Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Tổ tiên loài mèo nhà

Con mèo mà chúng ta thường nhắc đến trong đời sống hàng ngày, trong đời sống văn hóa, tôn giáo là loài mèo nhà (Felis sil-vestris catus).

Năm 2007, một công trình nghiên cứu khoa học cho thấy hầu như tất cả loài mèo nhà đều có nguồn gốc từ loài mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica). Người ta tìm thấy xác mèo được chôn theo chủ trong hàng ngàn ngôi mộ cổ ở Ai Cập. Có một xác mèo được bắt gặp trong một ngôi mộ có niên đại cách nay 9.500 năm. Như vậy, thời điểm mà loài mèo trở thành bạn với loài người chắc chắn còn sớm hơn nhiều, trước khi có kim tự tháp.

Từ thời thượng cổ, người Ai Cập có tín ngưỡng thờ mèo như một vị phúc thần, gọi là hần Bastet. Đây là vị nữ thần đầu mèo, mình người, có quyền năng trong nhiều lĩnh vực. Con mèo được người Ai Cập chôn theo trong các ngôi mộ ý là cầu mong thần Bastet giúp cho người chết mau được đầu thai.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet


Từ Ai Cập, con mèo thuần hóa được các thương nhân đưa qua châu Á theo con đường tơ lụa.

Ở châu Âu, phải đến đầu thế kỷ 13 mới có người biết nuôi mèo. Lúc này con đường tơ lụa đã được nối dài từ Á sang Âu sau các cuộc viễn chinh của Thành Cát Tư Hãn. Từ châu Âu, mèo được đưa sang Tân thế giới. Ở Mỹ, lúc đầu mèo bị coi thường. Đến năm 1749, ở Pensylvania có đại nạn chuột loạn. May nhờ đàn mèo nhà ra oai đẩy lùi giặc chuột nên từ đấy mèo được ưa chuộng.

Ở Việt Nam, con mèo không hề được thờ như thần thánh và cũng không bị xem là ma quỷ mặc dầu trong dân gian cũng có những truyền thuyết về mèo đen, hoặc về chuyện mèo già hóa cáo. Đáng chú ý là trong 12 con giáp âm lịch, người Việt Nam đã dùng con mèo làm biểu tượng cho chi Mão chứ không dùng vật tượng là con thỏ như trong 12 con giáp âm lịch Trung Hoa. Lý do có thể là, vì người Trung Hoa biết làm lịch quá sớm - từ đời nhà Thương (vào khoảng thế kỷ 16 TCN).

Lúc ấy, ở Trung Hoa chưa có con mèo. Trong nhiều thế kỷ Bắc thuộc, hẳn người Việt Nam cũng đã phải dùng lịch con thỏ của người Trung Hoa. Bước qua thời kỳ độc lập, các nhà làm lịch Việt Nam đã thể hiện tinh thần tự chủ, dùng hình ảnh con mèo làm vật tượng, thay cho con thỏ vốn không được thân thiện với đời sống hằng ngày bằng con mèo.

Gần đây trên một số trang web có bài viết của ông Nguyễn Cung Thông dựa trên những khảo sát về tiếng Việt cổ mà cho rằng rất có thể người Việt Nam ta chứ không phải là người Trung Hoa - là tác giả của biểu tượng 12 con giáp trong lịch can chi (?). Nếu lý thuyết ấy được giới khoa học nghiệm thu thì đáng kể là một phát kiến mới mẻ và thú vị.

Báo Thanh niên Xuân Tân Mão năm 2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean