Dương biết về việc ngừng hoạt động tại Việt Nam. Biết chủ đầu tư đổ bể, tại thời điểm đó, đã xảy ra tranh chấp phức tạp khi nhiều nhà thầu xây dựng nhà xưởng cho Kenmrak ồ ạt vận chuyển hàng nghìn tấn thép ra khỏi KCN Việt Hoà - Kenmark để thu hồi công nợ.

Ngày 25-5-2010, trong khi đang thi công tuyến đường chạy xung quanh xưởng, lắp dựng và làm nền móng nhà trong khu vực của Kenmark, Cty TNHH Hà Phát đã bị đại diện BIDV Thành Đô phối hợp với cơ quan chức năng thu giữ toàn bộ phương tiện, thiết bị thi công.

Cty Hà Phát là đơn vị đã ký hợp đồng với Cty TNHH Phát triển kiến trúc Chu Yu Yi (nhà thầu chính) xây dựng và lắp đặt khung nhà xưởng cho Kenmark. Từ đây, nhà thầu, chủ nợ xảy ra tranh chấp, đến nỗi Công an tỉnh Hải Dương phải vào cuộc.

Sau đó, Ban quản lý KCN Hải Dương ra thông báo đóng cửa KCN Việt Hoà - Kenmark để bảo vệ tài sản. Từ tháng 5-2010 đến nay, khu nhà xưởng của Kenmark đóng cửa, không hoạt động. Còn ông chủ Đài Loan về nước, bỏ lại cả đống nợ. Chỉ khổ Cty TNHH Hà Phát, đến nay vẫn bị giữ máy móc, không có phương tiện hoạt động, tiền công thì bị nợ.

Lỗi từ ngân hàng?

Hiện, khu nhà xưởng KCN Việt Hoà - Kenmark vẫn bỏ không. Toàn KCN trước đây hoạt động rầm rộ nay im lìm. Các nhà thầu xây dựng cũng không còn một ai. Phía cổng chính, người đang làm việc duy nhất là cán bộ bảo vệ. Dòng chữ KCN Việt Hoà - Kenmark cũng đã được gỡ bỏ. Đến nay, sau gần hai năm Kenmark đóng cửa, tỉnh Hải Dương vẫn chưa biết phải xử lý hậu quả ra sao.

Ông Mai Đức Chọn - Trưởng ban quản lý KCN Hải Dương cho biết, sau vụ đổ bể của Kenmark, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và cả doanh nghiệp lớn trong nước tỏ ý muốn thuê nhà xưởng Kenmark nhưng vẫn chưa ai vào.

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Đoan - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hải Dương cho biết, thực ra Kenmark chỉ bỏ ra khoảng vài chục triệu đô la, số còn lại đều vay của các ngân hàng Việt Nam.

Ông Mai Đức Chọn cho biết, thực tế không phải Kenmark bỏ trốn vì thi thoảng ông Hoàng (chủ người Đài Loan của Kenmark) vẫn sang Việt Nam. “Đất đai vẫn nguyên, nhà xưởng vẫn nguyên làm sao có thể nói là họ bỏ trốn được. Việc cơ quan Công an đánh giá là họ bỏ trốn, lừa đảo thì đó là nhận định của phía công an” - ông Chọn nói.

Về thông tin cho rằng do lãnh đạo Ban quản lý KCN xác nhận nên Kenmark mới vay được tiền từ các ngân hàng Việt Nam, ông Chọn nói: “Một doanh nghiệp vào đầu tư, rồi vay vốn ngân hàng là chuyện bình thường. Thực ra khi đầu tư, doanh nghiệp nào cũng phải vay. Có điều, sai lầm lớn nhất của BIDV Thành Đô là đã cho Kenmark vay tiền để xây dựng tài sản cố định.

Việc BIDV Thành Đô cho Kenmark vay vốn để xây dựng tài sản cố định là sai về bản chất và chủ trương thu hút FDI của Chính phủ. Chúng tôi cần nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào, chứ anh vào mà lại vay tiền của ngân hàng trong nước để đầu tư, chúng tôi cần gì”.

Xin khoanh nợ?

Lý giải về nguyên nhân đổ bể của Kenmark, ông Chọn cho biết, thực ra Kenmark là một Cty gia đình, đầu tư tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc, Malaysia. Sau khi đầu tư, vì khủng hoảng tài chính và do tác động từ các Cty mẹ nên Kenmark không có khả năng về vốn.

“Một nguyên nhân khác khiến Kenmark đổ bể, là do ông Hoàng (chủ đầu tư Kenmark) bị đánh bật khỏi thành viên HĐQT tại nhà máy chế biến gỗ ở Malaysia. Thực tế, hai nhà máy của Kenmark tại Hải Dương chủ yếu được Cty ở Malaysia rót vốn và cung cấp trang thiết bị (Kenmark chỉ đóng góp nhà xưởng), nên khi ông Hoàng bị rút khỏi HĐQT ở Cty Malaysia, hai nhà máy tại Hải Dương cũng chết theo”, ông Chọn nói.

Về việc xử lý hậu quả vụ đổ bể của Kenmark, ông Chọn cho biết, từ tháng 5-2010 đến nay, nhà xưởng của Kenmark vẫn chưa có ai vào thuê nên phải đóng cửa. Phía Cty Malaysia cũng rất muốn mua lại hai nhà máy của Kenmark tại Hải Dương, nhưng vướng vì không thỏa thuận được giá thuê nhà xưởng từ Kenmark.

Theo ông Chọn, bán được KCN thì ông Hoàng may ra mới có điều kiện trả nợ ngân hàng. Còn phần tiền ông Hoàng bỏ ra đầu tư sẽ rất khó thu hồi.

Ông Chọn cũng khẳng định, Cty Kenmark đã bỏ ra khoảng 70-80 triệu USD để đầu tư xây nhà xưởng, trong đó, vay tiền từ các ngân hàng trong nước khoảng 50 triệu USD. Kenmark đang đề nghị với lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề xuất với BIDV Thành Đô (chủ nợ lớn nhất) để được giãn nợ. Chỉ có được giãn nợ, Kenmark mới có khả năng thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng.

“Sai lầm lớn nhất của BIDV Thành Đô là đã cho Kenmark vay tiền để xây dựng tài sản cố định. Việc BIDV Thành Đô cho Kenmark vay vốn để xây dựng tài sản cố định là sai về bản chất và chủ trương thu hút FDI của Chính phủ. Chúng tôi cần nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào, chứ anh vào mà lại vay tiền của ngân hàng trong nước để đầu tư, chúng tôi cần gì”. - Ông Mai Đức Chọn - Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Hải Dương.


Theo Tienphong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean