Tinhte-Sau khi đọc bài viết HTC thay màn hình AMOLED của Samsung bằng loạt màn hình SLCD của Sony, chắc chắn bạn sẽ thắc mắc xem liệu SLCD là cái gì. Thực ra thì SLCD không phải là cái gì quá cao siêu mà nó rất quen thuộc với chúng ta, chỉ là được viết và quảng cáo dưới một cách tên khác để tiếp thị mà thôi. 

Trong thông cáo báo chí chính thức, HTC đã cho biết SLCD là thế hệ mới nhất của màn hình LCD, nó chính là viết tắt của Super LCD (dịch là siêu LCD cho giống siêu nhân), cho chất lượng ngang ngửa với những màn hình AMOLED hiện nay trên các thiết bị của HTC đồng thời có thêm 1 số đặc điểm ưu việt hơn, chẳng hạn như có hiệu năng sử dụng pin tốt hơn. Cũng theo lời HTC, SLCD có khả năng quản lý điện năng tốt hơn gấp 5 lần so với thế hệ LCD trước đó, cho góc nhìn rộng hơn.

SLCD do Sony sản xuất và bạn đừng nên nhầm lẫn nó với liên doanh S-LCD của Sony và Samsung. Liên doanh S-LCD là một liên doanh sản xuất màn hình giữa 2 hãng có tên bắt đầu bằng chữ S chứ không hề liên quan gì đến công nghệ màn hình SLCD cả.

Vậy thật sự SLCD là gì? Nó chính là màn hình LCD sử dụng Panel IPS, loại panel màn hình đã được dùng trên hàng loạt thiết bị di động cao cấp như Apple iPad, iPhone 4 và 1 vài dòng điện thoại Nhật Bản. Tuy nhiên, màn hình SLCD đã được Sony áp dụng công nghệ VSPEC III cho phép mở rộng góc nhìn ra 160 độ ở cả 4 góc nhìn (trên, dưới, phải, trái). Không rõ về loại Panel nào mà SLCD sử dụng nhưng theo một số tài liệu mà mình tìm hiểu được, màn hình di động của Sony (loại dùng VSPEC III, không rõ có dùng panel IPS hay không) đã đạt đến khả năng hiển thị 65% game màu NTSC và đạt độ tương phản 800:1. Độ tương phản chính là nhược điểm lớn nhất của SLCD so với AMOLED nhưng mình thật sự không quan tâm lắm vì 800:1 là quá đủ. Nếu từng nhìn vào màn hình có độ tương phản tương tự của iPhone 4, có lẽ bạn sẽ chẳng cần quan tâm đến thông số này nữa.


Hình ảnh website thể hiện góc nhìn tốt của SLCD

Việc sử dụng SLCD sẽ giúp HTC giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung màn hình của Samsung, đồng thời màn hình SLCD sẽ giúp nâng cao độ phân giải, điều mà AMOLED chưa thể đạt được trong thời gian tới. Nâng cao độ phân giải là rất quan trọng vì nó giúp các nhà sản xuất khác cạnh tranh với màn hình độ phân giải cao của iPhone 4. Hơn nữa, màn hình SLCD sẽ dễ dàng nhìn thấy ngoài nắng hơn màn hình AMOLED. Liệu đọc xong bài viết này, bạn còn nghĩ AMOLED xuống SLCD là một sự hạ cấp phần cứng nữa hay không?

Thành thật mà nói, mình là người khá hoài cổ và rất tôn trọng những giá trị thương hiệu. Hơn nữa, mình tin vào những gì bản thân cảm thấy chứ không phải những thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất công bố. Đó chính là lý do mình chưa bao giờ ủng hộ công nghệ 3D hay màn hình AMOLED, Super AMOLED cả. Mình vẫn ưu tiên màn hình IPS hơn nếu chọn điện thoại, cho dù màn hình đó do Sony, LG, Samsung hay Hitachi sản xuất. Bạn có thể đọc them bài viết này và này để biết thêm về màn hình IPS, Super AMOLED hay AMOLED.

Cuối cùng, chưa biết về Super AMOLED nhưng hầu hết các màn hình AMOLED hiện nay đều được chế tạo theocông nghệ Pen Tile rẻ tiền mà mình đã có dịp nhắc đến trong bài viết này. Việc sử dụng công nghệ cao cấp như IPS sẽ là một thay đổi rất lớn. Nếu nhìn video so sánh dưới dây, bạn sẽ thấy sự khác biệt đó. SLCD hơn AMOLED về góc nhìn trên xuống nhưng lại thua về góc nhìn ngang, màu sắc SLCD cũng tuyệt vời hơn và không gắt như AMOLED. Chúng ta hãy chờ xem. Chiếc Desire trong video là SLCD, hãy nhớ nhé.

 
Video từ HowardForum