Sự gấp gáp khó hiểu
Những động thái trong thời gian gần đây của Apple được đánh giá là cực kì gấp gáp. Ngay sau khi Steve Jobs phải đi trị bệnh khẩn cấp, MacBook Pro phiên bản mới do CEO này thai nghén đã được tung ra. Một vài tuần sau đó, tin đồn về iPad 2 xuất hiện rầm rộ. Kara Swisher - phụ trách mảng công nghệ của tờ All Things Digital dựa vào các nguồn tin bí mật đã khẳng định rằng, Apple sẽ tung iPad 2 ngay trong tháng 3 năm nay.
Đến ngày 24/2/2011, Apple gửi giấy mời đến các hãng truyền thông, trang mạng công nghệ lớn tại Hoa Kì để tham dự một sự kiện bí mật trong ngày 2/3/2011 mà hình ảnh ở thư mời in rõ một màn hình ẩn phía sau mép giấy cuộn ngược. Ngay lập tức, cộng đồng mạng xôn xao trước các đoán định về ngày xuất hiện iPad 2 sẽ là 2/3 nhưng không ai dám khẳng định chắc chắn. Trong khoảng 2 - 3 ngày trước khi chính thức đến sự kiện 2/3, nhiều trang mạng công nghệ đã ồ ạt tung hàng loạt ảnh về một phiên bản được giới thiệu là iPad 2.
Đến ngày 2/3, Steve Jobs xuất hiện để quảng cáo cho iPad 2 nhưng khác với những lần trước, phần thuyết trình một tiếng cho iPad 2 được chia ra 2 phần, nửa tiếng đầu cho Steve Jobs và nửa tiếng sau cho một nhân sự cao cấp của Apple. Trong phần trình bày của Steve Jobs liên tục có những khoảng ngừng để màn hình trình bày các video clip trong khi trên bục khán phòng có một chiếc ghế để Steve Jobs ngồi trong hơn một nửa thời gian trình bày mà theo các nhà phân tích, chỉ khoảng 15 phút. Steve Jobs rất mệt nhưng vẫn lên trình bày. Về nguyên nhân, theo các chuyên gia, có thể Steve Jobs muốn đích thân mình nói về sản phẩm tâm huyết của mình.
Sự vội vã một cách khó hiểu của Apple còn được thể hiện rõ khi hãng này công bố thời biểu tung ra iPad 2 nhanh đến mức không ngờ khi ngày 2/3 giới thiệu thì ngày 11/3 sẽ chính thức bán tại Mỹ và ngày 25/3 sẽ bán trên khắp thế giới (trong khi phiên bản iPad 1 thì phải 3 tháng sau khi tiếp cận thị trường Mỹ thì nó mới được bán ra ở những thị trường khác).
Apple dường như đang khiến cho người dùng thấy sự gấp gáp của mình khi tiếp tục rò rỉ thông tin về việc cho ra mắt iPhone 5 mà chỉ sau khi iPad 2 được bán ra vài ngày, một nhân sự cao cấp của Apple đã thông báo rằng iPhone sẽ được bán chỉ sau vài tuần nữa. Song song đó, trên mạng xuất hiện những bản vẽ chi tiết và thậm chí là tên của các phiên bản iPhone 5 lẫn cấu hình của nó. Gần như mọi sản phẩm ấp ủ của Steve Jobs đều được gấp rút phát hành ngay trong một thời gian rất ngắn. Steve Jobs muốn thấy chúng trước khi ra đi?
Tương lai Apple
Theo Leander Kahney, chủ trì trang blog Cult of Mac của Apple và là tác giả cuốn tiểu sử về Steve Jobs có tên Inside Steve's Brain (Trong đầu Steve có gì) thì: “Vắng Jobs, Apple sẽ không còn như trước nữa. Họ sẽ không còn giữ được ngọn lửa đó, phép kì diệu đó nữa. Nhưng có lẽ họ vẫn phát triển dù thiếu bàn tay dẫn dắt của ông”. Giải thích cho nhận định này của mình, Leander Kahney lấy ví dụ về Pixar Animation Studios - công ty thứ hai mà Steve Jobs nắm quyền điều hành (bị Walt Disney mua lại năm 2006). Theo đó, từ năm 1986 đến 2006, Pixar Animation Studios gần như năm nào hãng phim này cũng “trình làng” một bộ phim mang đậm tính sáng tạo và độc đáo - và thường nhận được những ý kiến phản hồi tuyệt vời cùng con số doanh thu khủng trong đó có thể kể đến bộ phim thuộc hàng bom tấn Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) phát hành năm 1995.
Theo Leander Kahney, cả Apple và Pixar đều có mô hình hoạt động tương tự nhau. Cả hai đều được cấu thành từ các đội sáng tạo nhỏ và họ phát triển từng sản phẩm một cách hệ thống. Các thành viên trong đội không phân biệt vị trí, cấp bậc của nhau. Và sau khi giúp kích hoạt các quá trình sáng tạo của các công ty này, ông giao chúng vào tay những cấp dưới tin cậy của mình - đây là những người đã chứng tỏ được rằng năng lực của họ không dừng lại ở việc có thể điều hành công ty khi ông vắng mặt. Trong suốt hơn chục năm qua, Pixar Animation Studios đã liên tục thành công dù liên tục vắng bóng Steve Jobs.
Tuy thế, ở một luồng ý kiến khác thì lại cho rằng, Apple sẽ gặp “thảm họa” khi không có Steve Jobs trong đó quan trọng nhất là việc Apple bị mất định hướng về sáng tạo và chất lượng. Đó là một định hướng mà chính Jobs đã khai phá nên và rất ít công ty tại Mỹ có thể theo đuổi điều này. Apple hoàn toàn có thể đánh mất tầm nhìn công nghệ mà Jobs đã dày công tạo lập bởi Jobs biết chính xác ông muốn gì từ Apple và không bao giờ đánh mất mục tiêu. Theo Leander Kahney, động lực của quá trình này chính là khao khát của Jobs về sự hoàn hảo và xuất sắc khi mọi thứ đều phải được làm đi làm lại vô số lần cho tới khi chúng trở nên “cực kì tuyệt vời”.
Nếu Steve Jobs ra đi, có thể văn hóa hiện giờ trong Apple sẽ thay đổi khi một vị CEO mới nhậm chức, nghĩa là họ cũng sẽ mang theo một nền văn hóa doanh nghiệp mới vào trong Apple. Đây là điều có thể khiến mọi thứ tại Apple sẽ thay đổi nhanh chóng và khiến bộ phận lãnh đạo rơi vào sự hỗn loạn. Một số người có thể cho rằng họ bị chèn ép, một số khác lại cho rằng họ có thể đã có cơ hội tốt hơn ở đâu đó. Không ít người cảm thấy không phục ông chủ mới. Một ví dụ điển hình là khi Jobs ra đi những năm 1984 thì hàng loạt nhân viên cũng bỏ đi khi CEO mới đến với Apple sau đó.
Tuy thế, nhiều người vẫn tin Apple sẽ trụ được qua cơn “sóng gió”. Trong thập kỉ qua, Jobs đã tái tạo Apple theo hình ảnh của mình. Các đặc điểm tính cách của ông như được “mã hóa” vào cung cách hoạt động của công ty. Sự cầu toàn, tính tỉ mỉ, và ngay cả con mắt thẩm mĩ của ông cũng đã trở thành một phần không thể tách rời trong các quá trình khác nhau của Apple, từ phát triển sản phẩm cho tới quảng cáo. Apple sở hữu đội ngũ lãnh đạo xuất sắc nhất trong nền kinh doanh của nước Mỹ. Dù không có Steve Jobs, họ chỉ việc tiếp tục vận dụng các phương pháp kinh doanh sáng tạo mà Jobs đã dạy họ, và như thế, Apple sẽ còn tiếp tục phát triển, Leander Kahney nhận định.
theo Thongtincongnghe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét