Thông tin này đã được Thứ trưởng Lê Nam Thắng đưa ra tại buổi họp báo chiều qua, 31/1, công bố thông tin Đề án số hóa truyền hình Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
- Việt Nam bắt đầu triển khai lộ trình số hóa truyền hình. Bộ Thông tin và Truyền thông làm thế nào để cho người xem truyền hình bắt kịp sự chuyển đổi này?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đến năm 2020, toàn bộ các hệ thống truyền hình tương tự của Việt Nam sẽ phải chuyển đổi sang truyền hình số theo lộ trình. Đầu tiên sẽ chuyển đổi ở những khu vực thành phố, nơi có thu nhập bình quân người dân cao, sau đó tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, đến hết năm 2015, chúng ta sẽ chuyển đổi truyền hình số tại 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (cũ), TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ (giai đoạn 1). Sau đó, đến giai đoạn 2, chúng ta chuyển đổi tiếp ở 26 tỉnh, thành phố. Dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016. Giai đoạn 3 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 18 tỉnh tiếp theo, với lộ trình chuyển đổi hoàn toàn trước ngày 31/12/2018.
Và giai đoạn 4 sẽ phải thực hiện để làm sao hết năm 2020, chúng ta sẽ cắt toàn bộ truyền hình tương tự tại Việt Nam. Các hệ thống truyền hình tại Việt Nam là truyền hình số.
Để thực hiện được lộ trình này, cần hai yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, về phía các nhà đài, doanh nghiệp cung cấp truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình phải triển khai hạ tầng truyền hình số và bắt đầu phát các chương trình truyền hình số theo lộ trình, bảo đảm trong thời gian đầu, phát song song cả truyền hình số lẫn truyền hình tương tự, trong đó người dân từng bước mua sắm thiết bị thu để chuyển sang sử dụng dịch vụ truyền hình số.
Yếu tố thứ hai rất quan trọng đó là về phía người dân, khi chuyển từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, máy thu hình người dân đang dùng ở nhà sẽ không thu được truyền hình số. Để thu được truyền hình số, người dân phải mua thiết bị được gọi là đầu thu truyền hình số thì mới xem được.
Để hỗ trợ cho việc này, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã quyết định yêu cầu tất cả các nhà sản xuất và nhập khẩu thiết bị truyền hình vào Việt Nam từ ngày 1/4/2014 phải tích hợp tính năng thu truyền hình số vào tất cả các máy thu hình có kích thước trên 32 inch. Và từ ngày 1/4/2015, áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình từ 32 inch trở xuống.
Như vậy, từ 1/4/2015 trở đi, tất cả các máy thu truyền hình đều phải là thiết bị thu truyền hình số. Người dân lúc đó mua máy thu hình về không cần phải sắm thêm bất kỳ thiết bị nào nữa vẫn có thể thu ngay truyền hình số.
Tuy nhiên, chúng ta làm ở những khu vực thành phố, nơi người dân có thu nhập cao trước. Với những gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và chính sách xã hội, nhà nước có chính sách lấy chi phí từ quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ mua được đầu thu truyền hình số, giúp cho người dân có thể chuyển đổi thuận lợi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số.
- Trong việc thực hiện số hóa, việc hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng, sắp xếp lại hệ thống nhà đài… sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện nay nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, số hóa, vấn đề này được tính toán thực hiện như thế nào?
Quy hoạch về truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2009, theo quy hoạch này, Việt Nam từng bước hình thành thị trường truyền dẫn phát thanh truyền hình. Có nghĩa là trước đây phần xây dựng nội dung chương trình cũng như truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình là một. Mỗi đài đều có cơ sở hạ tầng kỹ thuật của mình. không dùng chung được, nên hiệu quả thấp.
Theo quy hoạch này, sẽ hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Như vậy về lâu dài các đài truyền hình sẽ tập trung làm nội dung chương trình, còn hệ thống truyền dẫn phát sóng theo quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ hình thành từ 2 đến 3 doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ truyền dẫn truyền hình mặt đất trên toàn quốc. Dự kiến có 3-4 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình khu vực. Với việc hình thành thị trường như vậy, quy mô đảm bảo tính cạnh tranh nhưng cũng sẽ không cạnh tranh quá mức, bảo đảm các dịch vụ truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình có cạnh tranh sẽ giúp cho chất lượng dịch vụ được nâng cao hơn, giá thành giá cước ngày càng hạ hơn.
Thực tế trên thị trường hiện nay chúng ta đã có ba đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình trên phạm vi toàn quốc là VTC, AVG và đài truyền hình Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, cũng sẽ thành lập ba doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ truyền dẫn truyền hình mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các đài truyền hình ở địa phương phải sử dụng hạ tầng truyền dẫn của ba doanh nghiệp này. Hoặc một số doanh nghiệp khác sẽ được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng trong khu vực đều phải sử dụng hạ tầng phát sóng truyền dẫn này.
Như vậy, hiệu quả sử dụng tần số, hạ tầng được nâng cao lên rất nhiều. Tránh việc các đài đầu tư cho hạ tầng nhiều nhưng khả năng sản xuất, xây dựng chương trình lại hạn chế. Một ngày chỉ sản xuất chương trình phục vụ trong vài tiếng còn lại khai thác kênh chương trình nước ngoài, như vậy không hiệu quả, không làm đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của các đài. Chính vì vậy việc Thủ tướng phê duyệt đề án này cũng là tiền đề tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tổ chức, chuyển đổi từ hoạt động theo bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường cạnh tranh, đồng thời tận dụng chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa tất cả các nhà đài với nhau.
- Điều chắc hẳn rất đông người xem truyền hình hiện nay quan tâmm đó là khi chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số mặt đất, người dân sẽ được thụ hưởng những nội dung truyền hình gì từ truyền hình số mặt đất, thưa Thứ trưởng?
Trước đây và hiện giờ các đài truyền hình của địa phương vừa làm chương trình, vừa thực hiện việc phát sóng. Tuy nhiên, với công nghệ tương tự và máy phát như vậy, rõ ràng mỗi một máy phát chỉ phát được một kênh chương trình. Trên mỗi một địa bàn, người dân chỉ xem được một chương trình. Còn với việc hình thành các doanh nghiệp truyền cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trên toàn quốc cũng như trong khu vực, người dân có thể đồng thời xem được nhiều kênh chương trình, không phải chỉ kênh chương trình của tỉnh mình, thành phố mình mà có thể xem kênh chương trình của tỉnh khác, thành phố khác cũng như các chương trình của trung ương. Như vậy, có thể thấy lợi ích đối với người dân khi chuyển từ truyền hình tương tự sang truyền hình số rất rõ rệt.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đề án số hóa cũng nhằm mục tiêu từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao như HDTV, 3DTV… Cùng với việc đạt được mục tiêu đó, Đề án cũng sẽ tạo điều kiện cho việc huy động mọi nguồn lực của xã hội để hình thành thị trường truyền dẫn, truyền hình với sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đó có doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Đề án cũng là cơ sở để tạo cho việc sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.
Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo (tiêu chuẩn truyền hình số Châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.