Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Mua lại Motorola Mobility liệu có phải là một sai lầm của Google?


Tinhte-Thương vụ Google mua lại Motorola Mobility có lẽ là thông tin nóng bỏng nhất trên thị trường công nghệ thế giới trong tuần qua. Nó gây xôn xao dư luận không chỉ bởi số tiền Google sẽ trả - 12,5 tỷ USD (cao hơn giá thị trường của Motorola Mobility đến 63%), mà còn vì 3 lý do sau:
  • Rất ít công ty phần mềm trên thị trường lại lấn sâu vào lĩnh vực phần cứng.
  • Khi thương vụ này hoàn tất, Google sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của chính khách hàng của mình trước đây, đơn cử như Samsung hay HTC - vốn đang đầu tư mạnh vào nền tảng Android.
  • Motorola Mobility trong vài năm trở lại đây đã không còn nằm trong top các hãng di động hàng đầu thế giới, với thị phần thấp hơn cả RIM - một công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, khoản tiền khổng lồ mà Google sẽ bỏ ra để mua lại Motorola Mobility liệu có đem vinh quang chiến thắng về cho Google, hay sẽ trở thành một trong những "thảm họa sáp nhập" công nghệ của thập kỷ này?

Một quyết định khó khăn của Google

Thực tế là nền tảng Android không đem lại nhiều tiền cho Google. Khi ra mắt, hệ điều hành này được hãng cung cấp miễn phí với hi vọng thu hút người dùng tìm kiếm bằng dịch vụ của Google. Android được phát triển như là một công cụ cạnh tranh trên thị trường tìm kiếm trực tuyến, thay vì là một cơ hội sinh lời. Google đã không nhìn thấy trước được những thành công mà sản phẩm này đem lại khi giới thiệu nó với thị trường. 

Sau đó, vào đầu tháng 8, Google bị gián tiếp bị tấn công khi tòa án Đức ra quyết định cấm bán sản phẩm Galaxy Tab 10.1 của Samsung trên toàn Châu Âu. Tiềm năng phát triển của Android tại thị trường lớn này giờ đây có nguy cơ bị ảnh hưởng - và không chỉ tại Châu Âu, mọi chuyện rất có thể sẽ xảy ra như vậy tại thị trường Mỹ.

Tuy hiện tại Galaxy Tab 10.1 chỉ còn bị cấm ở Đức nhưng cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa Apple và Samsung vẫn đang tiếp diễn. Apple, rút kinh nghiệm từ việc mất bản quyền giao diện người dùng đồ họa Macintosh về tay Windows 25 năm về trước, đã chuẩn bị rất kỹ để bảo vệ đến cùng những tài sản trí tuệ của họ. Ấy là chưa kể đến việc Microsoft cũng đang dòm ngó Motorola vì hàng loạt bằng sáng chế hãng này đang nắm giữ trong tay.

Quyết định của Google: mua thêm bằng sáng chế hay từ bỏ Android?

Những vụ kiện tụng gần đây của Google liên quan đến bằng sáng chế cho thấy hãng sẽ phải phải tốn một khoản chi phí lớn nếu muốn duy trì Android trên thị trường. Nền tảng Android rất có thể sẽ lâm vào thế nguy hiểm nếu Google không nhanh tay sở hữu một số lượng nhất định bằng sáng chế để bảo vệ sản phẩm của mình. Trên cơ sở là một nền tảng ít đem lại lợi nhuận, từ bỏ Android cũng là một phương án khả dĩ, đặc biệt là trong bối cảnh có không ít sản phẩm di động chạy Android không thật sự thành công trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Google vẫn kiên trì với phương châm "được ăn cả ngã về không", và thế là Google quyết định mua Motorola. Thương vụ này sẽ đem về cho Google hơn 17.000 bằng sáng chế từ Motorola Mobility. Với số lượng tài sản trí tuệ lớn như vậy, Google có thể tự tin để bảo vệ Android trước bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào trong tương lai.

Câu hỏi lớn lúc này: Google phải làm gì đây?

Việc mua lại Motorola có thể đem về một kho bằng sáng chế, nhưng nó vẫn không thể giúp Google điều chỉnh lại mô hình kinh doanh hiện tại. Android vẫn không đem về nhiều lợi nhuận cho Google, và tình hình kinh doanh bình bình của Motorola thì lại càng không thể. Thực tế cho thấy các nhà sản xuất thiết bị Android hiện nay hợp lại cũng vẫn chưa thể đánh đổ được kẻ dẫn đầu Apple.

Có một số ý kiến cho rằng sau khi việc mua lại hoàn tất, Google sẽ bán mảng sản xuất của Motorola đi và chỉ giữ lại kho bằng sáng chế. Vấn đề nảy sinh là: ai muốn mua Motorola trong lúc này? Thật sự không một hãng nào có nhu cầu sở hữu một đơn vị kinh doanh già nua và không đem lại lợi nhuận. Như vậy, Google chỉ còn một cách là tìm mọi cách để vực dậy Motorola, đồng thời phát huy tối đa khả năng sinh lợi của cả Android và Motorola.

Vấn đề nảy sinh - sai lầm của Google?


Có thể nói Google đang ở trong một tình thế rất căng thẳng. Ở mảng tìm kiếm, Google Search phải cạnh tranh với Bing và các đối thủ khác, Google+ chỉ mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên nhằm đối đầu với gã khổng lồ Facebook. Về điện toán đám mây, Google phát triển Chrome để cạnh tranh với Microsoft và Apple. Hầu như trên khắp các mặt trận ta đều thấy sự hiện diện của Google, và hãng đang phải đối mặt với những đối thủ tầm cỡ.

Như đã đề cập ở phần đầu, những hãng sản xuất phần cứng như Samsung hay HTC sẽ phải làm gì khi đối tác của họ giờ lại trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp? Liệu việc này có đẩy những công ty trên về phía nền tảng Windows Phonecủa Microsoft hay không? Đơn cử như Samsung, ngoài mặt có thể vui vẻ ủng hộ nhưng bên trong lãnh đạo cấp cao của hãng lại khá bức xúc. Nếu điều tương tự xảy ra với những hãng điện tử khác thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến cam kết phát triển nền tảng Android, đồng thời đem lại nhiều cơ hội hơn cho những đối thủ như Microsoft

Google sẽ phải tham gia cuộc chiến với Microsoft trong điều kiện nguồn lực bị hạn chế. Motorola không thể là một "vị tướng" giỏi khi sản phẩm của hãng khó cạnh tranh với đối thủ, cộng thêm những biến động trong thời gian gần đây để dẫn đến việc Motorola buộc phải tách ra làm 2 mảng riêng biệt. Những người tài giỏi nhất của hãng cũng vì thế mà ra đi, tuy nhiên hiện tại Motorola vẫn còn những 19,000 nhân viên mà sắp tới Google sẽ phải tiếp quản.

Thông thường, những thương vụ mua lại thành công là khi người mua thâu tóm được một nhà dẫn đầu (có thể là về công nghệ, sản phẩm hay thị trường) đang hoạt động trong một lĩnh vực có tốc độ phát triển cao. Những yếu tố đó sẽ là cơ sở và nguồn lực để giúp quá trình sáp nhập sau mua được thuận lợi, cơ cấu mới có điều kiện tiếp tục phát triển và thích nghi với môi trường mới. Những ví dụ điển hình có thể kể đến như việc Google mua lại trang web chia sẻ trực tuyến YouTube và công ty quảng cáo số DoubleClick. Tuy nhiên, với tình hình hoạt động của Motorola hiện nay thì sẽ chỉ tạo điều kiện cho những khoản lỗ lớn hơn trong tương lai mà thôi. Đấy cũng là lý do tại sao hãng định mức tín nhiệm S&P đã đánh giá tiêu cực về thương vụ Google - Motorola.

Trai cò cắn nhau, ngư ông đắc lợi

Như đã phân tích ở trên, Google hiện đang phải dàn trải quân trên quá nhiều mặt trận: dịch vụ tìm kiếm, hệ điều hànhChrome OS cho máy tính xách tay, mạng xã hội Google+, và nền tảng di động Android. Để quản lý có hiệu quả mô hình kinh doanh rộng như thế, chi phí cao là điều không thể tránh khói. Larry Page có thể có tầm nhìn rộng, nhưng với chiến lược định vị Google sai lầm trên hầu hết các mặt trận, Google có thể đã tự giăng cho mình một cái bẫy, nó sẽ hút cạn nguồn lược của hãng trước khi đạt được thành công.

Ai là người vui mừng nhất khi nghe thông tin Google mua lại Motorola? Có thể bạn không tin nhưng đó lại chính là Apple. Tại sao ư? Vì trước mắt, Google - Motorola chưa thể gây hại gì cho Apple - kẻ dẫn đầu, với những sản phẩm làm thay đổi thị trường mỗi khi ra mắt. Bên cạnh đó, "phe" Microsoft - Nokia mới đây đã đưa ra những nhận xét không tốt đầu tiên về thương vụ của Google, và hứa hẹn thế giằng co giữa Android và Windows Phone sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Apple, với vị trí "ngư ông", khó có thể hình dung ra một kịch bản thuận lợi hơn thế cho mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean