Ông Sanjay Jha, CEO của Motorola Mobility. |
ICTnews – “Thương vụ này càng khiến cho Nokia củng cố niềm tin vào quyết định đã chọn Windows Phone chứ không phải là Android”, người phát ngôn của hãng di động lớn nhất thế giới nói.
Ngày 15/8, hãng Internet Google đã chính thức công bố việc chi ra tới 12,5 tỷ USD để mua lại công ty di động Motorola (Motorola Mobility). Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, giá trị của bản hợp đồng này đã lấy đi hơn 1/3 tổng số 35 tỷ USD tiền mặt của mình và điều đó cũng phần nào cho thấy quyết tâm rất lớn của “đại gia tìm kiếm” trong việc chuyển hướng và mở rộng phạm vi kinh doanh của mình trên thị trường di động.
Các đối tác và đối thủ của Google đã phản ứng thế nào với thông tin này?
Google cho biết, họ đã quyết định “gọi” 5 đối tác lớn nhất đang sử dụng nền tảng di động Android của hãng để thông báo trước về thương vụ này. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng tác động của thương vụ Google thâu tóm Motorola di động sẽ bao trùm lên nhiều ngành công nghiệp khác nhau chứ không chỉ riêng “hệ sinh thái Android”. Cũng chính vì vậy, sẽ có nhiều hãng mong Google sớm “nếm trái đắng” nhưng cũng có nhiều hãng tỏ ra rất phấn khích và kỳ vọng với sự kiện này.
Ngay sau khi thông cáo báo chí về vụ mua bán này được tung ra, lần lượt các đại gia di động như Nokia, HP, Samsung, HTC, Sony Ericsson và LG– những hãng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất đã có những phát ngôn bày tỏ quan điểm của mình.
Nokia
“Thương vụ này càng củng cố niềm tin của chúng tôi vào những cơ hội tăng trưởng cho mảng smartphone của Nokia với hệ điều hành Windows Phone. Việc Google mua Motorola cũng là chất xúc tác mạnh mẽ đối với hệ sinh thái Windows Phone. Thêm vào đó, bằng tất cả “gia tài” mà chúng tôi có trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Nokia và Microsoft đang hợp tác rất chặt chẽ để xây dựng một hệ sinh thái mới màu mỡ và đầy sức sáng tạo hơn nhằm mang lại những lợi ích to lớn cho khách hàng, cho các nhà mạng, nhà phát triển phần mềm và cả các hãng sản xuất thiết bị khác”.
Có thể thấy, Nokia đang “cười thầm” và cho rằng dưới sức ép của hàng loạt những vụ kiện vừa qua liên quan đến bản quyền sáng chế công nghệ được sử dụng trong hệ điều hành Android nên Google mới phải vội vàng mua lại Motorola Mobility nhằm phần nào bổ sung lực lượng cho cuộc chiến bản quyền để bảo vệ sự phát triển của Android.
Nokia và một số nhà phân tích thị trường di động khác cho rằng, khi Google mua Motorola, một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” giữa Google và nhiều hãng sản xuất di động khác (coi Android là nền tảng chính) sẽ xảy ra. Khi đó, Google sẽ mải mê chăm chút cho “gà nhà” và bỏ rơi các đối tác khác nên viễn cảnh mà Nokia và Microsoft hy vọng sẽ là một cuộc “di cư” ồ ạt của các hãng này, rời bỏ Android chuyển sang sử dụng Windows Phone.
Có điều, Google “ngây thơ” đến thế sao? Và một điều kiện rất quan trọng để cuộc di cư này xảy ra là Windows Phone phải tự hoàn thiện mình trước đã.
HP
HP đang nuôi những hy vọng rất to tát với dòng thiết bị sử dụng hệ điều hành webOS mà họ đã mua lại từ Palm thông qua việc tự sản xuất hay cấp phép sử dụng cho những nhà sản xuất thiết bị khác.
Chính vì lẽ này mà thương vụ Google-Motorola sẽ không tác động trực tiếp đến HP hay làm biến động thị trường của họ trong một tương lai gần.
Và HP đã lựa chọn giải pháp thận trọng: “Không bình luận gì”.
Samsung
Là một trong những đối tác lớn nhất của Google và là hãng di động đang rất “phất” với hệ điều hành Android nên sẽ chẳng ai cảm thấy lạ khi thấy Samsung rất kỳ vọng vào thương vụ này.
Ông JK Shin, Chủ tịch của Samsung Mobile toàn cầu đã phát biểu: “Chúng tôi chào đón tin tức này và tin tưởng rằng thương vụ đó thể hiện một cam kết mạnh mẽ hơn nữa của Google trong việc bảo vệ hệ điều hành Android, bảo vệ các đối tác của họ và cả hệ sinh thái mà Google đang xây dựng”.
HTC
Dù thành công hơn cả Samsung nhờ sự phát triển của các dòng smartphone Android nhưng “đại gia di động Đài Loan” HTC hiện cũng là một trong số những người tiên phong trong việc sử dụng hệ điều hành Windows Phone trên sản phẩm của mình do họ vẫn còn một mối liên hệ khá truyền thống với Microsoft.
Khi được hỏi HTC có bình luận gì với phát biểu của Samsung hay không, ông Peter Chou – CEO của HTC đã khẳng định thương vụ đó không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa HTC và Google: “Chúng tôi ủng hộ việc Google thâu tóm Motorola Mobility và coi đó là một sự phát triển đáng lạc quan đối với hệ sinh thái Android. Sự phát triển này sẽ mang lại lợi ích lớn cho HTC trong việc khuyếch trương các dòng smartphone Android của mình. Mối quan hệ đối tác giữa HTC và Google sẽ vẫn tồn tại mạnh mẽ và không bị ảnh hưởng”.
Sony Ericsson
Bert Nordberg, CEO của liên doanh di động Nhật Bản – Thụy Điển đã có một bình luận rất ngắn ngủi nhưng lại có tác động không nhỏ đến những đối tác, hãng sản xuất di động khác: “Tôi chào mừng sự cam kết mạnh mẽ của Google trong việc bảo vệ hệ điều hành Android và những đối tác của họ”.
LG
Thật lạ và không hiểu ông Jong-Seok Park - Giám đốc LG Mobile và ông Nordberg có “hội ý” với nhau không khi mà phát ngôn của họ giống nhau như đúc: “Tôi chào mừng sự cam kết mạnh mẽ của Google trong việc bảo vệ hệ điều hành Android và những đối tác của họ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét