Nền tảng Android của Google đang phát triển mạnh mẽ và đứng đầu trên thị trường di động. Có rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ có một nền tảng nào khác đánh bật được Android khỏi vị trí này.
Trong vài năm qua, Android đã tạo được một vị trí thống trị vững chắc trên thị trường điện thoại di động. Và 2012 có lẽ là một năm may mắn nhất đối với nền tảng này. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, Android sẽ chiếm 61% thị trường trong năm nay và sẽ vẫn chiếm tới gần 53% thị phần vào năm 2016.
Mặc dù không có loại điện thoại Android riêng biệt nào đuổi kịp thành công của iPhone. Tuy nhiên, với thương hiệu vững chắc, sự hợp tác từ nhiều hãng sản xuất điện thoại và với số lượng lớn Android vẫn là nền tảng đứng đầu trên thị trường di động. Và điều này sẽ không thay đổi trong một vài năm tới.
1. Số lượng các hãng sản xuất di động Android rất lớn
Con số về các thiết bị Android được bày bán và đang được sử dụng là một bằng chứng đơn giản và rõ ràng nhất về sự thành công của nền tảng này. Hiện có hàng trăm (nếu không muốn nói là hàng nghìn) các thiết bị di động khác nhau chạy Android từ smartphone đến máy tính bảng và các sản phẩm dành cho doanh nghiệp. Phủ trên thị trường với nhiều loại sản phẩm là một cách rất khôn ngoan để chiếm thị phần.
2. Apple chỉ có 3 thiết bị
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Android là iOS lại đang chỉ xuất hiện trên iPhone, iPad và iPod Touch. Mặc dù nền tảng này đang rất phổ biến và thu lại rất nhiều lợi nhuận cho Apple nhưng iOS của Apple khó có thể theo kịp Android của Google chỉ với 3 sản phẩm.
3. Sự suy giảm của RIM
RIM từ lâu đã là một “cái gai’ bên cạnh nền tảng Symbian của Nokia và Windows Mobile. Tuy nhiên, trong năm qua, thị phần của RIM đã tụt xuống chỉ còn 6% và theo dự đoán của IDC, con số này còn tiếp tục giảm tới năm 2016. Sự suy giảm của RIM lại tạo ra nhiều thuận lợi cho Android.
4. BYOD
BYOD (Bring Your Own Device), cho phép nhân viên sử dụng thiết bị riêng của họ trong môi trường làm việc đã trở thành một trong những xu thế có ảnh hưởng lớn. Mặc dù iPhone là một trong những sản phẩm tiêu dùng phổ biến nhất tại các văn phòng làm việc, nhưng Android cũng đang có một số thành công với xu hướng này. Với BYOD, Android sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
5. Microsoft có ít cơ hội cạnh tranh
Microsoft được cho là có cơ hội tốt nhất để một ngày nào đó có thể vượt qua Android. Hệ điều hành Windows Phone của Microsoft cũng có cùng một loại chiến lược cấp phép cho các nhà sản xuất như Android. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường IDC,đến năm 2012, hệ điều hành này mới chỉ có thể tập hợp được 5,2% thị phần. Với khả năng cạnh tranh kém của Microsoft, một trong những đối thủ có tiềm năng nhất, Android vẫn còn nhiều thời gian để chiếm lĩnh thị trường di động.
6. Google hỗ trợ tốt các đối tác
Nền tảng Android của Google sẽ không là gì cả nếu Google không có sự hỗ trợ các đối tác sản xuất di động. Với chính sách này, Google đã thu hút được rất nhiều đối tác trong những năm qua. Một khi đã tham gia vào thế giới của Android, các nhà sản xuất di động sẽ được khuyến khích đầu tư càng nhiều càng tốt vào nền tảng này. Đó là một bước đi thông minh giúp Google có được những thị phần rộng lớn.
7. Giá trị thương hiệu của Google
Và một yếu tố vô cùng quan trọng tác động đến thành công của Android chính là giá trị thương hiệu của Google. Thương hiệu này được cả khách hàng và các đối tác tin cậy. Đó cũng là một lý do chủ yếu khác khiến các nhà sản xuất smartphone đầu tư vào nền tảng này và là một động lực khuyến khích khách hàng mua sản phẩm chạy hệ điều hành Android. Nếu không có khối tài nguyên và ảnh hưởng to lớn với thị trường của Google, Android sẽ không thể thành công như ngày hôm nay.
8. Hỗ trợ của các nhà mạng
Các nhà mạng là vũ khí bí mật đằng sau sự thành công của Android trong vài năm qua. Những nhà mạng như Verizon, AT & T, Sprint và T-Mobile đã quảng bá rất nhiều cho hệ điều hành này giúp đem lại doanh số khổng lồ cho các thiết bị Android.
9. Hỗ trợ ứng dụng
Khi Apple ra mắt kho ứng dụng App Store, thì nhiều nhà phân tích và nghiên cứu thị trường đã tỏ ra lo ngại rằng kho ứng dụng này sẽ khó có thể thành công. Nhưng sau một vài năm, đây rõ ràng là một quyết định rất thông minh. Số lượng và chất lượng các ứng dụng có ảnh hưởng rất lớn đối với thành công của một nền tảng di động. Và Google may mắn đã có một kho ứng dụng Android Market với nhiều ứng dụng chất lượng cao, nâng cao sức hấp dẫn thương mại cho hệ điều hành Android.
10. Doanh nghiệp đang dần quan tâm đến Android
Cách đây không lâu Android vẫn không phải là hệ điều hành được những người quản lý công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, gần đây mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Thế giới doanh nghiệp đang dần chấp nhận Android và để mắt tới những thiết bị chạy hệ điều hành này.
Phạm Khánh
Theo eWeek
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét