Windows 7 là lựa chọn tốt thay thế cho XP với giao diện đồ họa hấp dẫn, khả năng bảo mật tốt hơn, nhiều tính năng cải tiến và cả những tính năng mới để lại ấn tượng tốt. Win 7 tận dụng tốt hơn sức mạnh của phần cứng như khả năng xử lý đa nhiệm của BXL, card đồ họa… Ngoài ra, Windows 8 được cho là sẽ phát hành vào tháng 10/2012 cũng là bản nâng cấp đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, cả Windows 7 và 8 đều yêu cầu cấu hình phần cứng cao hơn so với XP.
Với người dùng gia đình, việc nâng cấp HĐH và thậm chí cả các ứng dụng phiên bản mới nhằm đảm bảo tính tương thích thường khá đơn giản. Trong môi trường doanh nghiệp thì việc nâng cấp HĐH có thể phát sinh nhiều rắc rối ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài việc kiểm tra và dùng thử trước khi triển khai hàng loạt, các nhà quản trị hệ thống thường chờ đợi cho đến khi Microsoft đưa ra bản cập nhật lớn (service pack) đầu tiên nhằm đảm bảo khả năng tương thích tốt nhất của HĐH mới; nhất là với các ứng dụng chuyên biệt của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là vấn đề đào tạo, hướng dẫn người dùng làm quen với giao diện, những tính năng, công cụ của HĐH mới cũng mất khá nhiều thời gian...
Thông tin bên dưới giúp bạn có sự lựa chọn phù hợp nhu cầu sử dụng khi nâng cấp hệ điều hành.
Kiểm tra tính tương thích
Bạn có thể sử dụng một ứng dụng cũ trên nền HĐH mới, chẳng hạn bộ ứng dụng văn phòng Office 2003 có thể hoạt động tốt với Win 7 nhưng ngược lại, không người dùng nào muốn cài đặt Office 2010 trên nền XP cũ kỹ; dù Microsoft cho biết chúng vẫn tương thích.
Người dùng gia đình có thể sử dụng tiện ích Windows 7 Upgrade Advisor để đánh giá mức độ tương thích và khả năng đáp ứng của hệ thống với HĐH mới hoặc kiểm tra trực tiếp tại đây.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, Exchange Server 2007 vẫn hoạt động tốt với Windows Server 2003 nhưng Exchange 2010 chỉ tương thích với Windows Server 2008. Tương tự với các phiên bản mới nhất SharePoint, SQL Server hoặc các ứng dụng khác cho doanh nghiệp.
Để giúp doanh nghiệp tránh những rắc rối trong quá trình nâng cấp, Microsoft cung cấp 1 số công cụ hỗ trợ nhưMicrosoft Assessment & Planning Toolkit 4.0 (MAP), có khả năng đánh giá mức độ sẵn sàng của toàn bộ thiết bị, phần cứng trong hệ thống mạng. Application Compatibility Toolkit 5.5 (ACT) kiểm tra khả năng tương thích của các ứng dụng với Windows 7 và Microsoft Deployment Toolkit 2010 (MDT) dùng để triển khai HĐH và các ứng dụng đến máy tính người dùng trong mạng.
Chọn phiên bản 32 hay 64 bit?
Tùy thuộc tính chất công việc và cấu hình phần cứng hiện tại mà bạn có thể chọn phiên bản 32 hoặc 64 bit. Chẳng hạn phiên bản 32 bit chỉ thích hợp với cấu hình phần cứng cũ, dung lượng RAM giới hạn (3,2GB trở xuống), khó tìm được trình điều khiển (driver) thiết bị phần cứng hoặc các ứng dụng không hoạt động tốt trong môi trường 64 bit.
Lưu ý: không thể chuyển đổi trực tiếp giữa hai phiên bản 32 và 64 bit mà thay vào đó, bạn phải cài mới hoàn toàn HĐH cùng các các ứng dụng phù hợp.
Cập nhật driver phù hợp
Vấn đề này được Microsoft giải quyết tốt hơn đối với Windows 7 bằng việc tích hợp nhiều driver phần cứng để người dùng không mất nhiều thời gian tìm kiếm, cài đặt driver tương ứng với cấu hình phần cứng máy tính cá nhân. Tuy nhiên với một số thiết bị cũ như máy in, máy scan hoặc máy tính tiền (POS - point of sale) giao tiếp serial hoặc LPT, bạn nên chuẩn bị sẵn driver phù hợp bằng cách kiểm tra và tải về từ website nhà sản xuất. Trường hợp không tìm được driver tương ứng với phiên bản HĐH mới, bạn cần cân nhắc việc thay thế thiết bị mới hoặc tiếp tục sử dụng HĐH cũ.
Theo PCWorld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét