Gần như tất cả trong số 800 sinh viên có mặt tại cuộc gặp gỡ giữa CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội hồi đầu tháng đều gật đầu khi được ông Văn Đức Mười – TGĐ Vissan hỏi: “Các bạn có thấy mình đang sống dựa dẫm quá nhiều vào Google không?”
Cái gật đầu này, cùng với hàng loạt cảnh báo khác mà nhiều chuyên gia đã đưa ra, tạo thành một mức báo động mới của một thế hệ sống bằng “trí thông minh internet”: cái gì cũng có thể biết rất nhanh nhờ tra cứu trên mạng, nhưng không làm chủ những kiến thức này và dần dần bị suy giảm khả năng tư duy và phương pháp hệ thống hóa các tri thức để suy luận nhằm đưa ra những kết luận cho riêng mình.
Ít có nơi nào trên thế giới, internet và các thiết bị di động thông minh lại phổ biến như ở Việt Nam. Internet 3G, dù cho mới rục rịch tăng giá, vẫn thoải mái phục vụ mọi người với mức phí “rẻ không tưởng tượng được” như một chuyên gia Đức thốt lên: vài mươi nghìn đồng là trực tuyến 24/24. Bởi vậy, rất nhiều người đã tập được một phản xạ “nếu mà không biết thì tra Google” như một thói quen hiển nhiên. Hỏi gì cũng biết, tra gì cũng ra, mọi thứ tiện dụng đến mức ra sân bay, người ta cũng có thể hỏi được mật khẩu wifi của phòng khách thương gia từ rất nhiều diễn đàn trao đổi. Và theo một lý lẽ thông thường, sao ta phải xoắn não để suy nghĩ, sao phải mệt mỏi để tra cứu sách vở, tài liệu khi mà mọi thứ đều nằm trong lòng bàn tay… Một khi có câu trả lời cho mọi thứ, người ta sẽ lười biếng suy nghĩ, lười phân tích và cũng chán việc phải chui vào thư viện đọc sách…
Chẳng lẽ Google là tội đồ làm cho nhiều người trẻ trong chúng ta trở nên kém khôn ngoan?
Lẽ dĩ nhiên, chuyện không đến nỗi quá nghiêm trọng như thế, như cách mà ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch LBC lập luận: “Google là một công cụ tuyệt vời, nhưng chúng ta phải đứng trên nó, sử dụng nó một cách hợp lý chứ không được dựa vào nó”. Như cách mà giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ trong cuộc nói chuyện chủ đề “Học như thế nào?”: “Nhờ vào internet, hiện tại người ta có thể tìm được miễn phí rất nhiều tài liệu học tập miễn phí ở trên mạng. Một số trường đại học có tên tuổi như MIT, Stanford còn tổ chức công bố miễn phí hầu hết các tư liệu học tập. Thay bằng việc phải bỏ ra 50 ngàn đô-la một năm để đến đó học, mà không phải cứ có 50 ngàn đô-la là đã được nhận vào học, bạn có thể truy cập miễn phí các tư liệu học tập, theo dõi các bài giảng video. Vậy có đúng là bạn cứ ngồi ở Hà nội, hay Sài gòn, là cũng có thể học như sinh viên ở MIT hay ở Stanford hay không”. Câu trả lời là gì, có lẽ không cần phải phân tích thêm.
Gần đây, nhiều người lo ngại khi xuất hiện tình trạng “bác sĩ Google” nói về những tai biến khi người bệnh tự tra cứu thông tin trên internet thông qua công cụ tìm kiếm để tự chữa bệnh, mua thuốc theo những tài liệu, chia sẻ đọc được. Nó cũng như hàng loạt các trường hợp dở khóc dở cười khác với những người “răm rắp” nghe lời khuyên từ internet mà chưa bao giờ tự hỏi giữa biển thông tin mênh mông kia, đâu là chỗ nước xoáy, thậm chí còn có cá mập rình rập?
Hãy tạm thời thôi online và sống cuộc sống thực tế đang cuồn cuộn chảy xung quanh ta. Hãy đọc sách và suy nghĩ tìm câu trả lời thay cho internet. Đã và đang có rất nhiều cuộc vận động tại nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, có lần một nhà văn nổi tiếng đã kể câu chuyện về “bà mẹ internet” nói về việc cô con gái không cần nhờ đến mẹ ruột mà nhất nhất từ chăm con, nấu ăn, kho cá… đều tin tưởng vào internet. Để đến một lúc, cô hốt hoảng nhận ra mình đang bỏ mất một kho tàng quý giá được lưu giữ đời đời qua kinh nghiệm, qua vốn sống và qua tình yêu thương của người mẹ.
Internet là nơi cung cấp dữ liệu, là công cụ, chứ không thể là mục đích, là điểm đến của mọi vấn đề trong cuộc sống. Bạn có đồng ý vậy không?
Trần Nguyên
Theo Tia Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét