Hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone. Ảnh: THANH HẢI |
ICTnews - Đang sở hữu 100% vốn hai mạng di động lớn VinaPhone và MobiFone, theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP, VNPT có thể phải cổ phần một trong hai mạng hoặc hợp nhất hai mạng di động thành một.
Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông.
VNPT sẽ phải tính toán lại mô hình
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011. Chương 2, Điều 3 của Nghị định này có quy định: Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT quy định.Nghị định này còn quy định, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định của Bộ TT&TT khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp. Điều khoản này trước mắt sẽ tác động trực tiếp đến mô hình tổ chức của VNPT.
Hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone. Như vậy, theo Nghị định này VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần một trong hai mạng di động này. Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán mô hình nào phù hợp cho mình. Thực tế có ít nhất hai khả năng xảy ra đối với VNPT sau khi Nghị định này được thực thi. Thứ nhất, VNPT sẽ buộc phải cổ phần một trong hai mạng di động của mình, nhưng cũng không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần tại mạng di động đã được cổ phần. Thứ hai, VNPT sẽ buộc phải tính toán hợp nhất hai mạng di động của mình để trở thành 1 mạng.
Giới phân tích cho rằng, đây thực sự là bài toán khó đặt ra với những người cầm trịch VNPT hiện nay. Hiện VNPT mới rậm rịch cho việc cổ phần hoá MobiFone. Nếu MobiFone cổ phần hoá, VNPT cũng không được nắm giữ quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của MobiFone. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khoẻ” của VNPT. MobiFone hiện chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng lại đang chiếm khoảng 50% lợi nhuận của tập đoàn này. Kịch bản này sẽ khó lòng được người cầm trịch của VNPT lựa chọn bởi MobiFone vẫn là nguồn “cơm áo, gạo, tiền” của tập đoàn này. Kịch bản thứ hai được nhắc đến là VNPT sẽ hợp nhất hai mạng di động MobiFone và VinaPhone trở thành một mạng di động. Trên thực tế, việc hợp nhất mạng lưới cũng không phải là vấn đề khó khăn đối với kịch bản này. Thế nhưng, cả MobiFone và VinaPhone đang là hai thương hiệu mạnh trên thị trường. Trong trường hợp VNPT hợp nhất hai mạng di động, VNPT sẽ phải phế đi một thương hiệu và đương nhiên VNPT không hề mong muốn điều này. Như vậy, Luật Viễn thông đang đặt những người cầm trịch VNPT ở thế “đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định này, Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT về vấn đề này. Bộ TT&TT cho biết, sở dĩ cần phải quy định các điều khoản này để tránh việc doanh nghiệp câu kết, chèn ép các đối thủ khác và thống lĩnh thị trường để cạnh tranh không lành mạnh. Bộ TT&TT cũng yêu cầu VNPT tính toán kỹ phương án mô hình tổ chức theo đúng quy định của Luật Viễn thông.
Đầu tư ít nhất 7.500 tỷ đồng mới được cấp phép di động
Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng kênh tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định 20 tỷ đồng và mức cam kết đầu tư ít nhất 60 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép. Nếu doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định 300 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định 500 tỷ đồng, mức cam kết đầu tư ít nhất 2.500 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 7.500 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.
Đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định 30 tỷ đồng và cam kết đầu tư ít nhất 100 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép.
Cùng với những quy định để thị trường viễn thông Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh để thị trường điều tiết thì chắc chắn sẽ xảy ra câu chuyện phá sản, hoặc dừng cung cấp dịch vụ đối với những doanh nghiệp không cạnh tranh được. Vì vậy, Nghị định này cũng quy định về điều kiện ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông. Điều 16 của Nghị định này quy định, doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng các điều kiện sau: Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông. Đối với doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nếu đáp ứng các điều kiện bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ TT&TT. Trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ, nhưng không chấm dứt hoạt động phải bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, hoặc chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác, hoặc thoả thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ. Nếu doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ do chấm dứt hoạt động thì phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp phải có biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng.
Nhà đầu tư nước ngoài được hợp tác kinh doanh
Điều 4, Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông dưới hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp theo quy định của pháp luật về viễn thông và pháp luật về đầu tư. Trong trường hợp đầu tư trực tiếp để cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Nhưng trong trường hợp đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được phép liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông tại Việt Nam. Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải bảo đảm các điều kiện sau: phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch tài nguyên viễn thông; quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn đầu tư và đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư.Thiết lập mạng viễn thông cố định: Phải đầu tư ít nhất 15 tỷ đồng
Điều 19 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định không sử dụng băng tần số vô tuyến điện xin thiết lập mạng trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có vốn pháp định: 5 tỷ đồng Việt Nam và có mức cam kết đầu tư ít nhất 15 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép. Đối với trường hợp doanh nghiệp xin thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 2 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phải có vốn pháp định 30 tỷ đồng và cam kết đầu tư ít nhất 100 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép.
Nếu doanh nghiệp xin thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phải có vốn pháp định 100 tỷ đồng và mức cam kết đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông.
Đối với doanh nghiệp xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện muốn thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 15 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phải có vốn pháp định 100 tỷ đồng và cam kết đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định. Trong trường hợp doanh nghiệp xin thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng và cam kết đầu tư ít nhất 1.000 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét