Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Facebook có đáng giá 50 tỷ đôla?

Facebook có đáng giá 50 tỷ đôla?

Với một công ty đã tìm ra cho loài người một cách sống mới trên môi trường Internet, thì có lẽ 50 tỷ đôla vẫn là một cái giá quá hời.

Dù đây có là thời bong bóng dotcom khi dường như ngày nào người ta cũng tìm thêm được một tỷ phú tuổi 20 thì cái tin nhà sáng lập mới 26 tuổi của Facebook, Mark Zuckerberg, đang sở hữu 12 tỷ đôla (ít nhất là trên giấy) cũng đang chiếm trọn các tít báo.

Nếu Thung lũng Sillicon lại có thêm một bong bóng mới thì có vẻ như đó chính là Facebook. Cho tới gần đây, mạng xã hội này vẫn bị xem như chẳng hơn gì một trò giết thời gian của lũ choai choai.

Nhưng cái giá 50 tỷ đôla mà Goldman Sachs dành cho Facebook là chuyện chưa từng có kể từ cái thời bốc đồng đầu những năm 2000.

Zuckerberg nổi tiếng với một trí tuệ siêu phàm (dù có hơi vụng về trong giao tiếp). Công ty của anh nay được định giá cao gấp đôi Google khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Sự nổi lên của Facebook khiến người ta phải ghen tỵ, một nhân vật cao cấp tại một công ty đối thủ lớn từng buồn rầu mà nói với tác giả bài viết này rằng ông rất tiếc khi từng coi Facebook chỉ là một trang web “tầm tầm”.

Tuy vậy, ngay ở cái giá này thì hoàn toàn có thể Facebook vẫn bị định giá thấp. Kể cả chính Google cũng bắt đầu lo sợ và không biết phản ứng thế nào với hiện tượng mới nhất của Internet này.

50 tỷ đôla nghe qua thì có vẻ quá nhiều và chẳng có biện pháp định giá tài chính nào có thể đi tới một con số như thế (doanh thu hàng năm của Facebook chỉ là 2 tỷ đôla).

Nhưng con số đó lại hợp lý nếu xét tới tiềm năng to lớn của công ty này khi giới đầu tư đã lờ mờ hiểu được rằng dịch vụ mạng xã hội có khả năng gắn bó chặt chẽ với toàn mạng Internet cũng như cuộc sống của từng người dùng.

Nếu chuyện đó xảy ra, thì 50 tỷ đôla vẫn còn quá rẻ.

Cách đây không lâu, giới công nghệ thông tin vẫn quen gọi Google là “hệ điều hành mạng”. Những thuật toán tinh vi của Google xem xét và xếp hạng mọi thứ đáng được tìm kiếm trên mạng.

Nhưng với người dùng Facebook, các thuật toán đang được thay thế bởi một thứ quan trọng hơn nhiều: mối liên kết giữa con người.

Từ đây nảy sinh một cuộc tranh luận thú vị về tương lai của Internet.

Thế giới của Google là thế giới của sự cá nhân hóa đầy duy lý.

Nhờ phân tích chính xác hành vi của bạn trên mạng và so sánh với hàng triệu người khác, các quan chức tại Google tin rằng họ có thể không chỉ chia các nhu cầu của bạn thành từng từ khóa ngắn gọn bạn gõ vào hộp tìm kiếm mà một ngày nào đó còn biết trước được bạn sẽ muốn gì, sẽ nghĩ gì.

Nhưng Facebook thấy không cần phải dùng đến toán học để biết được điều đám đông suy nghĩ. Sở thích và mong muốn hiện thời của bạn có thể được chính bạn nói ra, nhưng cũng có thể do đồng nghiệp, bạn bè hay gia đình của bạn tiết lộ trên mạng.

Trong thế giới của Facebook, mối liên hệ ấm áp giữa người với người thay thế cho các hệ thống phức tạp của Google.

Chính điều này khiến giới đầu tư đổ tiền vào dự án của Zuckerberg. Facebook nay đã là một phần không thể thiếu trong thế giới 2 tỷ người dùng Internet. Số thành viên của Facebook nay đã vượt 600 triệu.

Nhưng bước tiếp theo mới thực sự là đột phá khi Facebook hướng tới việc biến mình trở thành nền tảng của Internet.

“Lớp xã hội” (theo chữ Facebook sử dụng) là một lát cắt mỏng của cuộc sống mỗi người mà Facebook muốn đưa vào các hoạt động khác và ngay lập tức biến chúng thành những trải nghiệm thú vị.

Thực tế, đây là điều đã diễn ra chứ không chỉ là lý thuyết. Ví dụ như khi vào Facebook, người dùng có thể chơi game với các bạn trên các ứng dụng do các công ty khác viết. Nay nền kinh tế ảo ấy đã trị giá nhiều tỷ đôla.

Các trang web khác nay đang bắt đầu “cắm” dịch vụ của họ vào Facebook.

Hãy ghé thăm một tờ báo như Huffington Post hay một trang web thương mại điện tử như Etsy, bạn có thể thấy những người bạn trên Facebook của mình đang đọc, đang nghĩ, đang mua và đang giới thiệu cho bạn những gì.

Tuy vậy, với Zuckerberg, đây mới chỉ là điểm khởi đầu.

Một khi TV và Internet trở thành một, bạn có thể chọn xem cái gì dựa trên việc bạn bè hay gia đình bạn thích cái gì. Khi bạn xem, bạn cũng biết được họ yêu ghét chương trình đó ra sao.

Với kho dữ liệu khổng lồ về sở thích cá nhân và quan hệ con người, không công ty nào có thể địch lại với Facebook.

Đó là điều rất đáng ngưỡng mộ nhưng tham vọng của Facebook cũng có mảng tối của nó.

Ba năm trước khi triển khai dịch vụ Beacon cho phép người sử dụng biết được các bạn bè trên mạng của mình đang mua bán ở đâu trên Internet, Facebook đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì xâm phạm đời tư cá nhân.

Hai năm trước, họ lại lập lại sai lầm khi buộc người sử dụng phải công khai nhiều thông tin cá nhân hơn.

Gần đây Facebook đã hành xử tế nhị hơn nhưng trong tương lai những mối liên hệ xã hội mà Facebook đang cố vun trồng sẽ phải được chăm bón cẩn thận hơn để tránh khiến mọi chuyện trở nên phức tạp.

Mặc dù thường được coi là một công ty công nghệ nhưng cuối cùng thì Facebook lại đang bán một món hàng quan trọng hơn rất nhiều, đó là sử dụng công nghệ để tìm ra một cách sống mới trên môi trường Internet.

Nếu Zuckerberg có thể cân đối được giữa sự tiện dụng và riêng tư của người dùng, một ngày nào đó 50 tỷ đôla vẫn sẽ là một cái giá hời.


Theo Nytimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean