Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

SMS rác đã tạm trầm lắng

Sau khi Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 thì vấn nạn tin nhắn rác đã giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều khách hàng không khỏi lo ngại vấn nạn này sẽ lại tái bùng phát nếu không được triển khai đồng bộ với quản lí thuê bao trả trước.

Ảnh

“Ra tay” với vấn nạn SMS rác

Theo báo cáo “Dirty Dozen” Q3/2012 về các quốc gia có vấn nạn thư rác của hãng bảo mật Sophos, tỉ lệ phát tán tin rác từ Việt Nam trên tổng số thư rác của thế giới là 3,4%, tăng từ 3,2% của quý II/2012. Theo bảng xếp hàng này, Việt Nam xếp thứ 9 trong số 12 quốc gia nhắn tin rác nhiều nhất thế giới từ tính tháng 7 tới tháng 9/2012.

Chuyện SMS rác tưởng như là câu chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế vấn nạn SMS rác đang làm cả đất nước phải “đau đầu”. Thậm chí trong các buổi họp của Chính phủ, Quốc hội thì SMS rác cũng được đưa ra thảo luận như là vấn đề nhức nhối. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lại một lần nữa phải đề cập đến vấn nạn SMS rác đang hoành hành. Một số Sở TT&TT phản ánh rằng họ thường xuyên bị lãnh đạo tỉnh phàn nàn về nạn SMS rác. “Cứ trước mỗi kì bầu cử Hội đồng nhân dân là có SMS rác với nội dung bôi nhọ, tố cáo lãnh đạo nọ kia”, lãnh đạo một Sở TT&TT bức xúc.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, hiện có khoảng 400 công ty CSP trên mạng di động và cung cấp các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 CSP này trực tiếp hoặc kí kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh khác (CP) để cùng cung cấp dịch vụ. Qua thanh tra cho thấy, các CSP, CP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ.

Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã nhiều lần đưa ra các quy định về chống SMS rác. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lí SIM, tin nhắn rác... và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác có hiệu lực từ 1/1/2013.

Bộ TT&TT đang kì vọng với nghị định này cơ bản sẽ giải được bài toán về vấn nạn SMS rác.

SMS rác hoạt động cầm chừng

Theo phản ánh của nhiều thuê bao di động thì trước thời điểm Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác có hiệu lực từ 1/1/2013 thì cả nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ nội dung “dội bom” SMS rác tới khách hàng. Nhiều khách hàng phản ánh những ngày cuối năm 2012 họ thường xuyên nhận được tới hàng chục SMS rác mỗi ngày. Tuy nhiên, sau ngày 1/1/2013 thì lượng SMS rác đột ngột giảm mạnh. Chị Bảo Châu, nhân viên một ngân hàng ở Đống Đa cho biết: “Nếu như những ngày cuối năm 2012 máy điện thoại của tôi liên tục báo có SMS, mở ra thì đủ loại SMS rác mời gọi chơi trúng thưởng, sử dụng dịch vụ, bán SIM số đẹp… Nhưng mấy ngày nay thì SMS rác đã giảm rất mạnh. Thỉnh thoảng tôi có nhận được SMS rác rao bán số đẹp đầu số 096”.

Trả lời về việc thực thi Nghị định 77, đại diện Viettel Telecom cho biết, nghị định này sẽ tốt cho khách hàng và lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng đã yêu cầu Viettel Telecom phải có biện pháp chặn được SMS rác để tránh phiền hà cho khách hàng. Đại diện Viettel cho biết phần lớn khách hàng vẫn thích nhận được SMS thông báo các chương trình khuyến mãi của nhà mạng như nạp thẻ chẳng hạn, còn những SMS quảng cáo thường sẽ gây khó chịucho khách hàng. Một số mạng di động khác cũng chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam rằng họ chưa biết tính ra sao khi nhắn tin quảng cáo cho khách hàng về các chương trình khuyến mãi hay giới thiệu dịch vụ. Đại diện một mạng di động cho biết: “Khi chúng tôi nhắn tin cho khách hàng thì thông thường rất ít khi khách hàng nhắn tin lại đồng ý hay không đồng ý sử dụng dịch vụ. Thậm chí nhiều khách hàng chỉ thích nhận được các SMS khuyến mãi nhưng họ cũng không gửi SMS đăng kí. Trong khi đó, Nghị định 77 quy định chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận. Nghị định cũng yêu cầu phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận. Việc thực thi Nghị định này sẽ rất khó khăn cho nhà mạng quảng bá dịch vụ của mình đến khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp bảo vệ khách hành trước vấn nạn SMS rác hiện nay”.

Đến thời điểm này, các thuê bao di động tạm thời thở phào trước vấn nạn SMS rác. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác có thể hạn chế được SMS rác từ nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, nhưng sẽ khó chặn được việc quảng cáo các dịch vụ khác xuất phát từ SIM rác. Như vậy, để giải quyết triệt để vấn nạn SMS rác thì việc quản lí thuê bao trả trước đang được xem là gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, việc quản lí thuê bao trả trước vẫn là vấn đề khó khăn ở thời điểm này.

Vi phạm quy định tại Nghị định 77, có thể bị phạt tới 80 triệu đồng

Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác quy định chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận. Phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận.

Chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo từ địa chỉ điện tử và hệ thống theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kĩ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Không được phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó. Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc người quảng cáo không được phép thu cước phát sinh để thực hiện yêu cầu từ chối nhận quảng cáo của người nhận.

Mọi tổ chức đều có quyền đăng kí và sử dụng tên định danh cho mục đích quảng cáo bằng tin nhắn và cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn. Tổ chức đăng kí sử dụng tên định danh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng, tính chính xác của các thông tin đăng kí và bảo đảm việc đăng kí, sử dụng tên định danh không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng kí.

Theo quy định tại Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác, các tổ chức cá nhân nếu vi phạm các quy định trên có thể sẽ bị phạt tới 80 triệu đồng.

MobiFone tặng tiền cho khách hàng nhận SMS quảng cáo

Triển khai quy định mới về quản lí tin nhắn quảng cáo, lần đầu tiên MobiFone đã đưa ra mô hình tặng tiền cho khách hàng nhận SMS quảng cáo. Theo đó, từ nay đến ngày 31/3/2013, MobiFone triển khai chương trình chăm sóc khách hàng đối với các thuê bao trả trước kích hoạt trước thời điểm ngày 1/12/2012 hoặc thuê bao trả sau đăng kí nhận các thông tin giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, khuyến mại từ MobiFone. Khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được tặng tổng cộng 45.000 đồng chia làm 3 kì trong vòng 90 ngày. Tiền ưu đãi trong tài khoản của thuê bao trả sau được sử dụng các dịch vụ thoại/SMS/MMS nội mạng MobiFone (10.000 đồng/chu kỳ) và dịch vụ data (5.000 đồng/chu kỳ). Nếu thuê bao không phát sinh cước data thì số tiền đó không được sử dụng để bù trừ các dịch vụ khác. Để được hưởng quyền lợi của chương trình, khách hàng không được từ chối nhận SMS quảng cáo tối thiểu trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm thực hiện đăng kí tham gia chương trình.

Theo ICTnews

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean