Nokia vừa quyết định khởi công xây dựng nhà máy tại Việt Nam giữa lúc gặp muôn trùng khó khăn. |
ICTnews - Giữa lúc phải cắt giảm nhân công, đóng cửa và thu hẹp quy mô nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới, Nokia đã đặt chân tới Việt Nam bằng việc xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh.
Ngay sau khi tung ra phân phối chính hãng hai sản phẩm Lumia 800 và Lumia 710 dùng hệ điều hành Windows Phone tại thị trường Việt Nam hôm 9/4, thì đến ngày 23/4 vừa qua, Tập đoàn điện thoại Nokia (Phần Lan) đã chính thức khẳng định sự hiện diện tại Việt Nam với động thái khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại di động tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Bà Mary McDowell – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng ĐTDĐ của Nokia cho biết nhà máy rộng 17ha, có mức đầu tư cơ bản ban đầu khoảng trên 200 triệu EURO (tương đương với 55 nghìn tỷ đồng). Theo kế hoạch dự kiến, nhà máy này vận hành ngay đầu năm 2013 và khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 nhân lực. “Nhà máy tại Bắc Ninh nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng trên thế giới. Đây là nơi sản xuất phụ kiện, đồng thời lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh để phục vụ chiến lược chủ yếu là xuất khẩu”, bà Mary McDowell nhấn mạnh.
Như vậy, kể từ năm 1996 - thời điểm bắt đầu bán ra sản phẩm tại Việt Nam, sau 16 năm, Nokia đã xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại đầu tiên tại Việt Nam. Và đây là nhà máy thứ 10 của Tập đoàn này sau các nhà máy đặt ở Brazil, Phần Lan, Hungary, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Những ai quan tâm đến Nokia chắc đều rõ, Tập đoàn này khởi công nhà máy tại Việt Nam giữa lúc gặp muôn trùng “sóng gió” trong suốt thời gian qua, nhất là trong năm 2011. Cụ thể hơn, thời gian qua Nokia đã phải đóng cửa và thu nhỏ quy mô của một số nhà máy sản xuất đặt tại châu Âu (như đóng cửa nhà máy tại Đức), đã sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tháng 4/2011, Nokia tuyên bố cắt 7.000 nhân công, đến tháng 9 lại cho thêm 3.500 nhân viên mất việc. Đến tháng 11/2011, công ty con là Nokia Siemens của Tập đoàn này cũng phải cắt giảm tới 17.000 người.
Chưa hết, trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường di động, gần đây Nokia đã tuyên bố kết quả kinh doanh trong quý I/2012 với sự sa sút tệ hại: lỗ 1,2 tỷ USD... (tình hình kinh doanh quý 4/2011 cũng sụt giảm doanh thu tới 73% sau khi một số mẫu smartphone chạy Windows Phone mới ra mắt của Tập đoàn này không vượt qua được doanh số của sản phẩm iPhone, đồng thời cũng không bù đắp nổi sự tụt dốc của các mẫu smartphone cũ).
Khó khăn chồng chất khó khăn, Nokia lý giải việc đóng cửa, thu hẹp quy mô nhà máy sản xuất và cắt giảm nhân công là những nỗ lực nhằm cân bằng sản xuất và cắt giảm chi tiêu. Đồng thời, đại diện hãng Nokia cũng bày tỏ sẽ tập trung cho mảng smartphone tại các nhà máy ở khu vực Châu Á - nơi có nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Và, một trong những bến đỗ của Nokia chính là Việt Nam.
Trao đổi với báo giới tại sự kiện khởi công nhà máy ở VSIP Bắc Ninh hôm 23/4, đại diện Nokia nhấn mạnh trước khi đi đến quyết định đầu tư tại Việt Nam, hãng này đã nghiên cứu rất nhiều yếu tố, tiêu chuẩn khác nhau để đầu tư và đã nhận thấy đây là một điểm đến phù hợp. Nokia cũng bày tỏ tham vọng với nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng phù hợp cho công việc giao vận, gần sân bay…, đó sẽ là những yếu tố thuận lợi trước mắt giúp hãng lấy lại “thế cân bằng”.
Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh ồ ạt đến từ hàng loạt đối thủ, thì cho đến nay, thị trường (trong đó có Việt Nam) của Nokia xem ra vẫn chỉ khả quan ở những dòng điện thoại phổ thông, bình dân. Còn trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc smartphone (đi cùng đó sẽ là cơ hội cho việc phát triển ứng dụng, dịch vụ giá trị gia tăng – những “mỏ vàng”, “kho báu” của các hãng điện thoại hiện nay), thì Nokia vẫn còn phải “đau đầu” dài dài để tìm mọi cách lấy được lợi thế trước những đối thủ “đại gia” như HTC, Samsung hay Apple đang làm mưa làm gió trước mặt.
Nguyên Đức
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 51, 52, 53 ra ngày 27/4/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét