Việt Nam vừa triển khai 3G (3rd Generation – Mạng di động thế hệ thứ 3) cách đây một năm nhưng gần đây, khi 3G chưa thu hồi vốn, thì nhiều nhà mạng lại tiếp tục đầu tư thử nghiệm 4G.
Không những thế, nhiều công ty bên ngoài cũng lấn sân vào 4G (Mạng di động thế hệ thứ 4) mặc dù họ không phải là những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại. Chuyện gì đang xảy ra?
Đôi dòng lịch sử
Điện thoại đã được phát triển từ lâu, nhưng đến năm 1945, với sự kết thúc của đại thế chiến thứ hai, nhu cầu sử dụng thiết bị này trở nên tăng vọt do yêu cầu liên lạc đi kèm với sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, … Để đánh dấu, các nhà sử học gọi công nghệ liên liên lạc điện thoại lúc ấy là 0G. Vào thời đó, điện thoại kết nối đấu dây tín hiệu theo kiểu giống như điện thoại cố định bây giờ.
Đến năm 1980, người ta phát minh ra điện thoại vô tuyến – một dạng như điện thoại di động thời nay. Công nghệ mới cho phép kết nối các điện thoại mà không cần dùng dây dẫn. Phương thức truyền dẫn tín hiệu tiếp theo này được gọi là 1G.
Cuối những năm 1990, điện thoại đã có thêm một số tính năng đặc biệt như gửi e-mail, chụp ảnh và lướt web (nhưng cực kì hạn chế do tốc độ chậm). Như thế, tín hiệu từ các trạm viễn thông không còn đơn thuần chỉ phục vụ việc chuyển tín hiệu cuộc gọi nữa mà còn có khả năng truyền dẫn dữ liệu của các dịch vụ giá trị gia tăng. Vào thời điểm này – công nghệ 2G chính thức ra đời. Khi Việt Nam chỉ có 2 hãng di động duy nhất là Vinaphone và Mobifone thì cả hai hãng này đều sử dụng công nghệ 2G (mạng GSM).
Sau khi Sfone nhập cuộc, cùng với sự xuất hiện của Viettel và nhiều hãng di động khác như Vietnam Mobile, EVN Telecom, … Việt Nam cũng như thế giới liên tục có những thay đổi ngoạn mục về công nghệ điện thoại chỉ trong một thời gian ngắn. Sfone mang đến công nghệ CDMA (chuẩn 2,75G) đầy sức mạnh từ Hàn Quốc, Viettel giới thiệu công nghệ GPRS (chuẩn 2,5G) giúp tăng tốc truyền – dẫn dữ liệu lên rất cao, điều này thúc đẩy Vinaphone và Mobifone phải nâng cấp lên một công nghệ mới cho mạng của mình – đó là công nghệ EDGE (chuẩn 2,75G).
Cách đây một năm, khi Việt Nam chính thức triển khai 3G, 5 doanh nghiệp viễn thông đã dành được quyền khai thác dịch vụ này. 2,5G, 2,75G hay 3G chỉ khác nhau chủ yếu về tốc độ và các dịch vụ vụ nội dung đi kèm. Khi chỉ số G càng tăng thì đồng nghĩa mạng cung cấp công nghệ đó làm càng được nhiều việc, nhiều tính năng. Hiện tại, công nghệ 3G cho phép điện thoại di động truy cập Internet, e-mail, tin nhắn tức thì và giúp máy tính kết nối với Internet không dây với tốc độ cao.
Đi chung đường
Trước kia, các chuẩn kết nối dùng cho điện thoại và máy tính là riêng biệt với nhau. Tuy nhiên, thực tế này bắt đầu thay đổi khi một số công ty điện thoại như Nokia, BlackBerry, iPhone, … phát triển tính năng cho phép người dùng máy tính biến điện thoại thành modem để truy cập Internet…không dây. Phần lớn người dùng Việt Nam chắc hẳn còn rất nhớ cái thời khi mà kết nối Internet cho máy tính phải dùng “ké” đường dây của điện thoại (kết nối Dial-up, tốc độ tối đa 56kbps) với tốc độ siêu “rùa” và cước phí “cắt cổ”. Tuy nhiên, so sánh với tốc độ của 2G (GSM – tốc độ 14.4 kbps), 2,5 G (GPRS – tốc độ 32 kbps) và 2,75 G (EDGE – tốc độ 48 kbps) thì kết nối bằng dial-up vẫn cho tốc độ cao hơn.
Những hạn chế về tốc độ đó khiến công nghệ phải phát triển để tìm ra những chuẩn kết nối nhanh hơn. Với máy tính, ADSL ra đời và cho đến giờ vẫn là lựa chọn duy nhất cho phần lớn mọi người tại Việt Nam và thế giới khi kết nối Internet với tốc độ lên tới 24Mbps (nhanh hơn 400 lần so với các kết nối dial-up hoặc kết nối của điện thoại). Và đến lúc ấy, nhiều hãng công nghệ lại phát triển được những phương pháp giúp điện thoại có thể truy cập Internet gián tiếp qua máy tính. Nhu cầu kết nối Internet cho máy tính ở nơi không cần dây dẫn, nhu cầu kết nối mạng cho điện thoại với tốc độ cao – điều ấy khiến các chuẩn kết nối chung cho cả máy tính và điện thoại được định hình và xuất hiện.
Xu thế tất yếu
Xu hướng chủ đạo trong việc phát triển các công nghệ kết nối cho điện thoại và máy tính là tốc độ càng cao càng tốt. Nếu như trước kia, khi nghiên cứu những chuẩn truyền dữ liệu cho điện thoại, người ta thường cố gắng sao cho tương thích với công nghệ điện thoại và ngược lại cho máy tính, thì ngày nay, việc tương thích ấy sẽ dành cho các nhà phát triển phần cứng khác. Thực tế, khi 3G tại Việt Nam ra đời chỉ dùng cho điện thoại thì chỉ vài ba tháng sau, các USB 3G của Sfone, Vinaphone, Mobifone, Viettel lần lượt được tung ra thị trường.
Về mặt lí thuyết, 3G cho tốc độ kết nối lên tới 14,7 Mbps và thực tế, trên các diễn đàn công nghệ ở Việt Nam, bên cạnh các lời than phiền đôi lúc sóng 3G yếu, còn có rất nhiều phát biểu tán dương tốc độ của 3G khi lướt net trên máy tính. Theo ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, phái viên của Thủ tướng Chính phủ về công nghệ thông tin, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin thì “nếu tăng 10% sử dụng 3G thì GDP cũng tăng 11%”. Đó cũng là lí do, dù kinh tế đang suy thoái, các mạng di động vẫn mạnh tay đầu tư 33.822 tỉ đồng cho 3G.
Song song phát triển 3G, một số công ty như Viettel, VNPT (quản lí Vinaphone, Mobifone), ... cũng ra sức phát triển 4G. 4G là một công nghệ truyền thông không dây tiếp sau 3G, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ lên tới 1-1,5 Gbps (nhanh hơn ADSL 40-60 lần). Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng hiện nay, có nhiều đồng ý với quan điểm cho rằng, công nghệ cụ thể của 4G là Wimax và LTE. Công nghệ Wimax (tốc độ 1 Gbps) hiện đang được Nokia, Intel, Motorola, … tập trung đầu tư mạnh với số tiền lên tới vài tỉ USD. Trong khi 4G LTE đang được hầu hết các hãng viễn thông lớn trên thế giới như Alcatel-Lucent, Ericsson, ZTE quan tâm và phát triển. Chỉ khoảng một tháng sau khi được cấp giấy phép thử nghiệm, VNPT đã bắt tay vào thử nghiệm công nghệ 4G LTE và đạt tốc độ 100 Mbps ngay cả khi người dùng di chuyển với tốc độ cao.
Giải thích cho việc vừa đầu tư cho 4G trong khi 3G vẫn chưa đi tới đâu, ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone nói “xây dựng 3G đều dựa trên hai tiêu chí cơ bản là nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của khách hàng. Đây cũng chính là khó khăn của các mạng triển khai 3G hiện nay. Chúng tôi dự tính sẽ mất khoảng 7 năm thì mới thu hồi lại nguồn vốn đã đầu tư vào 3G”. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ 3G còn chậm và các nội dung cung cấp cho điện thoại 3G không phong phú. Vì thế, giải pháp tốt nhất là “lôi kéo” được cả những người dùng máy tính vào. Những thử nghiệm đầu tiên cho hướng này chính là việc các mạng di động lần lượt cung cấp USB 3G cho người dùng máy tính.
Trợ lực từ bên ngoài
Tuy thế, con đường 3G hay 4G của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không cô đơn. Trong quá trình triển khai 3G, các mạng di động luôn được khá nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài hỗ trợ về tài chính và kĩ thuật. Riêng với 4G, ngay sau khi có giấy phép, Alltech Telecom (liên bang Nga) đã bắt tay ngay với VNPT để hợp tác thành lập liên doanh RusViet Telecom, khởi động “con đường 4G”. Riêng với các doanh nghiệp được cấp phép 4G khác như FPT Telecom, CMC, VTC (các công ty cung cấp dịch vụ Internet cho máy tính vốn không thể chen chân vào được trong lĩnh vực điện thoại) cũng muốn sử dụng 4G như một lá bài, trước nhất là để bảo vệ “lãnh địa” của mình, thứ nữa – theo sự đánh giá của nhiều chuyên gia, họ muốn thử nghiệm đến việc “lấn sân” sang vùng đất màu mỡ mà các công ty viễn thông di động đang nắm giữ. Minh chứng của việc này, đó là nhiều công ty chuyên doanh điện thoại như FPT có khả năng sẽ sử dụng 4G như một chiêu khuyến mãi riêng khi bán điện thoại. Đó là điều mà những doanh nghiệp khác không muốn.
Những thách thức
Mặc dù có sẵn những lợi thế lớn về 4G nhưng chắc chắn, các doanh nghiệp triển khai công nghệ này cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Người dùng thường phàn nàn rất nhiều về tốc độ kết nối Internet do các doanh nghiệp triển khai. Bởi thế, điều cần làm ngay – đó là phải khắc phục càng sớm càng tốt các vấn đề liên quan đến tốc độ. Trong một động thái gần đây, một đại diện của Mobifone đã cam kết “chất lượng trước, lợi nhuận sau” đã khiến phần nhiều khách hàng an tâm. Ngoài ra, vấn đề bảo mật cho kết nối vẫn là điều mà doanh nghiệp cần phải đầu tư nghiên cứu. Những hạn chế về bảo mật của kết nối 3G, hay thậm chí là Wi-Fi, Bluetooth khiến cho các chuẩn kết nối này gặp nhiều phản ứng gay gắt, do đó – sẽ là tự sát nếu như 4G cũng đi vào vết xe đổ này.
Tuy nhiên, dù khó khăn là thế, nhưng chắc chắc, mở sang năm mới, 4G sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho các doanh nghiệp triển khai nó lẫn cho khách hàng sử dụng. Theo một báo cáo, các doanh nghiệp viễn thông ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái do nhu cầu sử dụng của khách hàng liên quan đến dịch vụ này cũng thiết yếu giống như ăn, uống vậy. Và thực tế, chính ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT cũng khẳng định “cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam, VNPT ít nhiều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ viễn thông ngày càng cao nên các doanh nghiệp viễn thông vẫn tăng trưởng mạnh”.
Theo Tạp Chí Khám Phá Mobile Review (Số 52 - ra ngày 25/4/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét