Tải ký ức của bạn xuống các thiết bị lưu trữ, giống như xử lý dữ liệu hiện tại, và sau đó truy xuất khi cần thiết.
Đó là viễn cảnh có thể thành hiện thực theo phân tích của giới khoa học. Là đề tài hấp dẫn lâu nay trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, sự kết hợp giữa công nghệ máy tính với não người hiện được thúc đẩy bởi những phát kiến mới trong ngành khoa học thần kinh, cũng như những tiến bộ trong ngành khoa học máy tính và trí thông minh nhân tạo. Hai dự án khoa học có quy mô lớn cũng đang thai nghén cho ý tưởng này. Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 2 tuyên bố chi 1 tỉ USD cho nỗ lực lập bản đồ não người, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cho hay sẽ đầu tư 1,3 tỉ USD để xây dựng não người trên nền tảng silicon.
Giới khoa học đang nuôi tham vọng lưu trữ được ký ức - Ảnh: Corbis |
Tuy nhiên, trước khi ai nấy đều quá chắc chắn về một viễn cảnh trong tương lai rằng con người cuối cùng cũng lưu giữ được ký ức, các nhà khoa học thần kinh đã tìm ra cách hoạt động và nơi lưu trữ của những “cuốn phim” quay lại những diễn biến trong quá khứ của con người. “Chuyện đó (lưu giữ ký ức lên máy tính) rõ ràng nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta”, theo chuyên gia Ted Berger của Đại học miền nam California. Thế nhưng, con người đã bắt đầu nhìn ra hướng tiếp cận nhằm sao chép những đặc điểm của các bộ não cụ thể. “Trong vòng vài thập niên nữa, chúng ta sẽ có câu trả lời cho mọi khúc mắc đó”, NBC News dẫn lời chuyên gia Berger.
Tiến sĩ Berger và Sam Deadwyler của Đại học Wake Forest đang thực hiện các cuộc nghiên cứu đặc biệt, theo đó họ thực sự cấy ký ức vào não chuột bằng cách dùng tín hiệu điện tử kích hoạt những phần cụ thể ở thùy cá ngựa. “Điều chúng ta có thể thấy là mỗi một vật thể sẽ mã hóa những mô hình và hoạt động trong không gian và thời gian cụ thể”, chuyên gia Berger giải thích. “Nếu một động vật buộc phải nhớ lon Red Bull thay vì lon Coca, hoạt động không gian - thời gian cụ thể sẽ khác biệt. Chúng tôi lần đầu tiên đã có thể xác định được những mẩu ký ức đó”, ông Berger hồ hởi nói. Nhóm của ông đã “tắt” thùy cá ngựa, bẻ gãy thành công một ký ức, rồi dùng điện kích hoạt những khu vực cụ thể để tạo ra ký ức mới. “Chúng tôi đã chứng tỏ chiến lược trên có hiệu quả trong trường hợp khỉ và chuột, nên tôi nghĩ rằng cũng có thể áp dụng cho người”, chuyên gia Mỹ kết luận.
Tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Ed Boyden dẫn đầu nhóm Sinh học thần kinh nhân tạo, với mục tiêu xây dựng những công cụ mới để khám phá não bộ. Trong những năm gần đây, Boyden và đồng sự đã tìm ra một loại protein trong tảo có khả năng chuyển ánh sáng thành dòng điện. Khi protein, được gọi là channelrhodopsin, được bơm vào một số dây thần kinh, các chuyên gia phát hiện họ có thể dùng ánh sáng để kích hoạt các dây thần kinh này, tạo ra các mô hình chuyển đổi thành xung điện và tạo thành một mã hóa ký ức máy tính. Với protein trên, ông Boyden hy vọng sẽ sớm tạo ra “công tắc” bật mở cho các tế bào não, vốn được đánh giá là công cụ tuyệt hảo để trợ giúp những bệnh nhân bị chứng rối loạn não.
Chuyên gia Boyden dự đoán trong tương lai không xa, họ sẽ sớm mở ra những chân trời công nghệ mới có liên quan đến các công trình khám phá đầu óc con người. Trong khi đó, chuyên gia Berger lên tiếng cảnh báo về một trở ngại lớn trong việc thực sự sao chép và tải hoàn toàn ký ức của con người. Dường như chúng có khuynh hướng biến mất nếu không được sử dụng.
Hạo Nhiên
Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét